Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Rạp chiếu phim đóng băng, CGV, Lotte, Galaxy, BHD cận kề nguy cơ phá sản
Anh Hoa - 08/06/2021 14:01
 
Khi các cụm rạp chiếu phim “đóng băng”, thì các tên tuổi trong ngành giải trí sẽ phải tìm cách xoay chuyển tình thế.
Tính đến ngày 8/5/2021, CGV đóng cửa 68 trên tổng số 81 rạp của mình trên cả nước theo chỉ thị của các cơ quan chức năng trong giai đoạn phòng chống dịch
Tính đến ngày 8/5/2021, CGV đóng cửa 68 trên tổng số 81 rạp của mình trên cả nước theo chỉ thị của các cơ quan chức năng trong giai đoạn phòng chống dịch

Tỷ phú thế giới lao đao

Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới khiến ngành giải trí điêu đứng, trong đó có các rạp chiếu phim, hàng loạt tỷ phú phim ảnh lao đao. Điển hình tại thị trường Trung Quốc, “ông trùm” bất động sản Vương Kiện Lâm phải hứng cú đòn mạnh khi đã chi hàng tỷ USD để xây dựng chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất thế giới.

Trong 10 năm từ năm 2010 đến 2020, số lượng rạp chiếu phim hiện đại của Việt Nam tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), với hơn 200 cụm rạp. Số lượt xem phim chiếu rạp trên toàn quốc trong một năm cũng tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt (tăng 714%).
Dự tính đến năm 2030, Việt Nam có thể đạt số lượng 1.050 rạp chiếu phim, với 210 triệu khán giả mỗi năm.

Cụ thể, Tập đoàn Vạn Đạt của ông sở hữu Vạn Đạt Film, chuỗi rạp chiếu phim hàng đầu Trung Quốc và kiểm soát AMC, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ. Năm 2012, để mở rộng thị trường, Vạn Đạt chi 2,6 tỷ USD mua lại AMC. Sau đó, Hãng đã mua lại các rạp chiếu phim Bắc Âu, Carmike và Odeon & UCI.

Ngay trong quý đầu tiên của năm 2020, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát, Vạn Đạt Film báo lỗ 550-650 triệu nhân dân tệ (92 triệu USD), con số lớn hơn cả lợi nhuận 400 triệu nhân dân tệ quý I/2019. Nguyên nhân là tất cả các rạp chiếu phim bị đóng cửa vì Covid-19.

Tại Mỹ, AMC đóng cửa tất cả các địa điểm, cho nhân viên nghỉ việc và cắt giảm lương đội ngũ giám đốc điều hành để tiết kiệm tiền mặt. Cổ phiếu của Vạn Đạt Film giảm 17% trong năm 2020, trong khi cổ phiếu AMC giảm 2/3 tại Phố Wall.

Đại dịch đang càn quét các “ông lớn” trong ngành và tỷ phú New York Charles Cohen cũng không ngoại lệ. Tháng 12/2018, ông mua lại chuỗi rạp chiếu phim Landmark từ tỷ phú Mark Cuban và rạp chiếu phim U.K.’s Curzon một năm sau đó. Cả hai hệ thống rạp đều đóng băng vào tháng 3/2020.

Trong khi các rạp chiếu phim hiện hữu bị đóng cửa, các tên tuổi công nghệ đang nhảy vào lĩnh vực phim trực tuyến. Amazon sẽ mua lại MGM Studios với giá 8,45 tỷ USD. Động thái này đánh dấu bước đi táo bạo chưa từng có của Công ty khi bước chân vào ngành giải trí và thúc đẩy tham vọng trong lĩnh vực video trực tuyến. Amazon sẽ tận dụng lợi thế từ kinh nghiệm sản xuất phim lâu năm và danh sách 4.000, cùng 17.000 chương trình truyền hình của MGM, để nâng cao vị thế cho Amazon Studios.

Amazon, Netflix, Disney và các dịch vụ phát trực tuyến khác đang tìm cách tăng khối lượng nội dung để thu hút người đăng ký. Các công ty này sẵn sàng chi hàng tỷ USD cho việc cấp phép nội dung và sản xuất những nội dung gốc.

“Ông nhỏ” tại Việt Nam cũng ngấm đòn

Tại Việt Nam, thị trường giải trí với hơn 100 triệu dân cũng đang ngấm đòn. Ngành công nghiệp chiếu, phát hành phim và làm phim của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong 10 năm từ năm 2010 đến 2020, nhưng sự xuất hiện của Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành, tâm lý khách hàng lo sợ, kế hoạch sản xuất và nguồn phim chịu tác động trực tiếp.

Theo đó, doanh thu của các rạp chiếu phim gần như là con số 0, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải gồng mình chi trả các chi phí thuê mặt bằng, lương cho nhân viên... Doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể đối mặt với nguy cơ phá sản. Mới đây, CGV, Lotte, Galaxy và BHD đồng thanh kêu cứu, vì đã cận kề nguy cơ phá sản.

Tính đến ngày 8/5/2021, CGV đóng cửa 68 trên tổng số 81 rạp của mình trên cả nước theo chỉ thị của các cơ quan chức năng trong giai đoạn phòng chống dịch. Trong khi đó, Galaxy đã đóng hết 18 rạp, không còn nơi nào hoạt động; Lotte đóng 40 trên tổng 46 rạp của hãng trong giai đoạn này.

So với các tên tuổi trong nước, thì tay chơi ngoại CGV có vẻ đang phải hứng chịu đòn giáng nặng nề. Giữa tháng 6/2020, CJ CGV (công ty sở hữu cụm rạp CGV) đã quyết định bán hết 25% cổ phần tại CJ Vietnam (một công ty đầu tư bất động sản ở Việt Nam), với giá 32,4 tỷ won (27,2 triệu USD), tương đương 5,4% vốn chủ sở hữu. Đây là đơn vị xây dựng tòa nhà CJ ở TP.HCM. CJ CGV cùng với CJ Logistics, CH Holdings Limited, CJ ENM, mỗi đơn vị sở hữu 25% cổ phần công ty này.

So với một năm trước, doanh thu của CGV đã bị giảm tới một nửa và lỗ ròng đã tăng từ 85,7 tỷ won lên mức 118,6 tỷ won. Thua lỗ ở mảng kinh doanh nước ngoài như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày một mở rộng. Riêng tại Việt Nam, trong năm 2020, CGV lỗ tăng đột biến lên hơn 850 tỷ đồng. Các năm trước đó, Công ty lỗ lần lượt hơn 150 tỷ đồng và 27 tỷ đồng (theo báo cáo của công ty mẹ).

Tên tuổi này đang đứng đầu về thị phần rạp chiếu phim tại Hàn Quốc, với thị phần lớn nhất với hơn 100 rạp chiếu và 1.000 phòng chiếu. CEO của CJ CGV từng đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.000 tỷ won (khoảng 95 tỷ USD) vào năm 2020, trong đó 70% doanh thu  đến từ thị trường nước ngoài. CGV đã mở rộng sang các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Năm 2011, CGV mua lại phần lớn cổ phần tại MegaStar - cụm rạp chiếu phim và nhà phát hành phim lớn nhất Việt Nam - mở đường cho kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực giải trí tại Việt Nam. CGV coi Việt Nam là thị trường chiến lược, là trung tâm để từ đó có thể vươn rộng ra các nước Đông Nam Á.

Năm 2017, CJ CGV đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 200 triệu USD trong 4 năm sau đó để nâng cấp và mở rộng hệ thống chiếu phim tại Việt Nam, bao gồm cả các thành phố cấp nhỏ và vùng sâu, vùng xa. CJ CGV Việt Nam dự kiến ​​mở 12 -15 rạp chiếu phim mới mỗi năm, với chi phí từ 4 đến 7 triệu USD mỗi rạp.

Trong khi đó, cũng trong năm 2017, rộ lên tin đồn Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) muốn thoái toàn bộ vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim. Người đứng đầu hãng này đã làm việc với một quỹ đầu tư để bán hệ thống rạp Galaxy Cinema với giá 25 triệu USD. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đã không thành công khi phía Galaxy muốn thoái toàn bộ khỏi mảng kinh doanh này, trong khi quỹ đầu tư muốn các cổ đông sáng lập tiếp tục ở lại điều hành Công ty.

Trước đó, năm 2013, Golden Screen Cinemas (GSC) của Malaysia đã mua 25% cổ phần của Galaxy Studio với trị giá 20 triệu USD, tương ứng định giá Công ty ở mức 80 triệu USD. Nhà đầu tư từ Malaysia đã nâng sở hữu lên 40% vào năm 2016 và đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam sẽ đem lại gấp đôi lợi nhuận so với năm 2015.

Cụm rạp này từng nhận một khoản đầu tư từ Quỹ Vietnam Investment Group (VIG), nhưng chi tiết khoản đầu tư không được tiết lộ. Quỹ đầu tư này - cùng với Blue HK Investments của Hồng Kông - cũng rót vốn vào một chuỗi rạp giá rẻ khác là Beta Cinema trong năm 2017.

Giữa năm 2020, Quỹ đầu tư Daiwa PI Partner (Nhật Bản) quyết định rót 8 triệu USD vào chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas. Trước đó, hãng này đã nhận vốn đầu tư từ VIG vào năm 2015 và đến năm 2017, nhận thêm 2,5 triệu USD từ Tập đoàn tài chính Blue HK Investments.

Ông Bùi Quang Minh, CEO Beta Media khi đó tiết lộ, với khoản đầu tư này, hãng sẽ mở thêm rạp phim và cán mốc 50 rạp chiếu phim trên toàn quốc trong vài năm tới, tính cả những rạp nhượng quyền.

Cùng với đó, Công ty sẽ cải thiện nhiều dịch vụ tại rạp phim để phục vụ khách hàng. Đây là đòn bẩy để Công ty phát triển mạnh hơn trên thị trường ở phân khúc rạp phim giá rẻ. Hãng này tập trung vào phân khúc giá rẻ dành cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, hãng sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh phát hành phim và sản xuất phim.

Theo ông Minh, với chiến lược giá rẻ (50.000 đồng), Beta Cineplex vẫn đảm bảo được chất lượng trải nghiệm người xem. Chuỗi đang sở hữu 12 rạp trên toàn quốc ở 7 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai và An Giang.

Phim trực tuyến lên ngôi

Sự khó khăn của các nhà kinh doanh màn ảnh rộng đang trái ngược với sự thăng hoa thị trường phim trực tuyến. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 11/2020 cho biết, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Bên cạnh Netflix, hai nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn là FPT Play và Galaxy Play cũng tăng trưởng. Trong đó, ước tính FPT Play sở hữu tỷ lệ người dùng trực tuyến nhiều nhất (39%), Netflix đứng thứ hai (23%). Trong khi đó, Galaxy Play, tiền thân là Film+, không công bố số liệu cụ thể, nhưng cũng thu hút nhờ gói cước rẻ (10.000 đồng/tháng cho cá nhân và 50.000/tháng cho gia đình) cùng thư viện phim bản quyền.

Giới chuyên môn cho rằng, việc đưa các phim chiếu rạp lên nền tảng trực tuyến cho thấy một sự thật là, phim chiếu rạp đang phải thích nghi để tồn tại, phải chiếu song song trên hai nền tảng điện ảnh và trực tuyến. Đại dịch là cơ hội để họ làm cuộc đại thử nghiệm mà họ muốn bấy lâu: đầu tư thêm cho mảng phim trực tuyến.

Mặc dù vậy, trong thời đại công nghệ, rạp chiếu phim vẫn có sức hấp dẫn riêng với khán giả. Cơ hội cho các nhà kinh doanh trong lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn hiện hữu. Nhưng dù Covid-19 kết thúc, với nỗi lo về tái nhiễm và sự suy yếu kinh tế, sẽ cần một thời gian để sự hứng thú của khán giả trở về như trước.

BHD với chiến lược từ nhà ra phố
Để tồn tại và bảo vệ tài sản trong lĩnh vực truyền thông, giải trí vốn có nhiều đại gia như Galaxy, NetFlix, CGV, Lotte Cinema… Công ty TNHH Bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư