Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Vì sao Fundiin chọn “bắt tay” với LOTTE Cinema
Anh Hoa - 08/07/2023 11:26
 
Nhờ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hai tên tuổi đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte đã mở rộng và trở thành tên tuổi lớn nhất trên thị trường rạp chiếu phim tại Việt Nam.

Fundiin - startup hoạt động trong lĩnh vực mua trước trả sau vừa công bố hợp tác với LOTTE Cinema. Fundiin sẽ cung cấp giải pháp thanh toán trả sau 30 ngày hoặc chia 3 kỳ thanh toán hoàn toàn miễn phí, miễn lãi cho khán giả xem phim tại LOTTE Cinema - một trong những hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam với hơn 40 cụm rạp trên cả nước.

Ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO Fundiin cho biết, Công ty sẽ có kế hoạch bắt tay với các rạp chiếu phim khác. Việc làm với LOTTE Cinema trước vì họ hiểu giá trị tốt nhất sẽ mang lại cho khách hàng thông qua giải pháp mua trước trả sau và hai bên có được sự đồng thuận về các điều khoản thương mại.

Với riêng Fundiin, không kỳ vọng về doanh số qua thương vụ này mà kỳ vọng có thể tăng gấp đôi số lượng người dùng và tăng tỷ lệ dùng lặp lại. Từ đó, có nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua Fundiin hơn để người dùng hiện tại thay vì phải trả hết toàn bộ có thể dùng một phương thức thanh toán tiện lợi, thông minh hơn như giải pháp của Fundiin.

Sự hợp tác để mang giải pháp trả sau lần đầu đến với thị trường phim chiếu rạp này không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu của Fundiin mà còn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp tại Việt Nam.

“Khi các doanh nghiệp tập trung mang lại giá trị tiện ích thêm cho người tiêu dùng thì sẽ tăng được sự chuyển đổi và thể giúp đối tác gia tăng giá trị đơn hàng trung bình (AOV) đến gấp 2 lần so với các phương thức ví điện tử”, ông Cường cho biết. 

Hiện xu hướng lựa chọn thanh toán trả sau đang dần lên ngôi. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Fundiin có tốc độ tăng trưởng về giá trị thanh toán cao hơn các phương thức thanh toán trả ngay truyền thống ở mức 44%.

Lotte là đối thủ cạnh tranh với CJ CGV ở thị trường Hàn Quốc cũng như tại Việt Nam
Lotte là đối thủ cạnh tranh với CJ CGV ở thị trường Hàn Quốc cũng như tại Việt Nam

Có thể nói, nhu cầu giải trí tại Việt Nam đang rất lớn với cơ cấu dân số trẻ cao. Bởi người trẻ sẵn sàng bỏ ra một khoảng tiền để đáp ứng những dịch vụ phục vụ đời sống tinh thần. Cùng với đó, với đó là sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh, những bộ phim bom tấn của nước ngoài được du nhập về Việt Nam và đã gây dựng được tiếng vang lớn. Đồng thời, phim Việt ngày càng được đầu tư đã thu hút được nhiều người và đem lại nguồn doanh thu khổng lồ. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên cơ hội dành cho ngành rạp chiếu phim tại Việt Nam.

Trên thực tế, trước tiềm năng của thị trường Việt Nam, trong những năm qua, rạp chiếu phim Việt đã thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước.

Trước Covid-19, thị trường rạp phim tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022. Tổng doanh thu dự kiến ​​tăng trưởng với tốc độ CAGR gần 10% trong 8 năm tới. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) hiện là 8-9 USD.

Những tên tuổi như CGV, BHD Star Cineplex, LOTTE, Galaxy, Beta… đã chiếm lĩnh kha khá thị phần. Tuy nhiên,  nhờ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, hai tên tuổi đến từ Hàn Quốc là CGV và Lotte đã mở rộng và trở thành tên tuổi lớn nhất tại Việt Nam.

Vào năm 2011, CGV nhanh chóng tiến vào thị trường Việt Nam thông qua việc chi 73,6 triệu USD  để nắm giữ 92% vốn cổ phần của Envoy Media Partners (đăng ký kinh doanh tại Virgin Island) đang sở hữu 80% Công ty cổ phần truyền thông MegaStar (MegaStar). Tại thời điểm CJ CGV mua lại MegaStar, hệ thống chiếu phim của thương hiệu này chỉ có 7 rạp chiếu với 54 phòng chiếu. Đến cuối năm 2022, CGV Việt Nam đã mở rộng ra 83 rạp với 483 phòng chiếu. Đơn vị này vẫn giữ vững vị thế chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam khi nắm 51% thị phần.

Báo cáo tài chính của Công ty TNHH CJ CGV (Hàn Quốc) ghi nhận doanh thu của CGV Việt Nam năm 2022 đạt gần 150 tỷ won, tương đương 2.809 tỷ đồng. Doanh nghiệp lãi hoạt động 10,2 tỷ won, tương đương 191 tỷ đồng. Trong khi đó, chuỗi rạp chiếu phim này lỗ ròng lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021 và phải đóng bớt một số cơ sở chiếu phim.

Hiện rạp CGV và LOTTE xuất hiện tại hầu hết các đô thị lớn, tại các khu vực dân cư đông đúc và các đô thị mới.

Trong khi đó, năm 2008, hệ thống siêu thị và trung tâm giải trí Lotte (Lotte Shopping - Entertainment) -  đứng thứ hai ở Hàn Quốc sau CJ-CGV trong ngành chiếu phim - đã mua lại Liên doanh Diamond (DMC).

Doanh thu của LOTTE Cinema đạt được vào năm 2019 với 921 tỷ đồng nhưng cũng là năm lỗ lớn nhất, tới 773 tỷ đồng. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu của LOTTE Cinema sụt giảm còn 451 tỷ đồng, lỗ 668 tỷ đồng.

Đến năm 2021, chuỗi rạp phim này cùng một số doanh nghiệp lớn khác trong ngành phải viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng chính phủ Việt Nam xin cấp vốn, vay tín dụng ưu đãi, giảm thuế... vì rạp đóng cửa do dịch. Trong năm đó, LOTTE Cinema tiếp tục suy giảm doanh thu còn 336 tỷ đồng và lỗ 466 tỷ đồng.

Rạp chiếu phim đóng băng, CGV, Lotte, Galaxy, BHD cận kề nguy cơ phá sản
Khi các cụm rạp chiếu phim “đóng băng”, thì các tên tuổi trong ngành giải trí sẽ phải tìm cách xoay chuyển tình thế.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư