Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam - “bến đỗ” mới của ngành công nghiệp bán dẫn
Nguyên Đức - 10/08/2022 08:05
 
Việc Samsung sắp sản xuất các linh kiện bán dẫn tại Việt Nam đang làm “bùng” lên hy vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành “bến đỗ” mới của ngành công nghiệp bán dẫn.
Sản xuất tại một nhà máy của Samsung đang hoạt động rất thành công ở Việt Nam. Ảnh: Trần Hải

Cú hích mới của Samsung

Có 2 thông tin quan trọng được công bố trong chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, một trong những nhân vật quyền lực nhất của “ông lớn” Samsung. Đó là Samsung sẽ đầu tư thêm tại Việt Nam 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Trên thực tế, một phần của khoản cam kết đầu tư 3,3 tỷ USD mà ông Roh Tae-Moon công bố đã được hiện thực hóa, bao gồm 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC - SEHC và 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Với kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, thì Samsung Electro-Mechanics dường như đang trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nhà máy này cũng đang liên tục được mở rộng đầu tư trong thời gian gần đây.

Samsung Electro-Mechanics được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2013, chỉ 6 tháng sau khi Tập đoàn Samsung khởi công xây dựng Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD. Khi đó, dự án này có vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD, song sau đó đã được nâng lên 1,35 tỷ USD. Toàn bộ số vốn này đã được giải ngân hết.

Cuối năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, Samsung Electro-Mechanics đã nộp hồ sơ đề nghị tăng vốn đầu tư và đã rất nhanh chóng nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng Việt Nam. Đầu năm nay, Samsung Electro-Mechanics nhận chứng nhận đầu tư thêm 920 triệu USD và tới giữa năm, tiếp tục bổ sung 267 triệu USD. Với khoản vốn tăng thêm này, cho tới nay, Samsung Electro-Mechanics có tổng vốn đầu tư trên 2,53 tỷ USD.

Như vậy, hơn 2 tỷ USD trong tổng số 3,3 tỷ USD cam kết đã được Samsung hiện thực hóa. Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, có ít nhất 200 triệu USD nữa sẽ được dành cho Samsung Electro-Mechanics trong thời gian tới.

Không có gì khó hiểu khi một nguồn lực lớn đang được Samsung dốc vào Samsung Electro-Mechanics, nơi đã và sẽ tiếp tục sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm mảng lưới bóng chip bán dẫn), các linh kiện, phụ tùng (như camera module, bộ nắn điện, touch sensor module, Linear motor...) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các sản phẩm điện và điện tử khác…

Samsung, kể từ năm 2019, đã công bố kế hoạch đầu tư tới 151 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn. Phó chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung khi đó đã tuyên bố rằng, Samsung sẽ là “công ty sản xuất số 1 thế giới trong lĩnh vực phi bộ nhớ vào năm 2030”. Kể từ đó tới nay, Samsung đã không ngừng đầu tư cho lĩnh vực này, nhằm đua tranh với Intel (Mỹ) và TSMC (Đài Loan).

Thông tin được đưa ra hồi cuối tháng 7/2022, Samsung Electronics đã tổ chức lễ xuất xưởng chip bán dẫn 3 nanomet (nm) đầu tiên trên thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đua chế tạo chip bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay.

Ngay từ năm 2020, khi “Thái tử” Samsung Lee Jae-yong tới thăm Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ mong muốn Samsung đầu tư lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam, cùng với 2 lĩnh vực thế mạnh khác là thiết bị di động và điện tử gia dụng, để “khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử”. Năm nay, khi ông Roh Tae-Moon tới Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa nhấn mạnh điều này.

Dù Samsung Electro-Mechanics mới chỉ sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam, song đó là một bước khởi đầu đầy ý nghĩa.

Việt Nam sẽ trở thành “bến đỗ” mới của ngành công nghiệp bán dẫn?

Không chỉ mong Samsung, mà Việt Nam đã từ lâu luôn mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy vậy, giữa mong muốn và hiện thực có một khoảng cách khá xa.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam. Intel là ví dụ điển hình nhất.

Dù Samsung Electro-Mechanics mới chỉ sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam, song đó là một bước khởi đầu đầy ý nghĩa.

Là một trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay (gồm TSMC, Samsung và Intel), Intel nhiều năm trước đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay, nhà máy của Intel vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn.

Nhưng kế hoạch của Intel không dừng ở đó, bởi trong các cuộc tiếp xúc gần đây với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Intel đều khẳng định sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước.

Thông tin cho biết, dự kiến trong tuần này, Tổ công tác dự án Intel sẽ tiếp tục họp bàn để xem xét về các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ. Nếu cơ chế rộng mở, cơ hội thu hút đầu tư của Intel là rất lớn, bởi thời gian gần đây, tập đoàn này liên tục công bố các kế hoạch đầu tư quy mô lớn.

Cùng với Intel, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã và đang lên kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Amkor (Hàn Quốc) với kế hoạch 1,6 tỷ USD; Hana Micron (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…, với quy mô dự án khá nhỏ.

Tháng 5/2022, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Giám đốc điều hành Tập đoàn Intel đánh giá, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với nền kinh tế năng động, thị trường đầy tiềm năng. Đó là lý do Intel quyết định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với quy mô gấp nhiều lần hiện nay…

Các nhà đầu tư nước ngoài đều có những đánh giá tích cực về Việt Nam. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, trong một báo cáo liên quan vấn đề thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó có công nghiệp bán dẫn, Cục Đầu tư nước ngoài đã cho rằng, vấn đề không chỉ nằm ở dung lượng thị trường, công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực, logistics, mà còn là các chính sách phát triển kinh tế ngành, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực này.

“Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, có lẽ, Việt Nam cần có một sự chuẩn bị mang tính nền tảng hơn”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Không dễ để Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Nhưng nhiều năm trước đây, cũng không ai nghĩ, Việt Nam có thể trở thành “cứ điểm” sản xuất cho ngành thiết bị di động. Điều gì cũng có thể xảy ra, vấn đề còn lại là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để có thể đón được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực này. Một khi Samsung đã “ngấp nghé”, Intel đang tăng tốc đầu tư, thì hoàn toàn có thể sẽ có những “ông lớn” khác rót vốn Việt Nam.

Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, sắp sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam
Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử Roh Tae-Moon khẳng định cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư