Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 27 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam và các nhà tài trợ hợp tác toàn diện, hiệu quả
Hà Nguyễn - 19/10/2013 06:55
 
Lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 17/10, như một lời tri ân về sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam nhìn lại các mặt được và chưa được trong chặng đường 20 năm hợp tác phát triển, nhằm hướng tới sự hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn với các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Khởi đầu từ Hội nghị Bàn tròn về viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam, được tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày 8/11/1993, mối quan hệ hợp tác phát triển giữa một Việt Nam đang trên đường đổi mới với cộng đồng nhà tài trợ quốc tế trong 20 năm qua đã không ngừng phát triển.

Việt Nam và các nhà tài trợ hướng tới sự hợp tác toàn diện, sâu sắc và hiệu quả hơn trong thời gian tới

Biểu hiện rõ nét nhất là cam kết ODA mà các nhà tài trợ dành cho Việt Nam thường gia tăng sau mỗi kỳ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG), kể cả những năm kinh tế thế giới khủng hoảng (như 2008), hoặc khi kinh tế của một số nhà tài trợ gặp khó khăn, hoặc khi gặp thảm họa kép (như nhà tài trợ Nhật Bản năm 2011)…

Tổng cộng, đến nay, giá trị vốn ODA cam kết của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đã đạt 78,195 tỷ USD.

Điều này thể hiện sự đồng tình và sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Không chỉ là các cam kết tài trợ ODA, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã hỗ trợ và chia sẻ với Việt Nam trong xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách… phát triển kinh tế - xã hội. Các đối thoại chính sách đã dần dần đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, Việt Nam đã phát triển nhanh và toàn diện, vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 1.600 USD, hàng triệu người đã thoát khỏi nghèo đói.

Việt Nam cũng đã được biết đến như là một trong những điển hình phát triển thành công ấn tượng nhất trong hai thập kỷ qua. Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, với mức tăng trưởng thương mại trên 20%/năm.

20 năm quan hệ hợp tác phát triển hiệu quả dựa trên sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác hữu nghị là một nguồn vốn quý của Việt Nam và các nhà tài trợ, đồng thời là hành trang quan trọng để cùng tiến bước vào giai đoạn hợp tác phát triển mới trong những năm sắp tới. Giai đoạn mới đó sẽ được đánh dấu bằng một sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ, đó là bắt đầu từ năm nay, Hội nghị CG sẽ được thay thế bằng một diễn đàn có tên gọi là Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).

Dự kiến, VDPF đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới, đóng vai trò là một nền tảng chủ yếu cho đối thoại chính sách phát triển giữa tất cả các đối tác phát triển đang hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Song một cách thẳng thắn, để sự hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn, Việt Nam cần tiếp tục chứng tỏ mình có thể sử dụng ODA hiệu quả, đúng mục đích, giải ngân đúng tiến độ. Nếu vậy, các nhà tài trợ quốc tế sẽ tin tưởng và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam.

Bởi một điều rõ ràng là mặc dù đã đứng trong hàng ngũ nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp, song con đường phía trước của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen trong khung cảnh thế giới đầy biến động.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, để vững bước trên con đường thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và những năm tiếp theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư