Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vietnam Airlines bay vững trước áp lực cạnh tranh
Bảo Như - 19/06/2017 08:00
 
Vietnam Airlines vẫn đang kiên trì tích lũy và hoàn thiện những nền tảng cần thiết cho mục tiêu tăng trưởng ổn định, bền vững và sự hài lòng của hành khách.
TIN LIÊN QUAN

Thận trọng

Sự thận trọng là điều có thể nhận thấy trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2017 mà Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2017, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/6.

Cụ thể, năm 2017, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch với mức lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) là 1.638 tỷ đồng, bằng 63% so với năm 2016, trong đó, công ty mẹ đạt 1.256 tỷ đồng, bằng 73,4% so với năm 2016.

Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines hạ cánh tại Sân bay Sydney (Australia), chính thức khai trương đường bay mới Hà Nội - Sydney  - Hà Nội hôm 29/3/2017
Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines hạ cánh tại Sân bay Sydney (Australia), chính thức khai trương đường bay mới Hà Nội - Sydney - Hà Nội hôm 29/3/2017

Sự thận trọng này là không thừa khi những yếu tố đầu vào ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các hãng hàng không trong năm 2017 được dự báo là khó lường, có thể diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Nếu chiểu theo xu hướng giá nhiên liệu tại thời điểm cuối năm 2016 và đầu năm 2017, giá dầu Jet A1 có thể lên tới 64 USD/thùng, tăng 16% so với giá bình quân năm 2016 (51,7 USD/thùng), làm phát sinh tăng chi phí khoảng 2.700 tỷ đồng.

Tính toán của Vietnam Airlines cho thấy, cứ giá nhiên liệu tăng/giảm 1 USD thì chi phí nhiên liệu vận hành cho gần 100 máy bay của hãng tăng/giảm khoảng 220 tỷ đồng/năm. Ngoài nhiên liệu, với một hãng có nhiều đường bay quốc tế như Vietnam Airlines, tỷ giá USD bình quân dự kiến ở mức 23.000 - 23.100 đồng/USD trong năm kế hoạch 2017 có thể làm tăng chi phí của Vietnam Airlines thêm 1.122 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, tình hình cạnh tranh tại thị trường hàng không Việt Nam vẫn hết sức gay gắt. Tổng tải cung ứng nội địa năm 2017 toàn thị trường dự kiến là 40,6 triệu ghế, tăng 17% so với năm 2016. Trong khi đó, tổng sức mua toàn thị trường chỉ tăng khoảng 9,5%, dẫn đến thu suất bình quân (RASK) toàn thị trường dự báo giảm 5% so với năm 2016 và chỉ bằng 78% so với năm 2015.

Mặc dù vậy, lợi nhuận - chỉ tiêu duy nhất giảm so với năm 2016 mà Vietnam Airlines đề ra vẫn ở mức cao so với các hãng hàng không truyền thống trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có cùng quy mô. Điều này sẽ giúp Vietnam Airlines duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định về sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa, ngay cả trong những năm khủng hoảng.

Được biết, các chỉ tiêu quan trọng khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh cốt lõi mà Tổng công ty theo đuổi trong năm 2017 đều được đặt ở những mốc hơn so với năm 2016, trong đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 87.900 tỷ đồng, tăng 22,7%; tổng sản lượng khách đạt 22,55 triệu lượt khách, tăng 9,3%; hàng hóa đạt 295.000 tấn, tăng 8,5%.

Điểm tựa 2016

Trong năm 2016, tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất của Vietnam Airlines đạt hơn 71.600 tỷ đồng (trong đó doanh thu thuần đạt gần 70.100 tỷ đồng), tăng 3,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm trước và vượt 12% so với kế hoạch. Đây là kết quả kinh doanh tốt nhất của Tổng công ty trong nhiều năm trở lại đây. Quan trọng hơn, Vietnam Airlines là hãng hàng không hiếm hoi trong khu vực đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Nhờ kết quả kinh doanh tốt, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Vietnam Airlines đều được cải thiện. Cụ thể, hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần hợp nhất đạt 3% (năm 2015 là 1,2%), của công ty mẹ đạt 3% (năm 2015 là 0,5%); hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân hợp nhất đạt gần 15% (năm 2015 là 7%), của công ty mẹ đạt gần 12% (năm 2015 là 2,5%).

Được biết, Vietnam Airlines dự kiến trích 736,52 tỷ đồng trong tổng lợi nhuận của công ty mẹ năm 2016 sau thuế thu nhập doanh nghiệp được phép phân phối để thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, con số trên là phù hợp với kết quả kinh doanh năm 2016 và các quy định của Nhà nước, đảm bảo cân đối dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty, có tính đến khả năng chi trả cổ tức ổn định cho năm 2017 và các năm tiếp theo.

Trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là hàng không, cùng với việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh trong tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là an toàn bay, Vietnam Airlines đã đưa vào khai thác thành công đội tàu bay thế hệ mới Boeing 787 và Airbus A350 trên các đường bay dài và trọng điểm; hoàn thành chương trình nâng cấp chất lượng dịch vụ đồng bộ; chính thức được công nhận là hãng hàng không 4 sao tiêu chuẩn quốc tế theo đánh giá của Skytrax.

Năm 2016, hợp đồng với nhà đầu tư chiến lược đã bắt đầu bằng việc hợp tác liên danh, chương trình khách hàng thường xuyên trên các đường bay giữa Việt Nam - Nhật Bản và nội địa 2 nước; sử dụng dịch vụ mặt đất của nhau ở các sân bay căn cứ và sự tham gia điều hành của đại diện ANA Holdings (Nhật Bản) trong HĐQT của Vietnam Airlines cũng tạo điều kiện cho sự thay đổi, phát triển nhanh, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động phụ trợ vận tải tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (2% doanh thu), nhưng đây là mảng quan trọng nhằm cung cấp dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không của Vietnam Airlines, góp phần hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty.

Bằng việc thực hiện chiến lược thương hiệu kép, Tổng công ty đã đưa ra thị trường dải sản phẩm đa dạng, đem lại lợi thế cạnh tranh, trong đó, Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập cao và trung bình; Jetstar Pacific hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp.

Hướng tới sự hài lòng của hành khách

Một nội dung quan trọng khác sẽ được Vietnam Airlines trình Đại hội đồng cổ đông thông qua là phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2017 theo hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu của Tổng công ty. Đây là lần tăng vốn điều lệ thứ hai kể từ khi Vietnam Airlines hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Theo đó, Vietnam Airlines dự kiến phát hành 191,1 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ phát hành 15,5753%, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu được mua thêm 15,5753 cổ phiếu phát hành thêm.

Trong trường hợp được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 thông qua, phần lớn vốn tăng lên từ đợt phát hành này sẽ được bố trí làm vốn đối ứng cho các dự án mua máy bay và bổ sung vốn kinh doanh của Tổng công ty.

Cụ thể, theo đề xuất của Vietnam Airlines, số tiền thu được từ đợt phát hành trên sẽ dùng làm vốn đối ứng cho Dự án mua máy bay 8 Boeing 787-9 và 10 máy bay Airbus 350 trong giai đoạn 2017 - 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng giá trị của các hợp đồng này khoảng 1,71 tỷ USD, tương đương 41.000 tỷ đồng. Ngay trong năm 2017, Vietnam Airlines sẽ nhận 5 máy bay, gồm 1 Boeing 787-9, 4 Airbus A350, với giá trị mỗi chiếc khoảng 160 triệu USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng các cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua thêm cổ phần trong đợt phát hành này là rất thấp. Hiện cổ phiếu của Vietnam Airlines có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nhờ những kết quả kinh doanh khởi sắc của hãng trong thời gian qua.

“Quy mô vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tăng lên không chỉ góp phần cải thiện đáng kể hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, mà còn giúp gia tăng năng lực tài chính để mở rộng thị trường, nâng cấp chất lượng dịch vụ của hãng”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư