Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
Vinaconex ITC lỗ thêm 4,68 tỷ đồng sau khi Công ty mẹ rút vốn trong quý I/2024
Duy Bắc - 07/05/2024 08:46
 
Vừa lỗ kỷ lục 286,73 tỷ đồng trong năm 2023, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR - UPCoM) tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024.

Trong quý I/2024, Vinaconex ITC tiếp tục không ghi nhận doanh thu trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 4,68 tỷ đồng.

Việc không có doanh thu mà vẫn phải ghi nhận chi phí, Vinaconex ITC đã lỗ thêm 4,68 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 2,84 tỷ đồng, tức giảm thêm 7,52 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Vinaconex ITC đặt kế hoạch tổng doanh thu 526,52 tỷ đồng, tăng 11,48 lần so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 96,59 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 286,73 tỷ đồng, tức tăng thêm 383,32 tỷ đồng.

Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, Vinaconex ITC còn cách rất xa kế hoạch lãi 96,59 tỷ đồng trong năm 2024.

Điểm đáng lưu ý, với việc tiếp tục lỗ trong quý đầu năm 2024, tính tới 31/3/2024, Vinaconex ITC ghi nhận lỗ luỹ kế lên tới 522,7 tỷ đồng, bằng 24,9% vốn điều lệ (vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng).

Về quy mô tài sản, tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản của Vinaconex ITC giảm nhẹ 1,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 71,5 tỷ đồng, về 4.884,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang lên tới 4.404,9 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, tại thời điểm 31/3/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 18,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 331,6 tỷ đồng, về 1.500 tỷ đồng và bằng 93,8% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 126,3 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 1.373,7 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong quý I/2024, phần nguồn vốn không có biến động nào đáng kể ngoại trừ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 48,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 227,4 tỷ đồng, lên 692,4 tỷ đồng.

Như vậy, riêng trong quý I/2024, Vinaconex ITC chưa có dấu hiệu được bơm thêm vốn đáng kể, thậm chí phải giảm bớt nợ vay.

Vinaconex ITC lỗ 286,7 tỷ đồng trong năm 2023 do chi phí phải trả 2.200 tỷ đồng cho Công ty mẹ Vinaconex

Trước đó, trong năm 2023, Vinaconex ITC ghi nhận doanh thu đạt 33,22 tỷ đồng, giảm 82,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 286,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 5,4 tỷ đồng, giảm 292,1 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 79,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 22,07 tỷ đồng, về 5,61 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng đột biến thêm 276,41 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 277,1 tỷ đồng; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, việc ghi nhận lỗ trong năm 2023 chủ yếu do phát sinh từ việc chi phí tài chính tăng đột biến.

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2023, mục phải trả dài hạn khác đối với Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG – sàn HoSE) đã giảm từ 2.200 tỷ đồng, về 0 tỷ đồng.

Lý giải chi phí tài chính tăng đột biến trong năm 2023, Vinaconex ITC cho biết do Công ty phát sinh chi phí vốn từ nhận vốn góp đầu tư 277,1 tỷ đồng so với cùng kỳ không phát sinh.

Trong đó, Vinaconex ITC cho biết ngày 30/9/2023, Công ty đã thông qua việc chấm dứt hợp đồng hợp tác với Vinaconex, vì vậy hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, Vinaconex ITC có nghĩa vụ thanh toán chi phí vốn phát sinh đối với khoản vốn góp của Vinaconex là 277,1 tỷ đồng.

Được biết, theo hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 10/6/2021, Vinaconex ITC và Vinaconex cùng hợp tác đầu tư phân khu CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02 của Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá – Cát Bà tại thị trấn Cát Bà, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Theo kế hoạch, phân CT02 và hạ tầng kết nối phân khu CT02 được thực hiện dự kiến trong 8 năm. Trong đó, Vinaconex góp 2.200 tỷ đồng bằng tiền mặt, được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu CT02, đồng thời Vinaconex ITC đảm bảo lợi nhuận phân chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư của Vinaconex theo từng thời điểm và phân khu CT02.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù thông báo ngừng hợp tác tại đầu tư phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 của Dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2023, Vinaconex vẫn đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 51% vốn điều lệ tại Công ty Vinaconex ITC.

Ông Đào Ngọc Thanh từ nhiệm vị trí Chủ tịch Vinaconex ITC sau rút 2.200 tỷ đồng

Bên cạnh việc rút vốn, về nhân sự, Vinaconex ITC cũng thực hiện miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Đào Ngọc Thanh do có đơn từ nhiệm.

Được biết, ông Đào Ngọc Thanh được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex ITC từ ngày 22/3/2021 nhưng tới ngày 23/1/2024 đã có đơn xin từ nhiệm. Trong đó, ông Đào Ngọc Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vinaconex, trước lo ngại của cổ đông Vinaconex sẽ rút vốn khỏi Vinaconex ITC, ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, Công ty sẽ tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina. Việc rút 2.200 tỷ đồng Vinaconex ITC là số tiền huy động từ phát hành trái phiếu để hợp tác xây hai toà khách sạn nhưng tình hình thị trường khó nên công ty rút về trả nợ trái phiếu.

Theo ông Nguyễn Xuân Đông, Vinaconex hiện là công ty mẹ - sở hữu 51% vốn Vinaconex ITC. Cát Bà Amatina là dự án lớn, nhưng là dự án nghỉ dưỡng không phải nhu cầu cấp thiết, trong khi thị trường vẫn còn khá yếu.

“Vinaconex đã thống nhất với HĐQT Vianconex ITC, năm 2024 lên kế hoạch bán hàng. Tùy theo thị trường, có thể chuyển sang bán buôn, tức bán một phần dự án, nhưng điều kiện giá phải đảm bảo, nếu không có lãi thì không làm”, ông Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh.

Sau rút vốn 2.200 tỷ đồng, ông Đào Ngọc Thanh cũng rời ghế Chủ tịch Vinaconex ITC
CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã VCR - UPCoM) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Đại hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư