Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam - Ứng viên duy nhất cho “tấm vé thị trường mới nổi” của MSCI
Với tầm vóc của một nền kinh tế năng động và thị trường vốn đầy tiềm năng, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam luôn là chủ đề được quan tâm và cũng là mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.
Với nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan quản lý, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không quá xa xôi. Ảnh: Đức Thanh

Thời điểm nâng hạng đã đến

Có thể nói, trong 3 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng từ mức 190 tỷ USD vào cuối năm 2019, lên mức xấp xỉ 240 tỷ USD vào thời điểm hiện nay.

Thanh khoản thị trường biến động khá mạnh trong những tháng của năm 2022, song nếu nhìn chặng đường 3 năm qua thì thanh khoản trung bình năm 2022 cũng đã tăng gấp 4 lần so với mức giao dịch xấp xỉ 200 triệu USD/ngày của năm 2019. Mức thanh khoản này lớn hơn nhiều so với các thị trường trong nhóm cận biên như Morocco, Kazakhstan, Iceland… Điều này giúp Việt Nam đáp ứng một số tiêu chí định lượng quan trọng để nâng hạng thị trường mà FTSE và MSCI (hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất thế giới) đưa ra đối với thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khung pháp lý, từng bước đáp ứng tiêu chí nâng hạng đã đạt nhiều kết quả. Theo đó, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư… Đặc biệt, trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa câu chuyện nâng hạng thành mục tiêu “được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025”.

Trong báo cáo tháng 6/2022, MSCI đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam như quyết định thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, chuyển đổi mô hình và đổi tên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Từ quý III/2022, chu kỳ thanh toán cũng rút ngắn còn T+2, đánh dấu một bước tiến nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam trên chặng đường nâng hạng.

Việt Nam đang ở đâu trong lộ trình nâng hạng

Để đưa ra giải pháp thì phải xem lại Việt Nam đang ở đâu trên chặng đường nâng hạng. Cũng theo báo cáo tháng 6/2022 của MSCI thì một số điểm nghẽn cho quá trình nâng hạng vẫn còn tồn tại, bao gồm:

Giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện. Giới hạn này tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối chưa cao. Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế.

Về vấn đề đăng ký đầu tư và mở tài khoản, đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua.

Về thanh toán và bù trừ, hiện không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường chứng khoán, quy định về thị trường, thông tin doanh nghiệp thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Vì vậy, Việt Nam cần chủ động thực hiện sớm một số giải pháp như yêu cầu các thành viên tham gia thị trường công bố thông tin theo hình thức song ngữ và đưa ra các chế tài cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin. Đây là một tiêu chí đóng vai trò rất quan trọng vì cả MSCI lẫn FTSI đều rất chú trọng đến quyền tiếp cận thông tin bình đẳng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tháo gỡ những nút thắt về thanh toán bù trừ, cần đẩy nhanh dự án hợp tác với đối tác Hàn Quốc KRX nhằm nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán. Hiện tại, thị trường vẫn chưa có thêm thông tin cập nhật về tiến độ của dự án này. Nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch, các sản phẩm đầu tư xanh… nhằm đa dạng hóa rổ sản phẩm.

Ứng viên duy nhất cho tấm vé thị trường mới nổi

Hiện nay, Việt Nam gần như là ứng viên duy nhất cho “tấm vé thị trường mới nổi” của MSCI, khi đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index với 30,3%, lợi thế về quy mô bỏ khá xa các thị trường khác như Morocco (9,61%), Iceland (8,86%), Kazakhstan (8,38%).

Việt Nam được các tổ chức xếp hạng thị trường uy tín của thế giới đánh giá cao, đánh dấu bước tiến của thị trường chứng khoán trên chặng đường nâng hạng.

Khi xem xét các trường hợp nâng hạng gần nhất như Kuwait (năm 2020), Trung Quốc (năm 2019) thì không phải các thị trường này đều thỏa mãn tất cả tiêu chí của MSCI và FTSE tại thời điểm đó.  Chẳng hạn như Kuwait còn gặp hạn chế về chỉ tiêu quy mô thị trường (quy mô vốn hóa chỉ ở mức 120 tỷ USD thời điểm nâng hạng), Trung Quốc vẫn hạn chế về chỉ tiêu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc chủ động phối hợp làm việc với MSCI và FTSE, đồng thời thể hiện quá trình tích cực thay đổi cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Trên cơ sở đó, cùng với nỗ lực và quyết tâm của các cơ quan quản lý thì mục tiêu nâng hạng sẽ không quá xa xôi.

Bên cạnh đó, đầu tư ESG (đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị của một công ty) ở Việt Nam hiện vẫn ở giai đoạn sơ khai, song làn sóng này đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên thế giới và khu vực. Bất chấp tình hình khó khăn của năm 2022, các quỹ đầu tư ESG tại Singapore, Thái Lan và Indonesia ghi nhận tài sản ròng tăng gấp đôi so với năm trước.

Dự báo của nhiều chuyên gia cho rằng, dòng vốn này sẽ đến Việt Nam ngày càng nhiều và tất nhiên, cơ hội định giá cao hơn cho các doanh nghiệp đã triển khai thực thi ESG sớm.

Sau thời gian bán ròng kéo dài, khối ngoại tích cực mua ròng trở lại kể từ tháng 4/2022 và mua ròng mạnh trong đợt giảm giá sâu của thị trường chứng khoán vào tháng 11/2022. Từ tháng 11/2022 thì nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 37.500 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến nay thì con số này là hơn 7.000 tỷ đồng. Đa phần hoạt động mua vào được yểm trợ bởi 11.421 tỷ đồng dòng vốn ETF (chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon ETF) đổ vào thị trường. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại đã tăng mạnh từ 6,2% đầu năm 2022, lên khoảng 15% trên tổng giá trị giao dịch thị trường vào thời điểm hiện tại.

ETF đang là một sản phẩm đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Nguyên nhân là dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn chủ yếu đến từ thị trường trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan… nơi các nhà đầu tư cá nhân chiếm chủ đạo về giao dịch. Trong khi ETF là một sản phẩm đơn giản và là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đầu ngành đã đạt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, thì sở hữu ETF cũng sẽ là một lựa chọn hợp lý.

Bởi thế, Fubon (quỹ đầu tư đến từ Đài Loan) dễ dàng huy động được 4.000 tỷ đồng, bởi trong 2 tháng vừa qua, kể từ sau khi huy động lần thứ tư, số lượng chứng chỉ quỹ ETF của Fubon luôn duy trì ở mức tối đa.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Thái Lan và Đài Loan thường ưa thích Việt Nam, do họ hiểu rõ đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam và tin rằng câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam cũng như các thị trường Thái Lan, Đài Loan 5 năm hay 10 năm trước. Vì vậy, khi thị trường giảm là cơ hội để họ giải ngân và tích lũy.

Nhiều định chế tài chính nước ngoài hiện nay khá lạc quan về việc dòng vốn nước ngoài sẽ đều đặn quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm tới.

Thứ nhất là do nhiều tín hiệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất từ giữa năm 2023 và có thể bắt đầu nới lỏng vào đầu năm 2024. Điều này sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai là việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

FTSE Russell đưa chứng khoán Việt vào danh sách xét nâng hạng
Theo Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE), Tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu FTSE Russell đã chính thức đưa thị trường Việt Nam vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư