Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vì sao ông chủ Học làm giàu bị bắt phục vụ điều tra?
Ngọc Tuyên (VnExpress) - 19/01/2016 09:10
 
Những thông tin liên quan đến việc ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT) bị bắt để phục vụ điều tra thời gian qua đã gây chú ý trong dư luận.
TIN LIÊN QUAN

Theo cơ quan chức năng, ông Hải bị điều tra vì hành vi "kinh doanh trái phép” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khiến nhiều nhà đầu tư đã góp vốn vào các dự án của đơn vị này như ngồi trên đống lửa.

Trước đó, vị này được biết đến là ông chủ, đồng thời có vai trò huấn luyện viên, chuyên gia trong các khóa Học làm giàu từng thu hút đông đảo học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia. 

Ông Phạm Thanh Hải, sinh năm 1966. Theo website của IDT – nơi ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, ông Hải bảo vệ Tiến sỹ tại trường Đại học Tổng hợp Belarus (Liên Xô cũ) từ năm 1994. Cũng theo đó, ông có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động và làm việc tại Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật quốc tế (Nga). 

phuong-thuc-kinh-doanh-be-boi-cua-ong-chu-hoc-lam-giau
 

IDT được ông Hải đứng ra thành lập từ tháng 3/2007 với ngành nghề khá đa dạng, gồm lĩnh vực đào tạo và công nghệ, bất động sản.... Tại đây, ông giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và từ năm 2010 thì kiêm luôn chức Tổng giám đốc.

Ông Hải được nhiều người biết đến với việc thành lập dự án Học làm giàu cuối năm 2009. Theo lời giới thiệu tại một buổi trò chuyện, Học làm giàu ra đời với mục đích "hướng dẫn học viên về cách thức làm giàu một cách hiệu quả, khoa học". Dự án bao gồm việc tổ chức các hội thảo, khóa học online và offline liên quan đến phát triển bản thân, kinh doanh, làm giàu của các diễn giả. Bên cạnh đó, theo ông Hải, dự án còn tập trung chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh cho học viên. 

"Chúng tôi đưa ra những giải pháp để giúp học viên không chỉ học lý thuyết suông mà có những công việc cụ thể để thực hành và kiếm tiền. IDT cũng có quỹ đầu tư liên kết với nhiều đơn vị, học viên có những ý tưởng, kế hoạch kinh doanh để trình bày và sẽ được đầu tư vốn, hỗ trợ về tài chính", ông từng chia sẻ tại một buổi trò chuyện. 

Trong lĩnh vực đào tạo, đơn vị này còn triển khai dự án giảng dạy khác với tên gọi Money Rain với triết lý kinh doanh “tạo mưa tiền"  thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo cao cấp với việc mời các nhà triệu phú, doanh nhân của thế giới... "IDT cam kết tạo ra, hỗ trợ và kết nối thành công cộng đồng 10.000 doanh nhân triệu đô của Việt Nam", website của dự án này giới thiệu.  

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giáo dục - công nghệ, IDT cũng góp vốn vào Đại học Thành Tây, mạng xã hội truongxua.vn... Công ty này còn rót vốn thành lập Công ty cổ phần Trung tâm giải pháp Archibus Việt Nam - đơn vị từng được biết đến là đơn vị đưa nhầm "tỷ phú Forbes" tới Việt Nam vào năm 2013. Khi đó, đơn vị này quảng cáo một thành viên của gia đình Forbes sẽ tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đã gây được sự chú ý của giới truyền thông. Tuy nhiên, sau khi có nhiều nghi vấn đặt ra, Archibus Việt Nam thừa nhận giới thiệu "nhầm" danh tính nhân vật này do lỗi dịch thuật. 

Bên cạnh đào tạo, IDT cũng đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực bất động sản thông qua các dự án do Công ty Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư. Giám đốc của công ty này cũng chính là Phó tổng giám đốc IDT. Tuy nhiên, những thông tin về các dự án bất động sản này như Tây Thăng Long, Đông Trường Sơn... đều khá hiếm hoi, hầu như chỉ được đề cập đến trên website của 2 đơn vị này. Cuối năm 2014, IDT còn đầu tư thành lập Công ty Dịch vụ Bất động sản Đỉnh Cao Mới (NewPeaks) hoạt động trong lĩnh vực môi giới, tiếp thị bất động sản. 

Gần đây, IDT được biết đến nhiều hơn thông qua dự án trồng cây "tỷ đô" mắc ca. Cuối năm 2010, đơn vị này thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Macadamia Quốc tế nhằm đầu tư, phát triển mặt hàng này ở tất cả các khâu gồm khâu giống, trồng, thu hoạch, sơ chế,  tinh chế, thị trường trong nước và quốc tế.

IDT quảng cáo mục tiêu của dự án là trồng 3.400 ha rừng trồng, trong đó có 1.000 ha cây mắc ca và một số loại cây quý hiếm khác. "Tổng doanh thu trong chu kỳ kinh doanh 20 năm của dự án là 2.595 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong 50 năm", website của doanh nghiệp giới thiệu. 

Các tài liệu của đơn vị này đều đưa ra những lời quảng cáo rất hấp dẫn.Với giá bán như hiện nay, một hecta mắc ca có thể mang tới thu nhập 2.000-3.000 USD cho người nông dân, tức khoảng 15 USD mỗi kg. Trong sản xuất thức ăn, giá trị có thể gấp 3 lần và trong sản xuất mỹ phẩm, giá trị sẽ tăng lên 20 lần, tương đương với 280 USD mỗi kg.

Mục đích của việc quảng cáo cho những dự án này của IDT đều là nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư. Trong các chương trình giảng dạy, đào tạo các khóa Học làm giàu, IDT đều đưa ra các dự án trong lĩnh vực bất động sản, giáo dục và mắc ca để kêu gọi các cộng tác viên đầu tư góp vốn.

Bên cạnh việc quảng cáo về tiềm năng của các dự án, đơn vị này còn trả lãi suất rất cao với các nhà đầu tư, dao động từ 30 đến 60% mỗi năm. Theo đó, nếu họ bỏ tiền góp vốn vào công ty IDT  với trị giá 100 triệu thì sau một năm số tiền đó được hứa đó sẽ thành 160 triệu đồng. Do vậy, rất nhiều người không chỉ ở các thành phố lớn mà tại ở các địa phương cũng đầu tư vào các dự án tại đây theo hình thức ký hợp đồng ủy thác đầu tư. Đơn vị này cũng áp dụng chính sách trích hoa hồng cho những nhà môi giới đầu tư. 

Gần đây, một số hợp đồng đã bị quá hạn thanh toán, các nhà đầu tư nhiều lần liên lạc với ông Hải cũng như phía IDT để lấy tiền theo như cam kết nhưng bất thành. Nhiều người lo ngại về nguy cơ mất trắng số tiền hàng tỷ đồng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư