Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Vietnam Airlines đạt lợi nhuận gộp 6.703 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024
Anh Minh - 03/09/2024 11:13
 
Kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2024 bất chấp những khó khăn về đội tàu bay.
Vietnam Airlines đang hướng tới cân đối thu chi trong năm 2024
Vietnam Airlines đang hướng tới cân đối thu chi trong năm 2024.

Vietnam Airlines vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất và Báo cáo tài chính Công ty mẹ giữa niên độ cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đã vận chuyển khoảng 7,96 triệu hành khách nội địa và 3,63 triệu khách quốc tế, tương đương với 88,84% và 123,05% so với sản lượng hành khách cùng kỳ năm 2023 (kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2023 là 8,96 triệu hành khách nội địa và 2,95 triệu khách quốc tế).

Kết quả hoạt động vận tải nói trên đã giúp Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu 53.904 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 44.275 tỷ đồng), trong đó doanh thu Công ty mẹ đạt 41.451 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 33.289 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 5.401,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ là 1.262 tỷ đồng.

Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đột biến bởi cùng kỳ năm ngoái, Công ty mẹ vẫn lỗ tới 1.178 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế lỗ 1.386 tỷ đồng.

Theo đại diện Vietnam Airlines, tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ tăng 25,04% so với cùng kỳ (tăng hơn 8.368 tỷ đồng) chủ yếu doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,96%, tương đương tăng hơn 7.910 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 21,3%, doanh thu quốc tế tăng 24,3%) do Tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa; hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác và mở thêm các đường bay mới.

Tổng chi phí Công ty mẹ tăng 17,1% tương đương tăng 5.924 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu tăng chi phí giá vốn (tăng tương ứng với tăng sản lượng) và chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của tỷ giá và lãi suất.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lãi gộp về cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ đạt hơn 5.347 tỷ đồng; lỗ sau thuế giảm hơn 2.442 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với số lỗ cùng kỳ năm trước chủ yếu do Công ty mẹ và các công ty con đều kinh doanh có lãi.

Trong 6 tháng đàu năm 2024, Tổng công ty ghi nhận thu nhập khác hợp nhất tăng mạnh do Pacific Airlines được đối tác xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, do thị trường vận tải phục hồi và Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng tải vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ…đã giúp hoạt động SXKD của Tổng công ty cải thiện đáng kể, đặc biệt trong quý 1/2024, đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không, kết quả kinh doanh Công ty mẹ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên do tính mùa vụ, tháng 4-5 là những tháng thấp điểm nhất trong năm của thị trường hàng không nội địa, nên kết quả sản xuất kinh doanh kém hiệu quả hơn so với quý 1/2024.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng công ty, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất và Công ty mẹ đạt lần lượt 5.402 tỷ đồng và 1.263 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đã có sự cải thiện mạnh mẽ về hoạt động SXKD nhưng nợ ngắn hạn của Tổng công ty và các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn của Tổng công ty và các công ty con là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm (-) 11.633 tỷ đồng.

Đối với nội dung này, Vietnam Airlines cho biết là đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Trong đề án, trong năm 2024- 2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty và các công ty con đã và đang đàm phán với các ngân hàng thương mại để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho đến ngày 30/6/2024, tổng hạn mức tín dụng mà Tổng công ty và các công ty con đã ký với các ngân hàng thương mại là 29.800 tỷ đồng (1/1/2024 là 25.400 tỷ đông).

Ngoài ra Tổng công ty còn có nguồn vốn vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội theo Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021.

Trong kỳ, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà Tổng công ty và các công ty con đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện và quy định của Ngân hàng Nhà nước, qua đó tiếp tục duy trì được các hạn mức tín dụng hiện tại trong năm tiếp theo cũng như đảm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn.

Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, Tổng công ty cũng đã đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính đến hạn trả.

Tổng công ty và các công ty con đã và đang tiếp tục đàm phán giảm giá, giãn hoãn tiến độ thanh toán với các đối tác, trong đó nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá (đối với chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng...) hoặc giãn, hoãn lịch thanh toán (đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay...).

Một mặt, Tổng công ty và các công ty con đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ quá hạn nhà cung cấp với số tiền 13.351 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024. Mặt khác, Tổng công ty và các công ty con cũng đang tiếp tục đàm phán và kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác trong việc giảm và giãn hoãn thời hạn thanh toán đối với các khoản nợ quá hạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư