Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Viết tiếp trang sử 70 năm NHNN: Kỳ vọng những ngân hàng ngang tầm khu vực
Thanh Thuỷ - 05/05/2021 15:14
 
Dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành ngân hàng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 vấn đề cần lưu ý.
.
NHNN đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.

70 năm truyền thống anh hùng và đóng góp không ngừng nghỉ

Sáng 5/5/2021, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành ngân hàng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thay mặt các thế hệ cán bộ ngân hàng bày tỏ lòng biết ơn và gửi lời tri ân chân thành tới các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành Ngân hàng, các đồng chí cán bộ đã nghỉ hưu, những người mà trong suốt 70 năm qua, trên nhiều cương vị, vị trí khác nhau đã tận tâm cống hiến, lập nên những chiến công, kỳ tích trên mặt trận tài chính, tiền tệ, viết nên những trang sử của ngành ngân hàng Việt Nam.

Ghi nhận thành tựu và đóng góp to lớn của ngành ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, NHNN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước  trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng năm 2006; 3 lần trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1996, 2001, 2016); 3 đơn vị (B29, N2683, C32) được phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều đơn vị trong ngành được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cũng đúng ngày kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Ngân hàng Nhà nước đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020.

Đánh giá vai trò vị trí quan trọng và là huyết mạch của nền kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định truyền thống anh hùng và sự đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước ta.

.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành ngân hàng

Trong suốt chặng đường 24 năm tham gia phục vụ hai cuộc kháng chiến vĩ đại, các thế hệ cán bộ ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tập trung mọi nguồn lực phục vụ sản xuất, chiến đấu, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam, viết nên "Huyền thoại con đường tiền tệ", đóng góp vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn trong 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình trạng bất ổn vĩ mô đầu nhiệm kỳ khoá XI và suy thoái kinh tế thế giới do tác động của đại dịch Covid-19 cuối nhiệm kỳ khoá XII, đến nay vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa rõ hồi kết.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách, biện pháp phù hợp với thực tế tình hình, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Cụ thể là sự điều hành chủ động, linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt các thị trường tiền tệ, ngoại hối, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, cung cấp đầy đủ, kịp thời nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch...

Viết tiếp trang sử vẻ vang: Kỳ vọng về những ngân hàng ngang tầm khu vực và cơ chế cho đổi mới sáng tạo

.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng diễn văn kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam 

Tại diễn văn trong ngày lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, người đứng đầu ngành ngân hàng nhấn mạnh ba định hướng cần tập trung trong những năm tới đây khi tình hình thế giới và trong nước đan xen nhiều thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức, nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên phạm vi toàn thế giới, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn cho ngành ngân hàng.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành ngân hàng cũng sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu và củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh, hiệu quả, tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế, để thực hiện tốt hơn vai trò chu chuyển vốn và nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế.

Đồng thời, nhiệm vụ thứ ba được đề cập tới là hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với bối cảnh mới; phát triển và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tiện ích cho doanh nghiệp và người dân, góp phần vào chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số…

“Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng sẽ bám sát đường lối chủ trương của Đảng tại Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XIII để chỉ đạo, điều hành mọi mặt hoạt động ngân hàng, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu mà Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn 2045”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích đã đạt được của ngành ngân hàng cùng những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đồng thời, cũng nhấn mạnh ngành ngân hàng cần phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện.

Ba cột mốc đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII  đượcTổng Bí thư nhắc lại. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỳ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước “đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, nước ta sẽ “trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao”.

Theo Tổng bí thư, ngành ngân hàng cần đồng bộ với công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy thật tốt những kết quả và bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công đã đúc rút được; nghiêm túc, quyết liệt khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng.

Năm vấn đề được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, nhấn mạnh.

Một là, ngành ngân hàng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân viên trong ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành ngân hàng nói riêng.

Đặc biệt, như đã đề cập tại Văn kiện Đại hội XIII, ngành ngân hàng cần “tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối".

Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành ngân hàng: là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, rất phức tạp, nhạy cảm, có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và triển khai thật tốt chiến lược, kế hoạch và các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Tỏng bí thư cho rằng ngành ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

Năm là, ngành ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của Ngành, của đất nước.

Theo Tổng Bí thư, ngành ngân hàng cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Các đề xuất đổi mới phải được cấp uỷ, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, tự mãn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

“Với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và với nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo, trong thời gian tới ngành Ngân hàng Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng kỳ vọng ngành ngân hàng góp phần quan trọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Cổ đông ngân hàng tái cơ cấu vẫn mòn mỏi chờ cổ tức
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đang tái cơ xấu, xử lý nợ xấu tồn đọng phải tập trung mọi nguồn lực để tái cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư