Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 16 tháng 06 năm 2024,
“Đất vàng” 152 - Trần Phú liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát
Huệ Nguyễn - 23/05/2024 10:20
 
Để lô đất gần 31.000 m2 tại số 152 - Trần Phú (TP.HCM) rơi vào tay tư nhân, sau khi UBND TP.HCM yêu cầu thu hồi, Vinataba cho biết không còn quản lý khu đất. Thực tế, khu đất này có liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát.
Khu
Khu "đất vàng" 152 - Trần Phú của Vinataba đã hoàn toàn về tay tư nhân.

Vinataba chưa thu hồi đất theo chỉ đạo của Thủ tướng

Năm 2022, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), từ đó chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm tại doanh nghiệp này.

Theo đó, Vinataba vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi cố tình chuyển nhượng khu “đất vàng” tại số 152 - Trần Phú, quận 5, TP.HCM cho tư nhân. Thanh tra Chính phủ cho biết, việc Vinataba không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước.

Thêm vào đó, Vinataba đã làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, khi chuyển nhượng 30.927,7 m2 tại 152 - Trần Phú không xin phép Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại Vinataba.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/5/2024; Thanh tra Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/6/2024.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì cùng Bộ Tài chính, UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan thu hồi khu đất trên và xử lý những phát sinh trong quá trình thu hồi.

“Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi, thì chuyển Cơ quan Điều tra (Bộ Công an) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Liên quan vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện, đồng thời kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm vấn đề trên, nhưng đã quá thời hạn 5 tháng, nhiều sai phạm đã được chỉ rõ trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ và yêu cầu xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả thực hiện.

“Đất vàng” có liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát

Ngày 25/10/2023, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 4856/QĐ-UBND về việc thu hồi khu đất số 152 - Trần Phú; yêu cầu Vinataba và Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance) bàn giao khu đất này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM tiếp nhận, quản lý theo quy định; đồng thời bàn giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp với các sở, ngành và UBND quận 5, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin, Vinataba đã trình bày rằng, Tổng công ty không còn quản lý, sử dụng khu đất, nên không thể bàn giao; còn Vina Alliance thì không hợp tác bàn giao khu đất, nên Trung tâm Phát triển quỹ đất không thể thu hồi đất theo quyết định của UBND TP.HCM.

Sau khi cả Vinataba lẫn Vina Alliance không giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 5/2/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra công văn thông báo thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên.

Có thể thấy, dù đã có chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các doanh nghiệp nhà nước từ năm 2013, nhưng vào ngày 26/8/2015, Vinataba vẫn cố ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất tại 152 - Trần Phú cho Vina Alliance để hoàn tất việc góp vốn.

Đến thời điểm hiện tại, Vinataba không còn cổ phần và quyền hạn tại Vina Alliance, sau khi thoái hết vốn ra khỏi liên doanh này năm 2017. Từ đó, khu đất hoàn toàn lọt vào tay tư nhân.

Đáng nói là, khu “đất vàng” trên của Vinataba hiện có liên quan Công ty cổ phần Bông Sen (nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan chi phối).

Theo bản báo cáo tình hình thanh toán nghĩa vụ trái phiếu gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Bông Sen cho biết, họ đang chậm trả 4.800 tỷ đồng nợ gốc và hơn 1.060 tỷ đồng lãi trái phiếu, trong đó số tiền lãi phạt trả chậm trong năm 2023 lớn gấp 6 lần tiền lãi vay (910,9 tỷ đồng so với 150,5 tỷ đồng).

Đây là lô trái phiếu mà Công ty Bông Sen phát hành từ tháng 10/2021 do Công ty cổ phần Chứng khoán Tân việt (TVSI) thu xếp, với tổng giá trị dư nợ 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng/lần. Toàn bộ số tiền trên được Công ty góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Vina Alliance cho Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 - Trần Phú.

Cũng theo báo cáo của Công ty Bông Sen, tháng 11/2022, đã có thông báo yêu cầu Vina Alliance hoàn lại toàn bộ số tiền trên, nhưng mất liên lạc với đối tác này. Công ty đưa ra giải pháp, nếu Vina Alliance trả tiền thì mới thanh toán gốc cho trái chủ, bởi tài khoản Công ty và tài sản đảm bảo được thế chấp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đang bị phong tỏa, nên không thể thực hiện lệnh chi tiền và không còn hướng xử lý.

Có thể thấy, các biện pháp mà UBND TP.HCM buộc phải áp dụng cho đến thời điểm này chỉ giúp ngăn chặn Vina Alliance chuyển nhượng lòng vòng, tránh xảy ra các hệ lụy tiếp theo.

Vinataba không những không thể thu hồi khu đất theo yêu cầu của Chính phủ, mà còn có thể phải đối diện một vụ tranh chấp với chủ sở hữu thực sự của khu đất hiện tại là Vina Alliance, vì Vinataba đã nhận đủ tiền chuyển nhượng cổ phần và thoái 100% phần vốn của mình ra khỏi liên doanh đó.

Không đồng tình nhiều nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý, xem xét trách nhiệm và có hình thức kỷ luật theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra những thiếu sót, vi phạm thuộc quyền quản lý đối với Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc, Ban lãnh đạo Vinataba, Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Sài Gòn.

Quá trình thực hiện kết luận sau thanh tra, cơ quan quản lý Vinataba là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi khu đất trên theo điểm d, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 (về đất không được chuyển nhượng, tặng cho).

Như vậy, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã xác định rõ việc Vinataba vi phạm Luật Đất đai 2013.

Trong khi việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan chưa hoàn tất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đầu tháng 8/2023, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã ký Quyết định bổ nhiệm lại Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinataba đối với ông Hồ Lê Nghĩa, thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/9/2023.

Giai đoạn Thanh tra Chính phủ xác định xảy ra vi phạm, ông Hồ Lê Nghĩa là thành viên Hội đồng Thành viên, kiêm Trưởng ban Kiểm soát nội bộ của Vinataba.

Được biết, ngày 31/5/2023, Vinataba đã tổ chức cuộc họp xem xét trách nhiệm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; ông Nguyễn Cảnh Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; bà Đặng Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ; ông Nguyễn Thành Công, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, hội nghị được tổ chức để xem xét trách nhiệm của ông Hồ Lê Nghĩa, với vai trò là thành viên Hội đồng Thành viên Vinataba giai đoạn từ ngày 30/12/2014 đến ngày 31/12/2017.

Tuy nhiên, ông Hồ Lê Nghĩa cho biết, ông về công tác tại Vinataba từ tháng 1/2015 và các thành viên Hội đồng Thành viên hiện tại đều được bổ nhiệm sau tháng 10/2014. Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, ông và ông Hà Quang Hòa (Tổng giám đốc), bà Trần Thị Hoàng Mai (thành viên Hội đồng Thành viên) không liên quan đến kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về dấu hiệu sai phạm tại Dự án 152 - Trần Phú.

Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinataba cho rằng, Thanh tra Chính phủ đã sử dụng sai điều khoản của Nghị định 91/2015/NĐ-CP, phải áp dụng khoản 1, Điều 29, thay vì áp dụng Điều 38, khi cho rằng, Vinataba không thuê tư vấn xây dựng phương án chuyển nhượng khi thoái vốn.

Theo ông Hồ Lê Nghĩa, sau nhiều lần giải trình, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm, Vinataba sẽ tiếp tục báo cáo với cơ quan kiểm tra sau thanh tra về nội dung này; đồng thời khẳng định tuân thủ đúng các quy định, không phát sinh tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho rằng, nhận định Vinataba thoái vốn chậm của Thanh tra Chính phủ cũng thiếu thực tiễn, bởi khi thoái vốn khoản đầu tư này, đã thu lợi hơn 94 tỷ đồng cho Nhà nước.

Tháng 9/2023, Vinataba tiếp tục tổ chức hội nghị lần thứ 2, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời có nghị quyết thông qua kết quả trên. Sau đó, tháng 1/2024, Vinataba báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp danh sách tập thể, cá nhân thực hiện kiểm điểm, xử lý kỷ luật và đề nghị cơ quan này có ý kiến chỉ đạo công tác kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Hiện tại, Vinataba chờ chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện công tác xem xét trách nhiệm, kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo quy định. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa báo cáo kết quả thực hiện việc xem xét trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân tại Vinataba đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Khu đất công bị Vinataba “hô biến” vẫn chưa được thu hồi
Từ tháng 9/2022, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi khu “đất vàng” số 152 - Trần Phú (quận 5, TP.HCM), vốn là đất công, bị Vinataba “hô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư