Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 13 tháng 08 năm 2024,
Việt Nam - nơi “đàn sếu lớn” đến sinh sôi
Anh Hoa - 04/10/2018 13:32
 
Dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đổi hướng nhiều dòng tiền đầu tư nước ngoài, nhưng câu chuyện thành công của các tập đoàn đã và đang kinh doanh ở Việt Nam sẽ khiến giới đầu tư toàn cầu phải quan tâm.

Mối quan tâm Việt Nam

Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences... là những tên tuổi nằm trong Top 500 Fortune của Mỹ đã đến tham dự tọa đàm do Hội đồng Kinh doanh và Hiểu biết quốc tế (BCIU) tổ chức – nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về cơ hội đầu tư ở Việt Nam trong khuôn khổ chuyến đi New York (Mỹ) tham dự kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần trước. Trong số này, nhiều tên tuổi đã đặt chân đến Việt Nam, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế nơi đây.

10 năm trước, Tập đoàn AES - một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu đã đầu tư ở Việt Nam, với tổng vốn 2 tỷ USD. “30 năm qua, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nhất là những nỗ lực cải cách kinh tế giúp Việt Nam phát triển nhanh”, ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch, Giám đốc điều hành AES nhận định.

Đối với ông Alex Dimitrief, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn GE Global, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu. Hay Tập đoàn Medlife cũng có kết quả khả quan khi bắt tay liên doanh với BIDV của Việt Nam từ năm 2014...

Hiện tại, các tên tuổi này tiếp tục nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở nền kinh tế được dự báo đạt mức tăng trưởng GDP năm 2018 gần 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng cao…

Cụ thể, Medlife kỳ vọng vào kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đại diện Hãng Motorola quan tâm tới lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh...

M&A vẫn là “đặc sản”

Cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu Chính phủ với các nhà đầu tư lớn của Mỹ diễn ra khi Việt Nam kỷ niệm 30 năm thu hút FDI. Nhưng, đây cũng là thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chuyển biến phức tạp, buộc giới đầu tư phải tính toán chiến lược phù hợp.

Tính từ thời điểm chiến tranh thương mại nổ ra (15/6/2018) đến giữa tháng 9, đã có hơn 14 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư thuộc thị trường mới nổi (Global Emerging Market Funds - GEM), trong khi các quỹ đầu tư ở Mỹ có thêm 1,6 tỷ USD. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), các thị trường chính khoán như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc đều bị bán ròng và cùng giảm điểm.

Với dự báo chiến tranh thương mại sẽ khó sớm chấm dứt, giới đầu tư tài chính nói chung vẫn e dè với các tài sản ở nhóm thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, do đặc thù đầu tư chiến lược, dòng vốn M&A được dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, dù xu hướng nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhà đầu tư tính toán cẩn trọng hơn. Chi phí vốn tăng, nhà đầu tư sẽ cân đối thận trọng hơn khi mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài.

Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất của GE trên toàn cầu.

Có thể nhìn thấy điều này ở những động thái gần đây, khi các công ty quỹ tư nhân vốn ưa mạo hiểm và luôn thích thú với thương vụ mua lại nợ ở Việt Nam, như Warburg Pincus, KKR và TPG. Warburg Pincus dẫn đầu nhóm này, cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các công ty Việt Nam. Tháng 3/2018, công ty này đã thực hiện khoản đầu tư tư nhân lớn nhất Việt Nam qua việc rót 370 triệu USD vào Techcombank ngay trước thềm ngân hàng này niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Trước đó, Warburg đã đầu tư 200 triệu USD, sau đó tăng lên 300 triệu USD vào Vincom Retail – chuỗi trung tâm mua sắm được định giá tới 3,5 tỷ USD.

KKR cũng hướng sự chú ý tới  Việt Nam. Công ty quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu của Mỹ đã đầu tư vào Masan Group từ năm ngoái. Trong khi đó, Charlyle Group đã thành lập quỹ châu Á lớn chưa từng có, ở mức 6,65 tỷ USD. Còn Blackstone Group tuyên bố vào giữa tháng 6/2018 về việc hình thành quỹ đầu tư tư nhân tập trung riêng vào châu Á trị giá 2,3 tỷ USD…

Không chỉ là vốn

Trở lại với cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với khoảng 40 doanh nghiệp đầu đàn của Mỹ về các cơ hội đầu tư ở Việt Nam, điều mà Việt Nam mong đợi không chỉ nằm ở vốn, mà quan trọng là ý tưởng và sáng kiến. Bởi Việt Nam không muốn đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, khi nền kinh tế Internet của Đông Nam Á sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD năm 2025, tương đương 6% tổng GDP khu vực (dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek). Đây là nền tảng thuận lợi, là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư, phát triển các mô hình kinh doanh mới ở Đông Nam Á, cũng như Việt Nam.

Trong đó, môi trường start-up ở Việt Nam đang thay đổi mạnh. Làn sóng khởi nghiệp  trong vài năm gần đây đã thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và việc gọi vốn của các start-up đã có phần dễ dàng hơn. Nhiều trung tâm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã xuất hiện. Các start-up có thể nhận tiền đầu tư từ quỹ đầu tư nhà nước, các công ty lớn hoặc quỹ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Việt Nam mới nổi lên 1 start-up kỳ lân (unicorn – công ty được định giá 1 tỷ USD trở lên) là VNG, trong khi các nước trong khu vực có khá nhiều, như Grab (Malaysia), Gojek, Traveloka, Tokopedia (Indonesia); Lazada (Singapore)…

Trong chiến lược thu hút FDI tới, Việt Nam đang cần những ý tưởng, sáng kiến, công ty tiềm năng và đồng hành phát triển để... VNG không đơn độc trong danh mục start-up kỳ lân đến từ Việt Nam…

Thu hút FDI: Định hướng mới cho kỷ nguyên mới
Tổng kết 30 năm thu hút FDI cũng là lúc để Việt Nam đưa ra những định hướng mới trong thu hút FDI giai đoạn tới. Vậy đâu mới là những định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư