Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam đứng đầu trong ASEAN về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh
Kỳ Thành - 06/02/2020 21:26
 
Có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh, đứng đầu trong các nước ASEAN, theo kết quả khảo sát sắp công bố của JETRO.

Chiều 6/2, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã có buổi tiếp ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO).

Tại buổi tiếp, ông Takeo Nakajima đã trình bày với Thứ trưởng Vũ Đại Thắng một số thông tin về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam, dựa trên khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu Á, Châu Đại Dương năm 2019 do tổ chức này thực hiện.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tiếp ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội (Ảnh: Đức Trung)
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng tiếp ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội (Ảnh: Đức Trung)

Trình bày một số nét chính, ông Nakajima cho biết, về kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam năm 2019, 65,8% doanh nghiệp có lãi (tăng 0,5 điểm %), doanh nghiệp lỗ khoảng 20,2%, giảm 1,8 điểm %. Có 63,9% doanh nghiệp phản hồi là “có định hướng mở rộng kinh doanh” tại Việt Nam, đứng đầu trong khối ASEAN và đứng thứ 3 về tỷ lệ này trong các nước được khảo sát lần này (sau Bangladesh, Ấn Độ).

Trong bối cảnh mặc dù tình hình kinh doanh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang suy giảm thì Việt Nam vẫn có nhiều doanh nghiệp vững mạnh, ông Nakajima cho hay.

Đáng chú ý, lý do mở rộng kinh doanh trong thời gian tới của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu từ kỳ vọng tăng doanh thu tại thị trường đại phương, tăng doanh thu do mở rộng xuất khẩu. Lợi thế về chi phí thấp (chi phí thu mua, chi phí lao động) không còn là điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản khi có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Về môi trường đầu tư, lợi thế được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao là quy mô và tính tăng trưởng của thị trường, tình hình chính trị xã hội ổn định và môi trường sống cho người nước ngoài ngày càng trở nên lý tưởng hơn. Bên cạnh đó, rủi ro liên quan hệ thống pháp luật, thuế, hành chính đang ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, ông Nakajima cũng cho biết, chi phí nhân công tăng, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp là những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang xem là thách thức.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư trong thời gian qua, ông Nakajima khẳng định, cá nhân ông và JETRO sẽ nỗ lực hơn nữa trong thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Đức Trung)
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Đức Trung)

Về phần mình, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó tham mưu với Chính phủ điều chỉnh chính sách để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, là một trong những nước sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã có những chính sách thể hiện sự ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

“Năm 2019 đã có một loạt hoạt động liên quan đến thể chế, chúng tôi đang sửa đổi 2 luật quan trọng liên quan đến kinh doanh là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2020”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu với Chính phủ, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp nghị định, nghị quyết để cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm qua. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, việc Chỉ số cạnh tranh quốc tế của Việt Nam tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong năm vừa qua là minh chứng cụ thể.

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã khẳng định chiến lược, định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới tập trung chủ yếu vào công nghệ cao, thân thiện mới môi trường, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo…

Về kết quả khảo sát của JETRO, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá, nội dung kết quả khảo sát đã thể hiện rõ và sát với những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm. Vui mừng với kết quả cho thấy doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang hoạt động hiệu quả ở Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong việc giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa cho doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường kết nối để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam học hỏi, tiếp cận với những công nghệ cao của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trưởng đại diện JETRO: 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Khoảng 70% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là ở Việt Nam....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư