Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam xuất khẩu thành công hơn 6,1 triệu tấn gạo, thu về 3,85 tỷ USD
Thế Hải - 02/09/2024 14:59
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, trị giá gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,9% về sản lượng và tăng 21,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đã Xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn gạo, doanh thu 3,85 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.
Việt Nam đã xuất khẩu 6,16 triệu tấn gạo, doanh thu 3,85 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu tiếp tục khởi sắc.

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong nhóm sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 8 tháng 2024, xuất khẩu gạo đạt 6,16 triệu tấn, trị giá gần 3,85 tỷ USD, tăng 5,9% về sản lượng và tăng 21,7% về trị giá.

Giá gạo xuất khẩu 8 tháng qua vẫn duy trì mức tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình 625 triệu USD/tấn.

Tuần qua gạo 5% tấm được chào bán ở mức 578 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong hai tháng do đồng baht tăng mạnh, trong khi lũ lụt ở Bangladesh làm dấy lên lo ngại về nguồn cung. Gạo đồ 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 580 USD/tấn, tăng từ mức 570 USD trong tuần trước, do đồng baht tăng giá.

Giá gạo ở Bangladesh vẫn ở mức cao và có thể tăng hơn nữa do tình hình lũ lụt được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và nguồn cung trên toàn quốc.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 540-545 USD/tấn, cũng không thay đổi so với tuần trước. 

Giá gạo xuất khẩu tăng do nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị thu hẹp do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu… Ngoài ra, còn có thêm nguyên nhân từ việc Ấn Độ vẫn đang cấm xuất khẩu gạo.

Theo VFA, giá lúa gạo trong nước ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn khi các doanh nghiệp tập trung tăng cường thu mua để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm, cũng như tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Với đà tăng này, dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể cán mốc 7,6-8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD, mức kỷ lục mới của ngành trồng trọt.

Những năm gần đây, nhờ tái cơ cấu ngành lúa gạo, tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường, gạo Việt Nam ngày càng ghi điểm trên bản đồ các nước xuất khẩu nhờ nâng được chất lượng, giá gạo xuất khẩu cũng tăng cao.

Năm 2023, xuất khẩu thành công 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 16 năm qua.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nói: "Từ việc là một quốc gia nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã tự chủ nguồn cung, cân đối lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời trở thành 1 trong số ít quốc gia cường quốc xuất khẩu gạo".

Hiện, Việt Nam giữ vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, sau Ấn Độ, Thái Lan.

Mới đây, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trương, chiến lược... phát triển toàn diện ngành hàng lúa gạo.

Việc lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết, bởi lâu dài, ngành sản xuất này cần đa dạng sản phẩm, thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, do đó rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư