Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vinamit, Rừng hoa Đà Lạt tố khổ về thuế với Bộ trưởng
Hà Tâm - 27/03/2015 08:49
 
Nhà nước khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, song bản thân các DN đầu tư trong lĩnh vực này lại đang gặp nhiều vướng mắc. Cả Vinamit lẫn Công ty cổ phần Rừng hoa Đà Lạt đều kêu khổ về thuế trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng hôm qua (26/3).
TIN LIÊN QUAN
Vinamit, Rừng hoa Đà Lạt tố khổ về thuế với Bộ trưởng
Thuế cao đang làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của nông nghiệp

“Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn” với gần 30 DN vừa có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại Hà Nội.

Được thành lập với mục đích thúc đẩy làn sóng mới của đầu tư tư nhân vào nông nghiệp Việt Nam, Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn là mô hình hợp tác công tư mới ở Việt Nam, làm đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chương trình,dự án, dịch vụ công.

Ttrong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa qua, nhiều DN đã lên tiếng về những vướng mắc của mình.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit, khi mới đầu tư dự án 30ha làm nông nghiệp ở Hải Dương, Vinamit được tỉnh đồng ý miễn tiền thuê đất hơn 10 năm. Thế nhưng, vừa mới được một vài năm thì cơ quan thuế lại đến "bắt thuế". Đơn cử, năm 2014 vừa qua, Chi cục thuế Hải Dương yêu cầu Vinamit đóng thuế 7 try đồng, công ty xoay xở đóng được 1,7 tỷ đồng. Năm nay, thuế lại tiếp tục yêu cầu đóng 7 tỷ đồng tiếp.

Tương tự, tại Đăk Lăk, Vinamit được cấp 2.000 ha đất, song vừa cấp xong thì dân ùa vào chiếm đất, công ty buộc phải bồi thường cho dân để lấy lại đất. Vừa bồi thường xong thì bên thuế đến và yêu cầu đóng thuế. "Chúng tôi nhất định không chịu đóng thuế thì bên thuế lại áp thuế phạt, bây giờ lên tới 200 triệu đồng rồi, rất nhức đầu. Làm nông nghiệp, tiền đầu tư dự án đã là một vấn đề, tiền bồi thường cho dân đã là một vấn đề, việc bất chợt yêu cầu đóng thuế đất càng làm DN chới với", ông Nguyễn Lâm Viên nói.

 Một bất cập nữa mà DN đang vướng phải và cũng được nhiều DN nông nghiệp, trong đó có Vinamit đã kiến nghị nhiều lần là thuế VAT.

Hiện Vinamit đang mua nguyên liệu trong dân để bán ra thị trường nội địa (60%) và xuất khẩu (40%). Doanh số bán trong nước lên tới vài trăm tỷ đồng, song với lượng hàng bán trong nước, Vinamit đang phải tiếp tục đóng thay cho người nông dân 10% thuế VAT (vì mua nguyên liệu đầu vào từ dân không có hóa đơn VAT nên DN không được khấu trừ thuế).

Cũng kêu khổ về thuế, ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cho hay, ngoài vướng mắc về thuế VAT như Vinamit, công ty này còn đang phải chịu mức thuế nhập khẩu nhà kính rất cao, lên tới 25%, khiến DN gặp khó trong nâng cấp chất lượng nhà máy để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Khi được Bộ trưởng Cao Đức Phát hỏi tại sao không được ưu đãi thuế vì DN này đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy Chứng nhận DN nông nghiệp công nghệ cao, tức được hưởng mức thuế ưu đãi theo Luật Công nghệ cao, ông Sơn bức xúc nói: "Cơ chế rất mơ hồ, Luật công nghệ cao lại không đề cập rõ mức ưu đãi là bao nhiêu nên dù có giấy chứng nhận, chúng tôi vẫn bị Hải quan làm khó và phải chịu mức thuế 25%. Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của công ty, ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thị trường xuất khẩu".

Ông Sơn cũng cho biết thêm: "Đầu tư trồng hoa hiện nay phải đóng 25% thuế nhập khẩu nhà kính, 10% thuế VAT, có nghĩa là mất 35% nộp thuế cho Nhà nước trong khi tiền ngân hàng xoay xở không ra, đầu tư một nhà kính ít nhất 3 tỷ đồng trong khi ngân hàng không chấp nhận sử dụng nhà kính làm tài sản thế chấp. Đề nghị cơ quan chức năng nên cho phép miễn thuế nhập khẩu thiết bị nhà kính và thiết bị đầu tư nông nghiệp hoặc áp dụng chính sách tín dụng thuế, cho phép DN trả dần dần".

Trước những vướng mắc của DN về thuế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng tỏ ra bức xúc, sốt ruột, chỉ đạo các đơn vị chức năng và khẳng định sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho DN về thuế.

Trong thời gian gần đây, nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành song các chính sách vẫn chậm đi vào thực tế. Bên cạnh đó, vẫn thiếu một đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh  nông nghiệp, thiếu kênh kết nối doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng đầu tư toàn cầu.

Việc Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn, tập hợp những DN hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp như Vinamit, Rừng Hoa Đà Lạt, Hòa Phát, FPT, thủy sản Minh Phú... sẽ phần nào giải quyết vấn đề này. Nhóm công tác sẽ nối kết các doanh nghiệp đầu tàu với các địa phương đột phá về chính sách và thể chế trong thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp gồm: Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Định, Đồng Tháp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư