Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam đã sẵn sàng "xây tổ đón đại bàng”
Nguyên Đức - 22/06/2020 08:15
 
Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chấp nhận các ưu đãi đặc biệt cho những dự án lớn, các tập đoàn đa quốc gia.
Nhà máy sản xuất các thiết bị chiếu sáng của Triom Việt Nam (Italy) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Nhà máy sản xuất các thiết bị chiếu sáng của Triom Việt Nam (Italy) tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Lập tổ công tác để đón sóng FDI

Một thông tin quan trọng, đó là cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, dựa trên đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điểm đặc biệt là, vị trí Tổ trưởng Tổ công tác được giao cho Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, còn Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. “Việc Tổ công tác có Tổ trưởng là một Phó thủ tướng Chính phủ cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp cấp bách, quan trọng để đón làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nói như vậy.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, trong các cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đã nhiều lần khẳng định, làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc thời kỳ hậu Covid-19 không phải là điều viển vông, nhưng điều đó không có nghĩa dòng vốn này đương nhiên sẽ vào Việt Nam. Đón được cơ hội hay không phụ thuộc vào hành động của chính Việt Nam.

Vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này cũng nhiều lần tỏ ra sốt ruột khi Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ rất nhanh chóng đưa ra quyết định về các cơ chế, chính sách ưu đãi mới, cũng như sẵn sàng dành đất đai, nguồn lực để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, ở Việt Nam còn thảo luận, còn bàn bạc, còn xin ý kiến các cấp, ngành...

“Vì thế, tôi hy vọng, sự xuất hiện của một Phó thủ tướng trong Tổ công tác sẽ giúp Tổ có thẩm quyền quyết định ở mức cao hơn”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Việt Nam thành lập một Tổ công tác đặc biệt. Trước đây, đã từng có Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Tổ công tác này, với việc được trao quyền rất lớn, đã thực thi rất hiệu quả nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng đưa Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống và giúp hình thành một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh.

Ở góc độ là chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã nhiều lần phát biểu rằng, nếu Chính phủ thực sự muốn đón làn sóng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, thì phải thành lập một Tổ công tác đặc biệt và Tổ công tác phải lấy thẩm quyền của Thủ tướng để đi đàm phán với các tập đoàn, các doanh nghiệp có ý định dịch chuyển đầu tư. “Phải tới tận nơi để mời chào, để đàm phán với họ”, ông Cung đã nói như vậy.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, để đón làn sóng FDI dịch chuyển, phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm. Thành lập Tổ công tác đặc biệt chính là một trong những biện pháp như vậy. Thay vì “ngồi chờ”, giờ đây, Tổ công tác sẽ chủ động tìm hiểu nhà đầu tư cần gì, muốn gì, sang tận nơi để mời chào, đàm phán.

Sẵn sàng đàm phán công bằng

Hai chữ “đàm phán” đã được nhắc khá nhiều trong nhiệm vụ của Tổ công tác, cũng như trong thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc làm sao để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển. Thậm chí, phát biểu trên Nghị trường Quốc hội, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) còn cho rằng, để đón được làn sóng đầu tư hậu Covid-19, phải có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ.

“Việt Nam đã có nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, nhưng để thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới, phải có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Thậm chí, chúng ta nên xem xét linh hoạt, ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn, để Thủ tướng có thể chủ động các phương án đàm phán với các nhà đầu tư”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Liên quan đến vấn đề này, điều đáng mừng là, Luật Đầu tư sửa đổi đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt cho các tập đoàn đa quốc gia, các dự án lớn. Theo đó, các mức ưu đãi có thể cao hơn 50% so với các dự án khác, thời gian áp dụng cũng có thể gấp 1,5 lần so với bình thường.

Nhưng không chỉ như vậy, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, có thể trong quá trình đàm phán, có những nhà đầu tư lớn sẽ đưa ra các yêu cầu riêng, cao hơn các quy định hiện hành trong khuôn khổ luật pháp, giống như trước đây Intel đã đề xuất được hỗ trợ tài chính lên tới 100 triệu USD. “Sắp tới, có thể tiếp tục có những đề xuất như vậy, ví dụ của Apple, của Microsoft. Tổ công tác phải có thẩm quyền để xử lý những vấn đề như vậy, nếu không thì trình Thủ tướng Chính phủ thông qua”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Trên thực tế, chuyện chủ động đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài đã được nhắc đến từ lâu, đặc biệt là vào dịp tổng kết 30 năm thu hút FDI. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam là một trong những người nhắc đến vấn đề này từ lâu.

Theo TS. Trần Đình Thiên, cần coi các tập đoàn đa quốc gia như những “đối tác chiến lược quốc gia” để không chỉ dành cho họ các chính sách ưu đãi đầu tư tốt nhất, thậm chí cho phép nhà đầu tư được “mặc cả”, mà còn dành cả các thể chế vượt trội cho họ. Đây chính là “mồi” để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, bởi thu hút được một tập đoàn, đồng nghĩa với thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, lãnh đạo một tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, nếu được như vậy là “quá tốt”. Họ cũng mong chờ điều này, khi các kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Tuy vậy, theo vị này, điều quan trọng nhất vẫn là các chính sách ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng. 

Sẵn sàng đón đại bàng đến làm tổ

Thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài chỉ là một trong những động thái quan trọng đầu tiên. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, để thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng giá trị, thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Một trong số đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, là việc ra các quyết định chính sách nhanh chóng và là việc làm sao có được “chính sách ổn định, minh bạch và dễ tiên lượng”, như vị lãnh đạo tập đoàn nói trên đã nói.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở. Ngoài ra, cần lựa chọn được các dự án có sức lan tỏa, gắn kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ.

Có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển dòng vốn trong quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất là công nghệ thông tin và công nghệ cao; thiết bị điện tử, thương mại điện tử; logistics; hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển dòng vốn trong quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Đó là công nghệ thông tin và công nghệ cao; thiết bị điện tử, thương mại điện tử; logistics; hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Bằng chứng cho các xu hướng này là ngày càng nhiều tập đoàn lớn đã và đang quyết định dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Chẳng hạn, Microsoft, Google, Pegatron, LG..., ngay cả Apple cũng đang “tìm đường” để đưa các nhà sản xuất của mình sang Việt Nam.

Một bằng chứng khác là Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) vừa bày tỏ mong muốn được đầu tư hai dự án điện khí tại Hải Phòng và Long An, với quy mô hàng tỷ USD. Trong đó, riêng dự án tại Hải Phòng có vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD.

Điều thú vị ở chỗ, thông tin này được công bố sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với ông Irtiza Sayyed, Chủ tịch toàn cầu Exxon Mobil vào ngày 12/6 vừa qua. Cuộc điện đàm trực tiếp này có thể coi là một cuộc “xúc tiến đầu tư” rất đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc họp bàn trực tuyến với Phó chủ tịch Tập đoàn Apple, phụ trách vấn đề chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuyến bay quốc tế đưa các nhà đầu tư lớn tìm đến Việt Nam.

Các cách thức xúc tiến đầu tư đặc biệt như vậy đang được tiến hành và sẽ tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể thu hút được nhiều hơn “đại bàng” đến làm tổ.

Quan trọng hơn, một đề án đặc biệt đang được Tổ công tác xây dựng, nhằm đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Ở đây, thông tin được khẳng định, đó là Việt Nam sẽ không chỉ tìm giải pháp và xây dựng chính sách để đón dòng đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, mà còn là đón đầu dòng vốn đầu tư từ Mỹ, từ châu Âu, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore....

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về xu hướng đầu tư ra nước ngoài trước và sau đại dịch Covid-19 của các đối tác quan trọng này.

Điều phối để thúc đẩy việc hình thành các chuỗi dự án liên kết

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách, tiêu chí, chuẩn mực hợp tác đầu tư mang tính cạnh tranh quốc tế và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động bằng các biện pháp linh hoạt, phù hợp để có thể tiếp cận, đàm phán với các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến, phù hợp với mục đích, yêu cầu hợp tác đầu tư cùng có lợi.

Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các dự án có chất lượng; quy mô vốn lớn; công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tổ công tác cũng chịu trách nhiệm tổ chức điều phối liên ngành, liên cấp và liên vùng để thúc đẩy việc hình thành, triển khai thuận lợi, hiệu quả các chuỗi dự án liên kết.
Nâng cao lợi thế động của quốc gia để thu hút FDI
Để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh động,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư