Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị vụ “đất vàng” của Upexim
Huệ Nguyễn - 27/08/2024 10:26
 
Sau 6 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung và nhiều lần xét xử qua 2 cấp tòa, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án liên quan “đất vàng” số 4-6 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM.

Sử dụng tài sản Nhà nước trái quy định

Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định về việc kháng nghị giám đốc thẩm liên quan tới bản án hình sự phúc thẩm số 929/2022/HS-PT ngày 16/12/2022 của Toà án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trương Vui từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp (Công ty Upexim), có trụ sở tại số  4-6 phố Hồ Tùng Mậu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.

Năm 2010, UBND TP.HCM có chủ trương bán chỉ định nhà đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu cho Công ty Upexim. Do đang khó khăn về tài chính nên bị cáo Trương Vui cùng HĐQT nhất trí chủ trương để Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tradeco (Công ty Tradeco) tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh đầu tư xây dựng dự án Upex Tower.

Bị cáo Vui đại diện Công ty Upexim ký kết Hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tradeco (Công ty Tradeco), do ông Nguyễn Tấn Hiếu làm Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Hợp đồng này trị giá 120 tỷ đồng, mỗi bên góp vốn 50% - tương đương 60 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2012, bị cáo Trương Vui và ông Nguyễn Tấn Hiếu tiếp tục ký kết phụ lục hợp đồng có trị giá 24 tỷ đồng, tương đương 20% giá trị khu đất trên.

Bị cáo Trương Vui, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Upexim.

Tuy nhiên sau đó, bị cáo Trương Vui lại tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty cổ phần Đầu tư Kim Cương Xanh (Công ty Kim Cương Xanh), với giá ghi trên hợp đồng là 290 tỷ đồng; ngoài ra, phần tiền trả ngoài hợp đồng cho Trương Vui là 40 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Kim Cương Xanh đã chuyển đủ 120 tỷ đồng, trong đó chuyển 59 tỷ đồng tiền mặt cho bị cáo Trương Vui. Số tiền này, bị cáo Vui đã nộp vào quỹ của Công ty Upexim 11,2 tỷ đồng; còn sử dụng cá nhân 47,8 tỷ đồng.

Tiếp đó, Công ty Upexim và Kim Cương Xanh tiếp tục bàn bạc, thống nhất và thực hiện thế chấp khu đất để vay 110 tỷ đồng tại ngân hàng Agribank. Sau khi được giải ngân, ông Trương Vui chuyển lại cho Công ty Kim Cương Xanh 41,5 tỷ đồng, còn lại là của Công ty Upexim.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng cáo buộc, bị cáo Trương Vui cùng với Tống Thị Bích Loan, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Biên Hòa (Công ty Bihimex, nay là Tổng công ty Dofico) và Châu Thị Khoa, cựu Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng Bihimex đã lập 173 hợp đồng mua bán hàng hóa khống giữa hai công ty, nhằm rút tiền từ Công ty Bihimex cho Công ty Upexim vay, gây thiệt hại cho Công ty Bihimex hơn 144 tỷ đồng.

Ngày 2/7/2022, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt mức án chung thân đối với bị cáo Trương Vui.

Về trách nhiệm dân sự, đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt 120 tỷ đồng của bị hại là Công ty Kim Cương Xanh, HĐXX cho rằng, bị cáo Vui đã dùng phần lớn số tiền này để chi cho hoạt động của Công ty Upexim nên tuyên buộc công ty này phải hoàn trả cho bị cáo Vui để bị cáo bồi thường lại cho bị hại.

Liên quan tới hơn 144 tỷ đồng bị cáo Vui và đồng phạm tại Công ty Bihimex cố ý lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, HĐXX tuyên buộc Công ty Upexim phải bồi hoàn số tiền khoảng 100 tỷ đồng cho Trương Vui; buộc Công ty Upexim cùng Trương Vui phải liên đới bồi thường theo tỉ lệ 50% - 50% cho Công ty Bihimex.

Ngoài ra, đối với hợp đồng hợp tác đầu tư dự án tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu, HĐXX xác định, việc Công ty Tradeco góp 50% (tương đương 60 tỷ đồng) là hợp pháp, do đó tuyên giao 50% giá trị tài sản nhà đất trên cho công ty này. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức bán đấu giá và giao 50% giá trị bán được cho Công ty Tradeco; 50% còn lại sẽ được đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán khoản vay của Công ty Upexim đối với Ngân hàng Agribank.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị phần trách nhiệm dân sự

Sau khi tuyên án sơ thẩm, các bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cùng với đó, các bên liên quan tới phần trách nhiệm dân sự cũng có đơn kháng cáo.

Trong đó, với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhóm cổ đông và cán bộ nhân viên của Công ty Upexim cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá tài liệu chứng cứ không khách quan, dẫn đến việc giải quyết và xử lý vụ án sai quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông.

Tại phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm, bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Phần trách nhiệm dân sự liên quan tới vụ "đất vàng" số 4-6 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM bị VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị xét xử giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, các cổ đông của Công ty Upexim vẫn tiếp tục giữ quan điểm kháng cáo, cho rằng, hợp đồng giữa Công ty Upexim và Tradeco là giả cách, để hợp thức hóa các khoản nợ vay, bởi từ trang 1 đến trang 8 trong bản hợp đồng do Công ty Tradeco cung cấp không có ký nháy và đóng dấu giáp lai. Do đó, không có việc góp 60 tỷ đồng để hợp tác thực hiện dự án.

Thêm vào đó, thời gian ghi trong hợp đồng là ngày 26/7/2010. Tuy nhiên, thời điểm này Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM đang đứng tên sở hữu, không phải Công ty Upexim.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM cũng đã có văn bản khẳng định, việc sử dụng tài sản Nhà nước để ký kết hợp đồng hợp tác như trên là sai quy định, không được cơ quan quản lý chấp thuận. Hơn nữa, việc bị cáo Trương Vui tự ý ký hợp đồng là không đúng thẩm quyền, bởi HĐQT Công ty Upexim chỉ được quyết định đầu tư các dự án phát sinh không vượt quá 20% vốn điều lệ, nên đề nghị tuyên hợp đồng này là vô hiệu.

Liên quan tới quy kết Công ty Upexim và Công ty Bihimex ký 173 hợp đồng mua bán hàng hóa khống, gây thiệt hại hơn 144 tỷ đồng cho Công ty Bihimex, các cổ đông cũng cho rằng, bản chất của việc này là ký hợp đồng khống để vay tiền ngân hàng, bởi có nhiều khoản tiền chuyển qua Công ty Upexim trong vòng 24 tiếng thì lại gửi quay trở lại Công ty Bihimex.

Từ đó, các cổ đông đề nghị thực hiệm giám định nguồn tiền, dòng tiền vay từ ngân hàng được thực hiện từ các giao dịch của 173 hợp đồng trên, để làm rõ bản chất của sự việc.

Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với phần trách nhiệm dân sự, đồng thời khẳng định việc xử lý vụ án còn tồn tại một số điểm bất cập, cần được làm rõ.

Theo văn bản kháng nghị, Hợp đồng hợp tác số 002/UPX-TDC giữa Công ty Upexim và Tradeco là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM; chủ thể đại diện cho Upexim không có thẩm quyền ký hợp đồng; việc ký kết hợp đồng giữa Công ty Upexim và Tradeco là hợp đồng giả tạo nhằm hợp thức hoá quan hệ vay tiền của cá nhân Trương Vui; không có việc Tradeco đã chuyển 60 tỷ đồng vào tài khoản của Upexim như các bản án đã kết luận; Hợp đồng hợp tác này bị vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005.

Do đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm trên của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy một phần bản án hình sự phúc thẩm và một phần bản án hình sự sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và án phí dân sự liên quan đến việc buộc Công ty Upexim bồi hoàn cho bị cáo Trương Vui số tiền 72,2 tỷ đồng; buộc bị cáo này và Công ty Upexim liên đới bồi thường cho Công ty Dofico hơn 144 tỷ đồng (tỷ lệ mỗi bên 50%); tiếp tục duy trì kê biên đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 4-6 Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM.

Không đủ năng lực triển khai, FOSCO kiến nghị TP.HCM thu hồi dự án trên “đất vàng”
FOSCO cho biết đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thu hồi 2 dự án bất động sản, đều nằm tại các vị trí đắc địa ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư