Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 07 năm 2024,
Viconship bán sớm hoạt động đầu tư ngoài ngành
Duy Bắc - 09/07/2024 11:23
 
Mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A), đồng thời có dấu hiệu tăng vay nợ nhanh chóng, CTCP Container Việt Nam (Viconship) quyết định bán sớm hoạt động đầu tư ngoài ngành, tập trung quay trở lại ngành cốt lõi là khai thác cảng.
Viconship muốn nâng sở hữu lên 100% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Ảnh: Lê Toàn

Dư nợ vay dự báo tiếp tục tăng khi doanh nghiệp mở rộng đầu tư

Năm 2023, Viconship (mã VSC) đã chi hơn 998 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, đơn vị sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Thêm nữa, nếu nhìn rộng ra trong những năm gần đây, Viconship có tham vọng mở rộng đầu tư khai thác cảng khi thực hiện các thương vụ M&A. Trong đó, bên cạnh việc sử dụng vốn tự có, nguồn vốn huy động từ cổ đông, dư nợ vay của Viconship cũng có dấu hiệu gia tăng khá mạnh. Nếu năm 2021, dư nợ vay là 0 đồng, thì năm 2022 đã lên 908,4 tỷ đồng, năm 2023 lên 1.568,5 tỷ đồng và tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng dư nợ của Viconship lên tới 1.667,6 tỷ đồng.

Gần đây, với quyết tâm sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, Viconship dự kiến chi 2.178,79 tỷ đồng để mua tối đa thêm 65% vốn tại công ty này.

Trong đó, bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu vừa huy động được từ cổ đông hiện hữu 1.334 tỷ đồng (dự kiến dùng 1.320 tỷ đồng để nâng sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ), Viconship còn cho biết kế hoạch vay Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Hải Phòng với hạn mức 1.450 tỷ đồng để nâng sở hữu từ 35% lên 100% đơn vị sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Như vậy, giả sử việc sử dụng vốn huy động từ cổ đông không thay đổi, Viconship dùng 1.320 tỷ đồng từ vốn huy động cổ đông, Công ty sẽ phải vay thêm tối thiểu 858,79 tỷ đồng (tổng hạn mức được vay là 1.450 tỷ đồng) để nâng sở hữu lên 100% vốn tại đơn vị sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ.

Bên cạnh giải pháp huy động vốn mới, một giải pháp thu hẹp hoạt động ngoài ngành để tập trung nguồn vốn cũng đang được Viconship thực hiện.

Thêm nữa, theo đánh giá của Chứng khoán Mirae Asset, chiến lược M&A sẽ khiến chi phí tài chính của Viconship duy trì ở mức cao, hơn 205 tỷ đồng trong năm 2024.

Ngoài ra, Chứng khoán BSC cũng chia sẻ quan điểm, kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến việc liên thông hàng hoá xuất nhập khẩu giảm sút. Ngoài ra, rủi ro địa chính trị cũng khiến nhu cầu vận tải hàng hoá bị ảnh hưởng, nên có thể làm giảm tiềm năng ngành vận tải biển nói chung và cảng biển nói riêng trong bối cảnh Viconship đang mở rộng cảng thông qua hoạt động M&A.

Có thể thấy, nếu như việc thoả thuận và giao dịch thành công trong thời gian tới, dư nợ vay của Viconship sẽ tiếp tục tăng lên so với mức dư nợ tại thời điểm cuối quý I/2024 là 1.667,6 tỷ đồng, đồng nghĩa với áp lực chi phí tài chính gia tăng.

Thực tế, bên cạnh việc nâng sở hữu lên 100% tại đơn vị sở hữu Cảng Nam Hải Đình Vũ, trong năm 2024, theo chia sẻ của lãnh đạo Viconship, trong năm 2024, kế hoạch mở rộng đầu tư bao gồm nhận chuyển nhượng để đạt tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải biển với số tiền tối đa 500 tỷ đồng; đầu tư tài chính dự kiến 500 tỷ đồng; đặt cọc để đầu tư một cảng nước sâu tại khu vực Lạch Huyện (Hải Phòng) với 1.000 tỷ đồng.

Được biết, tại thời điểm ngày 31/3/2024, Viconship sở hữu quỹ tiền mặt khoảng 1.026,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 19,2% tổng tài sản và thấp hơn tổng số tiền dự kiến đầu tư trong năm 2024. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp huy động vốn có khả năng sẽ tiếp tục được Viconship triển khai.

Quay lại ngành cốt lõi

Bên cạnh giải pháp huy động vốn mới, một giải pháp thu hẹp hoạt động ngoài ngành để tập trung nguồn vốn cũng đang được Viconship thực hiện.

Trong đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tổ chức ngày 10/6/2024, Viconship đã thông qua kế hoạch thoái vốn khỏi Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng.

Việc thoái vốn khỏi dự án khách sạn trên được lãnh đạo Viconship lý giải là nhằm tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty, giúp giảm gánh nặng chi phí tài chính, chi phí lãi vay.

Theo tìm hiểu, Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng được xây dựng trên khu đất gần 2.000 m2 tại vị trí đắc địa ở trung tâm Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 1.422,6 tỷ đồng. Trong đó, các công ty con của Viconship góp 822,6 tỷ đồng và T&D Group góp phần còn lại (600 tỷ đồng). Tiền góp vốn được chuyển cho T&D Group để thực hiện dự án đầu tư và được tập đoàn này hoàn trả từ năm 2024 trở đi.

Theo kế hoạch hoàn trả ban đầu, từ năm 2024 sẽ trả tối thiểu 5 tỷ đồng/năm; từ năm 2028 sẽ thanh toán tối thiểu 15 tỷ đồng/năm; từ năm 2035 sẽ thanh toán tối thiểu 34,25 tỷ đồng/năm.

Được biết, trong báo cáo tài chính quý I/2024, Viconship không thuyết minh chi tiết khoản mục hợp tác đầu tư, nhưng trong báo cáo kiểm toán năm 2023, Công ty có thuyết minh. Trong đó, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Viconship ghi nhận hợp đồng hợp tác kinh doanh và đầu tư dài hạn 813,6 tỷ đồng (thời điểm ngày 31/3/2024, khoản mục phải thu dài hạn là 826 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm 827,2 tỷ đồng). Đây là khoản hợp tác với CTCP Tập đoàn T&D Group để triển khai Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng - đã khởi công và dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm 2024.

Có thể thấy, ngay khi Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng chuẩn bị đi vào hoạt động, từ năm 2024, thay vì chờ đợi và nhận dòng tiền hàng năm, Viconship đã quyết định bán sớm dự án này và tập trung vào ngành cốt lõi.

Hé lộ người của Ngân hàng Eximbank sắp vào Hội đồng quản trị Viconship
Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã VSC – sàn HoSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 lần 2, Đại hội tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư