Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vinaxuki Thanh Hóa: 26 ha đất “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, dân mất kế sinh nhai
Sĩ Chức - 07/07/2016 10:28
 
Được cấp phép đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay, Dự án Cụm các nhà máy máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc – Thanh Hóa của Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki vẫn chỉ là khung sắt. Xót xa hơn là 26 ha đất “bờ xôi ruộng mật” bị thu hồi để thực hiện Dự án đến nay vẫn bỏ hoang khiến dân bức xúc.

Dậm chân tại chỗ

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 26121000030, do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 26/10/2010, Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa sẽ đầu tư Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô tải có tải trọng từ 0,5 đến 45 tấn; sản xuất, lắp ráp xe ô tô buýt từ 16 đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ô tô các loại…

Dự án có tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 92,3 ha; với quy mô sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm; 400 xe buýt/năm. Ngoài ra, các nhà máy này sẽ sản xuất 75.000 tấn phụ tùng ô tô/năm.

Quang cảnh nhà máy của Vinaxuki tại Thanh Hóa.
Quang cảnh hoàng tàn của Vinaxuki tại Thanh Hóa.

Theo đúng Giấy chứng nhận này, đến năm 2010, cụm các nhà máy này đã phải hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đến năm 2011, hạ tầng kỹ thuật của Cụm công nghiệp Song Lộc cũng phải hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, đến giờ trên phần diện tích của Dự án, ngoài khung sườn của nhà máy đang dang dở, gần như chưa có hoạt động nào được tiến hành.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, UBND huyện Hậu Lộc cho biết, mỗi năm, Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki chỉ phải nộp một khoản thuế đất khoảng 36 triệu đồng, tính ra mỗi tháng có 3 triệu đồng.

Vậy nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 4 năm từ khi có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Thanh Hóa, phía Vinaxuki mới nộp được khoảng 70 triệu đồng (tương đương khoản thu của hai năm).

Phải nói thêm, mãi đến tháng 9/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho Vinaxuki thuê gần 70 ha đất đồi và khoảng 26 ha đất nông nghiệp đang canh tác để triển khai xây dựng Dự án.

Cũng từ tháng 9/2012, Vinaxuki có khoản thuế phát sinh trên tờ khai nguồn thuế giá trị gia tăng là 54 triệu đồng. Từ đó tới nay, phía đơn vị này không phát sinh thêm các bút toán về việc khấu trừ khoản thuế giá trị gia tăng nào.

Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm tháng 3/2016, tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động của Vinaxuki Thanh Hóa là 2,53 tỷ đồng, kéo dài 56 tháng. Như vậy, xâu chuỗi các dữ liệu trên có thể khẳng định, thời gian nợ đọng bảo hiểm tương đương với thời gian triển khai dự án này. Điều này có thể hiểu là người lao động làm việc ngay tại thời điểm đầu khi hình thành dự án đã bị Công ty nợ bảo hiểm.

Cùng với việc nợ đọng thuế giá trị gia tăng và không phát sinh thuế từ thời điểm cuối tháng 10/2012, thì có thể thấy Dự án đã dậm chân tại chỗ ngay từ thời điểm ban đầu.

Tắc phương án xử lý

Lý giải về việc Dự án chậm triển khai, ngày 6/4/2015, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa.

Tại văn bản này, ông Huyên cho hay, đầu năm 2011, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đơn vị tài trợ cho Vinaxuki đã cắt vốn đầu tư, phá vỡ hợp đồng tín dụng.

Vì vậy, mặc dù đến năm 2010, Công ty đã san lấp, xây dựng gần xong 40.000 m2 nhà xưởng, nhưng Công ty đã phải dừng sản xuất.

Dự án xe tải nặng của Vinaxuki được xây dựng lên với chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”, lấy lợi nhuận trong quá trình sản xuất xe tải nặng để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc. Từ năm 2011, Vinaxuki đã thế chấp cho phía Ngân hàng Vietcombank toàn bộ hồ sơ, tài sản đảm bảo trị giá 1.500 tỷ đồng theo kiểm toán để vay thêm 500 tỷ đồng. Do việc thay đổi lãnh đạo Vietcombank nên việc vay vốn bị ngừng trệ…

Cũng theo Vinaxuki, Công ty đã mời nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, song đến nay chưa ký được bất cứ hợp đồng hợp tác nào. Một trong những lý do được nêu ra là Song Lộc mới được cấp phép là Cụm công nghiệp, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn đầu vào khu công nghiệp để được hưởng các ưu đãi của mô hình này. Công ty đã nhiều lần đề nghị được thành lập khu công nghiệp nhưng chưa được tỉnh Thanh Hóa cho phép.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc lại cho rằng, Dự án này là luôn được đặt ra trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương.

“Người dân địa phương bức xúc vì lãng phí đất đai của dự án này. Đặc biệt là phần diện tích 26 ha “bờ xôi ruộng mật” bị thu hồi để thực hiện Dự án, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang”, ông Luệ nói.

Khi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về khả năng thu hồi dự án này, ông Lê Trọng Hân, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa hẹn sẽ trả lời vào dịp khác. Ông Hân cũng thừa nhận, Dự án này đã không hoạt động từ lâu, dù lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc bàn họp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Làm rõ phản ánh thu nhiều khoản phí sai quy định tại Thanh Hóa
Trường hợp nếu có việc thu các loại phí, đóng góp của người dân sai quy định thì phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý trách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư