Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Bồ Đào Nha hợp tác đầu tư vào nhiều ngành hàng
Anh Trung - 04/06/2015 17:10
 
Những lĩnh vực Bồ Đào Nha có thế mạnh và có thể hợp tác với Việt Nam bao gồm: Thương mại hàng hải; tài chính, ngân hàng; xây dựng; sản xuất linh kiện ô tô, hàng không, tàu thuyền; chế biến thực phẩm; điện mặt trời; hóa chất, dược phẩm; công nghệ thông tin với các phần mềm thế mạnh về quản lý giao thông, hàng hải, sinh trắc học; dịch vụ, du lịch.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Bồ Đào Nha Paulo Portas tại cuộc đối thoại doanh nghiệp Việt Nam -Bồ Đào Nha
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Paulo Portas tại cuộc đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Bồ Đào Nha

 

 

 

 

Trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Bồ Đào Nha, chiều 3/6 (giờ địa phương), tại Thủ đô Lisbon, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Bồ Đào Nha. Cùng dự Đối thoại với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Bồ Đào Nha Paulo Portas và đông đảo doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7,5% trong giai đoạn 1991-2010. Từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

Giới thiệu những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.

Nhấn mạnh với triển vọng hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.

Đề cập đến những tiềm năng to lớn phát triển hợp tác trên nền tảng quan hệ hợp tác chính trị - kinh tế hai nước đang có những bước tiến vững chắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Bồ Đào Nha đầu tư các dự án trồng trọt, thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất linh kiện ô tô, công nghiệp, công nghệ thông tin và du lịch… tại Việt Nam.

Đồng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh như nông sản, gỗ, sản phẩm điện tử, hàng dệt may và tìm kiếm cơ hội nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao từ Bồ Đào Nha như sản phẩm nông nghiệp, công cụ và nguyên liệu công nghiệp...

“Với quan hệ chính trị tốt đẹp và những khuôn khổ pháp lý hiện có, tôi tin tưởng hai bên sẽ đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong một thời gian ngắn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết tạo các điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Bồ Đào Nha tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Về phía Bồ Đào Nha, Phó thủ tướng Paulo Portas đánh giá chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam sau 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là một sự kiện lịch sử. Ông Paulo Portas cho biết đây là thời điểm quan trọng với rất nhiều cơ hội để hai nước phát triển quan hệ hợp tác.

“Đây là thời điểm tròn 40 năm Việt Nam và Bồ Đào Nha thiết lập quan hệ ngoại giao, 500 năm hai nước có quan hệ giao thương. Đây là thời điểm mà Bồ Đào Nha đang chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế của mình, còn Việt Nam là một ngôi sao đang lên ở châu Á và nhiều người đang chăm chú theo dõi Việt Nam. Tôi muốn nói rằng Bồ Đào Nha muốn là một phần trong sự phát triển của Việt Nam”, Phó thủ tướng Paulo Portas phát biểu.

Bồ Đào Nha nằm ở Tây Nam châu Âu, phía Bắc và Đông giáp Tây Ban Nha, phía Tây và Nam giáp Đại Tây Dương có diện tích: 92.389 km2 và dân số khoảng 11 triệu người. GDP của Bồ Đào Nha khoảng trên 230 tỷ và GDP bình quân đầu người trên 22.000 euro. Kể từ khi gia nhập EU vào năm 1986, Bồ Đào Nha đã có những bước phát triển nhảy vọt, trở thành một trong những nền kinh tế dịch vụ đa dạng nhất thế giới.

Bồ Đào Nha có các thế mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tập trung vào các ngành như: chế biến thực phẩm và đồ uống, lọc dầu, đóng tàu, sản xuất giày da, dệt may, sản xuất giấy, kim loại, hóa chất, năng lượng gió và mặt trời; trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và chế biển hải sản.

Hiện nay, Bồ Đào Nha đang đẩy mạnh chuyển đổi và tái cơ cấu nền kinh tế để xây dựng nền kinh tế sáng tạo; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ngoại thương, thu hút mạnh đầu tư đồng thời đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài; phát triển du lịch và trở thành một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất châu Âu.

Nước này có lợi thế về địa lý và là một trong những cửa ngõ chính vào thị trường EU, đồng thời có cộng đồng nói tiếng Bồ Đào Nha 250 triệu người trên thế giới. Bồ Đào Nha cũng rất quan tâm phát triển quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực Đông Á, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Những lĩnh vực Bồ Đào Nha có thế mạnh và có thể hợp tác với Việt Nam bao gồm: Thương mại hàng hải; tài chính, ngân hàng; xây dựng; sản xuất linh kiện ô tô, hàng không, tàu thuyền; chế biến thực phẩm; điện mặt trời; hóa chất, dược phẩm; công nghệ thông tin với các phần mềm thế mạnh về quản lý giao thông, hàng hải, sinh trắc học; dịch vụ, du lịch.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha, bà Maria da Assunsao. Tại cuộc hội kiến, hai bên đều khẳng định hợp tác giữa hai Quốc hội và giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cả trong khuôn khổ song phương và đa phương, ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực và trên thế giới, tăng cường đối thoại, tạo thuận lợi cho hợp tác và phát triển vì thịnh vượng chung.

Thủ tướng Chính phủ: Năm 2016 phấn đấu GDP tăng trên 6,5%
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư