Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vietnam Airlines chưa tính đến phương án hủy niêm yết cổ phiếu HVN trên HoSE
Anh Minh - 14/09/2022 16:18
 
Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines), mã chứng khoán HVN sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để vốn chủ sở hữu không bị âm tại thời điểm 31/12/2022.
Thị trường hàng không nội địa đang phục hồi như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến cơ hội tăng doanh thu, lợi
Thị trường hàng không nội địa trong 9 tháng đầu năm 2022 đã phục hồi như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã giúp cải thiện cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines.

“Vào thời điểm này, Vietnam Airlines chưa nghĩ đến kịch bản cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HoSE. Chúng tôi vẫn còn cơ hội để vốn chủ sở hữu không bị âm tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2022”, đại diện Vietnam Airines lần đầu lên tiếng sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo về nguy cơ phải hủy niêm yết.

Trước đó, vào đầu tháng 9/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có văn bản lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

Theo Nghị định số 155/2022/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét là một trong những yếu tố khiến cổ phiếu của một doanh nghiệp đại chúng bị hủy niêm yết.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022, lợi nhuận sau thuế của cổ động mẹ Vietnam Airlines là -5.167 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là -28.904 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu – 4.897 tỷ đồng. Trước đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ Vietnam Airlines trên Báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất (năm 2020, 2021) cũng là số âm.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đơn vị đang triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 nhóm giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền (2022 – 2025); phát hành cổ phiếu tăng chủ sở hữu (2023 – 2025).

Đây cũng là nhóm giải pháp nằm trong Đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 đã được Tổng công ty trình cấp có thẩm quyền thông qua.

Trong khi chờ Đề án được thông qua, Vietnam Airlines cũng đã chủ động thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu nằm trong thẩm quyền như đàm phán giãn các khoản thanh toán đến hạn; thanh lý các tài sản (trong 6 tháng đầu năm 2022 đã bán thành công 2 tàu bay cũ); đẩy nhanh tiến độ cơ cấu tài sản (bán, bán và thuê lại máy bay); cắt giảm các chi phí không cần thiết…

Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Vietnam Airlines sẽ được cải thiện đáng kể nếu hãng thành công kế hoạch thoái vốn tại Pacific Airlines ngay trong năm 2022. Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ giảm được ít nhất 4.000 – 5.000 tỷ đồng lỗ lũy kế hợp nhất từ việc thoái vốn tại Pacific Airlines và thoái phần vốn góp còn lại tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air.

Một điểm thuận lợi nữa đối với Vietnam Airlines là thị trường hàng không nội địa trong 8 tháng đầu năm 2022 đã gần như về mức trước dịch Covid-19 đã giúp cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Tuy chưa đạt mức cân bằng thu – chi nhưng tổng doanh thu và thu nhập khác trong 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ - Vietnam Airlines tăng tới 19% so với 6 tháng đầu năm 2021 (tăng hơn 11.472 tỷ đồng); lỗ sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 giảm hơn 3.200 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2021, chỉ ở mức 5.237 tỷ đồng.

Nếu thị trường quốc tế khôi phục sớm hơn và không phải chịu tác động nặng nề của việc giá nhiên liệu bay ở mức cao; biến động tỷ giá, Vietnam Airlines có thể sớm cân đối được thu chi ngay trong năm 2022. Mặc dù vậy, Vietnam Airlines có thể kết thúc năm tài chính 2022 với mức lỗ cả năm thấp hơn số lỗ kế hoạch năm 2022 là 9.336 tỷ đồng.

“Với đà phục hồi ngày một rõ nét và sự hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước, chúng tôi tin Vietnam Airlines sẽ duy trì được dòng tiền, giữ được vốn chủ sở hữu thực dương vào cuối năm 2022”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) bị đưa vào diện kiểm soát
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa quyết định chuyển cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) từ diện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư