Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam là thị trường chiến lược của Emart tại Đông Nam Á
Bảo Giang - 19/04/2015 08:58
 
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc - Emart vừa chính thức xác nhận sự hiện diện tại thị trường Việt Nam trong Hội nghị Đối tác Emart. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam về kế hoạch đầu tư của Emart tại Việt Nam.

Emart đánh giá thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam? Tại sao Emart chọn thời điểm này để xuất hiện tại thị trường này?

Theo khảo sát của Emart, Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ (trong đó độ tuổi 28 chiếm ưu thế), đời sống người dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân tăng trưởng tốt, trong khi hệ thống bán lẻ hiện đại chưa được đầu tư phát triển tương xứng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của WTO, nên thủ tục cho doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài gia nhập Việt Nam cũng thuận lợi hơn. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là môi trường rất tốt để đầu tư và xác định đây chính là “bàn đạp” để tiến vào thị trường các nước khu vực ASEAN.

Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam
Ông Choi Kwang Ho, Tổng giám đốc Emart Việt Nam

Thực tế, năm 2011, Emart bắt đầu tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường Việt Nam và đã tìm ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Việt Nam. Cũng từ khảo sát này, tháng 5/2013, Emart quyết định chọn TP.HCM là nơi đặt trung tâm thương mại đầu tiên.

Sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 10/2014, và giấy phép xây dựng vào cuối tháng 2/2015, trung tâm thương mại đầu tiên tại quận Gò Vấp, TP.HCM đang được gấp rút xây dựng để sẵn sàng ra mắt người tiêu dùng Việt Nam vào cuối năm nay.

Emart xác định lợi thế cạnh tranh của mình là gì so với các đối thủ khác?

Là chuỗi đại siêu thị lớn nhất và lâu đời nhất tại Hàn Quốc, Emart đã trải qua hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa. Cùng với chính sách kinh doanh minh bạch và triết lý “Khách hàng là số 1”, chúng tôi có thể thiết lập văn hóa kinh doanh “cùng có lợi” không chỉ cho đối tác, mà còn phục vụ lợi ích cao nhất cho khách hàng Việt Nam.

Tại Hàn Quốc, Emart được mệnh danh là “trường đào tạo bậc thầy” về bán lẻ. Điều này cho thấy uy tín và vị thế của Emart trên thị trường bán lẻ là rất lớn. Do đó, chúng tôi tự tin đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam hàng hóa chất lượng tốt với giá cạnh tranh và hơn thế là trải nghiệm mua sắm hiện đại, tiện ích. Emart nỗ lực trở thành một điểm đến yêu thích nhất của người dân Việt Nam.

Ông có thể nói rõ về những giá trị mà người tiêu dùng sẽ thụ hưởng khi đến Emart?

Emart sẽ đồng hành với người dân Việt Nam trong mọi hoạt động của cuộc sống. Emart cũng sẽ tập trung giới thiệu những phong cách tiêu dùng mới phù hợp thị hiếu và nhu cầu của công chúng. Sứ mệnh của Emart là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân Việt Nam.

Làm sao để mọi người đều có thể sử dụng hàng chất lượng cao với giá cạnh tranh là tiêu chí trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ của Emart. Để làm được điều này, Emart trực tiếp làm việc với nhà sản xuất, giảm thiểu các nhà cung cấp trung gian, đơn giản là “Emart sẽ mua tận gốc, bán tận ngọn, với tiêu chuẩn giám sát chất lượng kỹ càng”.

Emart có quan tâm đến việc đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Emart trên quy mô toàn cầu?

Emart đã nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ Việt Nam vào hệ thống Emart tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Chỉ riêng năm 2014, Emart đã nhập khẩu 16,654 triệu USD các mặt hàng như nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng, nội thất, quần áo thời trang… từ các nhà cung cấp Việt Nam.

Trong năm 2015, chúng tôi có kế hoạch tăng 20% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Emart (tương đương khoảng 20 triệu USD). Tôi tin rằng, khi trung tâm Emart đầu tiên chính thức hoạt động tại TP.HCM, lượng hàng này sẽ còn tiếp tục tăng thêm.

Kế hoạch phát triển của Emart tại Việt Nam là gì, thưa ông?

Con số cụ thể chúng tôi chưa thể công bố nhưng ngoài Trung tâm thương mại Emart đầu tiên tọa lạc tại quận Gò Vấp đang được đầu tư xây dựng, với vốn đầu tư 60 triệu USD, Emart cũng đang dần chuẩn bị kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại quận Tân Phú, TP.HCM. Emart cũng đang khảo sát thị trường tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ để lên kế hoạch mở rộng trong tương lai gần.

Ngoài đầu tư đại siêu thị, Emart đang khảo sát để vào thời điểm thích hợp sẽ đưa hệ thống mua sắm trực tuyến (một thế mạnh khác của Emart) vào Việt Nam.

Những gã khổng lồ trên thị trường mặt bằng bán lẻ
Mặt bằng bán lẻ - mảnh đất kinh doanh màu mỡ những năm trước đây đang phải đối diện với những gã khổng lồ mới như Aeon mall, Lotte Mart khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư