Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam ký kết FTA với hầu hết nền kinh tế lớn
Hàn Tín - 13/06/2014 09:31
 
Mặc dù chỉ có nửa buổi để trả lời chất vấn, song Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khiến Quốc hội cũng như cử tri cả nước hài lòng. Ông cho hay, đến năm 2015, Việt Nam sẽ ký 16 FTA với hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới, đảm bảo nền kinh tế tự chủ, độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khai cuộc VBF 2014: Niềm tin kinh doanh trước sóng biển Đông
5 giải pháp xây dựng nền kinh tế đồng bộ và tự chủ
Kinh tế Việt Nam làm gì để giảm tình trạng lệ thuộc
2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam trước căng thẳng biển Đông

Các nội dung chất vấn được đặt ra với ông rất rộng, từ bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa, tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại… đến lễ hội, tín dụng sinh viên, tình trạng thất nghiệp, các dự án của ngành giao thông, dự án Tòa nhà Quốc hội, đặc biệt là vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam.

   
  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội  

Đề cập đến “chủ đề” Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các giải pháp để nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào người láng giềng.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân xúc động khi nhắc lại hình ảnh bạn bè quốc tế khắp năm châu cùng với kiều bào và người Việt đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài cầm cờ Tổ quốc xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển Việt Nam.

“Chúng ta được bạn bè khắp thế giới ủng hộ, vì chúng ta là chính nghĩa. “Trong họa có phúc”, chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế không chỉ trong việc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam, mà còn ủng hộ chúng ta trên mặt trận kinh tế và các lĩnh vực khác nữa?”, ông Ngân đặt câu hỏi với đại diện Chính phủ.

Sự kiện biển Đông gần đây, theo nhận định của Đại biểu Trần Du Lịch, không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu (nguyên liệu đầu vào) lẫn xuất khẩu (nông sản). “Vấn đề là Chính phủ đưa ra những giải pháp gì, chính sách gì để tận dụng cơ hội này, chúng ta giảm sự phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào chứ không riêng gì Trung Quốc?”, Đại biểu Lịch chất vấn.

“Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Tôi có đầy đủ số liệu chứng minh việc này”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Ông Phúc dẫn chứng, không phải khi Trung Quốc gây hấn ở biển Đông, Chính phủ mới tính đến việc đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nền kinh tế trên thế giới, mà ngay từ năm 2010, Chính phủ đã đẩy mạnh đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới và coi đây là động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

“Chúng ta hiện đã ký kết được 6 FTA và sắp kết thúc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU, Hàn Quốc… Và nếu không có gì trục trặc thì vào cuối năm 2015, chúng ta ký kết tổng cộng 16 FTA với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới”, ông Phúc thông báo.

Không chỉ hướng ra bên ngoài, ông Phúc cho biết, trong tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ cũng rất chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa với sức mua của 90 triệu dân; đây là điểm tựa để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu.

“Muốn độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào bất cứ ai, chúng ta bắt buộc phải tự nâng sức mạnh của nền kinh tế, quy mô GDP, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế... Để làm điều này, chúng ta đang tận dụng cơ hội để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là thu hút dự án đầu tư lớn có hàm lượng giá trị gia tăng cao bằng việc thể hiện sự thành công của nhà đầu tư nước ngoài là sự thành công của chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta phải tích cực khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong nước bỏ tiền bạc, công sức ra thành lập doanh nghiệp, làm ra của cải cho xã hội, giảm sự phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, chúng ta đã và đang tích cực cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong “thế giới phẳng”, dù muốn hay không, Việt Nam  vẫn phụ thuộc vào các nền kinh tế khác và họ cũng phụ thuộc vào Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương giữ hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch… với Trung Quốc trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

“Tôi phát biểu điều này không phải là để chất vấn mà là muốn góp ý - Đại biểu Lịch phát biểu - Chính phủ đã và đang quyết tâm cổ phần hóa, thoái vốn tại những lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư. Đây là chủ trương đúng. Nhưng việc quan trọng không kém, bên cạnh đề án cổ phần hóa, thoái vốn, Chính phủ cần phải có đề án sử dụng số tiền trị giá nhiều trăm ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn đưa ra Quốc hội để bàn bạc, thảo luận”.

Theo kinh nghiệm của ông Lịch, bất cứ cái gì liên quan đến thu chi, liên quan đến tiền bạc, nếu Chính phủ công khai và đưa ra Quốc hội bàn bạc, cho ý kiến thì việc quản lý, sử dụng đều rất hiệu quả.

“Có thể chúng ta sử dụng số tiền cổ phần hóa để giảm nợ công; đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng đáng ra phải đi vay; đầu tư cho quốc phòng, bảo vệ biển đảo; hỗ trợ ngư dân đóng tàu ra ngư trường khơi xa...”, ông Lịch nêu ý kiến.

Mặc dù vấn đề cử nhân thất nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước đó, song Đại biểu Phạm Tất Thắng vẫn tiếp tục lên tiếng về vấn đề này khi chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bởi theo ông, sinh viên thất nghiệp đang gây ra sự lãng phí vô cùng lớn cho cả gia đình lẫn xã hội.

Ông Thắng tính toán, theo thông tin trên các cơ quan thông tin đại chúng thì có ít nhất là 100 ngàn cử nhân thất nghiệp. Đào tạo ra số cử nhân này, ngân sách nhà nước và gia đình cử nhân mất ít nhất 7.000 - 8.000 tỷ đồng, bằng với số tiền mà ngân sách phải thắt lưng buộc bụng chi ra cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt để ra ngư trường khơi xa, vừa nâng hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

“Tình trạng thiếu việc làm được Chính phủ đặc biệt quan tâm”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Thắng và thông tin, mỗi năm có khoảng 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, 400 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và khoảng 10 ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ở nước ngoài. “Giải quyết tình trạng thất nghiệp nói chung, sinh viên ra trường không tìm được việc làm nói riêng thì nền kinh tế phải tăng trưởng cao. Bởi GDP cứ tăng trưởng 1% sẽ giải quyết được 300 ngàn việc làm. Chính vì vậy, Chính phủ đã và đang cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu 5,8% trong năm nay đồng thời tăng cường xuất khẩu lao động”, ông Phúc trả lời.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư