Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật về quyền con người
Phương Linh - 07/08/2024 15:49
 
Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Đây là thông tin PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị Phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người vào sáng 7/8. Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng

Tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quyền con người là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và xác định công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, Đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phương Linh

Theo ông Hải, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.

Ngoài ra, việc nâng cao kỹ năng viết bài tuyên truyền về nhân quyền cũng đóng vai trò then chốt. Một bài viết có sức thuyết phục không chỉ đòi hỏi kiến thức sâu rộng về chủ đề mà còn cần kỹ năng truyền đạt, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và khả năng kết nối với độc giả. Các bài báo, phóng sự, và chương trình truyền hình không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin mà còn khơi dậy sự quan tâm và hành động của xã hội đối với các vấn đề về quyền con người. Khi các vấn đề này được trình bày một cách chi tiết và sâu sắc, công chúng sẽ có cơ hội nhìn nhận rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.

Bên cạnh đó, truyền thông còn đóng vai trò giám sát và phản ánh hiện trạng thực thi nhân quyền. Những báo cáo, điều tra và phóng sự điều tra về vi phạm nhân quyền có thể đưa ra ánh sáng những bất công và góp phần tạo áp lực để các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, sức mạnh của truyền thông và báo chí càng được tăng cường khi thông tin có thể lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi qua các nền tảng trực tuyến.

Do đó, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đào tạo, tập huấn cho các phóng viên, nhà báo và các cán bộ truyền thông là hết sức cần thiết để họ có thể viết ra những bài viết chất lượng, hấp dẫn và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động tích cực từ cộng đồng trong lĩnh vực này.

"Trong năm 2024, Vụ Pháp chế sẽ tổ chức 2 Hội nghị phổ biến trong lĩnh vực này tại Hà Nội và TP. HCM. Hội nghị sẽ phổ biến, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên và các cán bộ quản lý công tác thông tin và truyền thông", ông Hải cho hay.

Bảo vệ quyền con người chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Hội nghị, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh quyền con người là một trong những vấn đề quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. 

“Đảng và Nhà nước coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội. Bảo vệ quyền con người chính là bảo vệ hạt nhân quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Kiên nhấn mạnh.

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Phương Linh

Theo ông Kiên, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam quy định rõ ràng, cụ thể về quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… của con người đều được thể chế hoá bằng các quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về quyền con người, Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục tham gia nhiều điều ước quốc tế về quyền con người.

Quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người thể hiện sự bình đẳng của tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội không phân biệt đối xử chủng tộc, dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo… Bản chất tự nhiên con người có sự bình đẳng, không phải là sự cào bằng mà là phổ biến.

Quyền con người là tự nhiên, vốn có. Vì vậy, các quyền con người không thể bị tước đoạt hay hạn chế một cách tuỳ tiện mà phải dựa trên cơ sở quy định rõ ràng của pháp luật, quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền. Quyền con người có thể bị hạn chế, thậm chí tước bỏ trong những trường hợp đặc biệt.

Thực tế, việc hạn chế hoặc tước đoạt quyền con người phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt và chỉ được thực hiện khi có căn cứ pháp lý cụ thể. Chẳng hạn, quyền tự do cá nhân có thể bị hạn chế khi một người vi phạm pháp luật và bị tòa án xét xử, nhưng việc này phải dựa trên quy trình tố tụng công bằng và minh bạch.

Tương tự, quyền tự do ngôn luận có thể bị giới hạn trong các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hoặc bảo vệ quyền và danh dự của người khác, nhưng các giới hạn này phải được quy định rõ ràng trong pháp luật và không được lạm dụng.

Việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Các tổ chức xã hội, cá nhân và đặc biệt là các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục công chúng về quyền con người. Truyền thông không chỉ cung cấp thông tin mà còn có thể tạo ra những diễn đàn để thảo luận, phân tích và đánh giá các vấn đề liên quan đến quyền con người, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết và sự tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng.

Đối với phóng viên, biên tập viên PGS.TS Kiên lưu ý phải thường xuyên tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền con người; thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia. Luôn phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân.

PGS.TS Tường Duy Kiên cũng đề nghị các nhà báo cần tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc về quyền con người, vu cáo Chính phủ đàn áp những người hoạt động chính trị là các nhà báo, blogger; hạn chế quyền tự do ngôn luận, internet, tự do lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo; vu cáo Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến…

[Infographic] Một số thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Việt Nam đạt được những thành tựu không thể phủ nhận trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; trong đó có các quyền kinh tế, xã hội và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư