Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vĩnh Hoàn kịp chốt thương vụ M&A trong tháng cuối năm?
Thanh Thủy - 14/12/2020 16:23
 
Vĩnh Hoàn, cái tên không xa lạ với các cuộc M&A, nhiều khả năng đã hoàn tất mua lại cổ phần Sa Giang từ SCIC trong tháng cuối năm này.

Chuyển động mới tại Sa Giang sau đợt chào bán cạnh tranh

HĐQT CTCP Sa Giang (mã SGC) vừa họp và quyết định tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020. Nội dung chính của cuộc họp xoay xung quanh câu chuyện bổ sung thay thế nhân sự của HĐQT nhiệm kỳ năm 2019-2023.

Cuộc họp tổ chức vào 15/1 năm sau tại trụ sở công ty ở Đồng Tháp. Danh sách cổ đông tham dự sẽ được chốt vào ngày 31/12/2020. Động thái mới này tại Sa Giang nhiều khả năng là bước đi tiếp theo khi cơ cấu cổ đông tại doanh nghiệp chế biến thực phẩm này có sự thay đổi lớn.

Tròn một tuần trước, phiên đấu giá cổ phần SGC do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trên sàn HoSE đã phải hủy bỏ. Lý do bởi chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia đấu giá là CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC).

Tại đợt bán vốn này, SCIC lựa chọn thực hiện bán vốn theo phương thức chào bán cạnh tranh công khai. Khác với hình thức đấu giá công khai (đã được thực hiện trong lần bán vốn đầu tiên thực hiện hồi tháng 7/2019, theo quy chế, tổng công ty sẽ thực hiện bán thỏa thuận trực tiếp cho nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ và thực hiện đầy đủ các thủ tục tham dự phiên chào bán cạnh tranh. Hai bên sẽ thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng vốn trước 17h ngày 8/12.

Trong ngày 8/12 – cũng là thời điểm sàn HoSE công bố hủy đợt đấu giá công khai, Nghị quyết HĐQT do  HĐQT Vĩnh Hoàn ban hành đã thông qua phương án mua cổ phần SGC từ SCIC. Giá chuyển nhượng được phía công ty cho biết là 97.500 đồng/cổ phiếu, bằng mức giá khởi điểm của phiên đấu giá.

Nhiều khả năng giao dịch chuyển nhượng cổ phần sẽ được thực hiện từ nay đến cuối năm. SCIC đã đăng ký bán cổ phần SGC từ 8/12 đến 31/12. Trong trường hợp này, Vĩnh Hoàn sẽ kịp nắm quyền cổ đông để tham dự cuộc họp bất thường tới.

Trước đây, một số tổ chức cá nhân cũng từng đánh tiếng mua cổ phần của Sa Giang. Phải đến lần  đăng ký bán vốn thứ hai này, Vĩnh Hoàn mới lộ diện. Ngoài giao dịch trên của SCIC, hiện chưa có thêm thay đổi khác trong cơ cấu cổ đông của Sa Giang. Cổ đông lớn thứ 2 của Sa Giang là bà Trần Thị Thanh Thúy (sinh năm 1965) với tỷ lệ sở hữu cổ phần là 21,08%. Bà Thúy tốt nghiệp đại học Bách khoa ngành Hóa thực phẩm và đang giữ vị trí phó tổng giám đốc công ty TNHH Thiên Minh Phúc, thành viên HĐQT công ty Cao su Y tế. Ông Lê Văn Phúc, chồng bà Thúy là CEO của Thiên Minh Phúc – một công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì. Ông cũng là cổ đông sở hữu 2,26% vốn và từng nằm trong HĐQT của Sa Giang.

Toan tính của Vĩnh Hoàn

Số tiền Vĩnh Hoàn chi ra cho thương vụ này là gần 348 tỷ đồng, tương đương 4,97% tổng tài sản. Doanh nghiệp ngành cá tra này vốn không xa lạ với các thương vụ M&A. Năm 2017, Vĩnh Hoàn đã mua lại 100% cổ phần CTCP Thủy sản Thanh Bình Đồng Tháp để tăng năng lực sản xuất. Sau đó một năm, công ty tiếp tục mua lại  một nhà máy chế biến để thành lập công ty Vĩnh Phước. M&A là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình mở rộng quy mô của doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa sản phẩm là một chiến lược được Vĩnh Hoàn tập trung thực hiện. Bên cạnh dòng sản phẩm cá fillet truyền thống, đóng góp khoảng 69% doanh thu, sản phẩm phụ như bột cá, mỡ cá, vi cá, bong bóng cá cũng góp được 13% doanh thu. Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn còn sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng như cá tẩm bột, xiên que… hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe gồm collagen và gelatin. Thương vụ M&A Sa Giang - một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm chế biến và cùng ở Đồng Tháp cũng gợi mở những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Ngoài đầu tư tài chính vào các công ty, Vĩnh Hoàn còn là một nhà đầu tư tổ chức F0 tiêu biểu, tham gia vào thị trường chứng khoán trong năm 2020 để kiếm lợi nhuận chênh lệch. Như tại thời điểm cuối quý II, danh mục cổ phiếu do Vĩnh Hoàn đầu tư có giá trị gần 194 tỷ đồng. Sau khi “chốt lời” một phần, giá trị danh mục đầu tư thu hẹp còn 118 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng ghi nhận khoản lãi kinh doanh gần 37 tỷ đồng, bù đắp một phần sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh chính.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 5.152 tỷ đồng, chỉ giảm gần 10%. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận gộp rơi sâu, Vĩnh Hoàn chỉ còn lãi ròng gần 552 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu rơi sâu từ 10.139 đồng xuống còn 3.032 đồng.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Vĩnh Hoàn cũng phải đề ra hai kịch bản cho kế hoạch kinh doanh năm nay. Ở kịch bản thận trọng với 6.450 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận, công ty đã hoàn thành lần lượt 80% và 69%. So với kế hoạch lạc quan, doanh nghiệp cá tra này hoàn thành 52% mục tiêu.

Quý III/2020: Vĩnh Hoàn kinh doanh gặp khó, tiếp tục lấy tiền đi đầu tư chứng khoán
Tính tới 30/09/2020, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) có tổng 129,5 tỷ đồng giá trị thị trường đầu tư vào cổ phiếu và các khoản đầu tư khác.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư