Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Vĩnh Long cam kết cao nhất với nhà đầu tư
Phú Khởi - 25/11/2013 16:12
 
Trao đổi với phóng viên Báo đầu tư điện tử - baodautu.vn bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Vĩnh Long 2013), ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định, Diễn đàn là cơ hội để các tỉnh, thành phố trong khu vực giới thiệu tiềm năng, đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư. >>> Trao hàng chục giấy chứng nhận đầu tư vào ĐBSCL >>> Kích hoạt tiềm năng Vùng đBSCL
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, là đơn vị chủ nhà, Vĩnh Long đã có chuẩn bị như thế nào để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới?

Vĩnh Long luôn xác định quy hoạch phải đi trước một bước để thu hút đầu tư. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật.

Vĩnh Long cam kết cao nhất với nhà đầu tư

Đến nay, tỉnh có 2 khu công nghiệp (KCN) là Hòa Phú và Bình Minh, cùng tuyến công nghiệp Cổ Chiên đã đi vào hoạt động. Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Hòa Phú giai đoạn II với diện tích 129 ha.

Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch và định hướng phát triển mới 3 KCN, gồm: Bình Tân tại xã Thành Lợi, huyện Bình Tân; Đông Bình tại 2 xã Đông Bình và Đông Thành (huyện Bình Minh); An Định tại xã An Phước (huyện Mang Thít) và 13 cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố với tổng diện tích 1.600 ha.

Tỉnh đã và đang tiến hành xây dựng các khu trung tâm thương mại, dịch vụ, đô thị tại các phường 2, 4, 8, 9 và trung tâm thương mại tại các huyện…, nhằm tạo cơ hội đầu tư sinh lợi cho nhà đầu tư và vực dậy tiềm năng phát triển của địa phương trong những năm tiếp theo.

Những dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng khu - cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại dịch vụ được xem là những dự án trọng điểm mà tỉnh đang tập trung ưu tiên mời gọi đầu tư.

Vĩnh Long cũng đặc biệt xem trọng việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn và tin cậy cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo phương châm “một cửa, tại chỗ” thân thiện, thông thoáng, minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại địa phương.

Ông cho biết cụ thể chính sách khuyến khích và hỗ trợ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn?

Với tinh thần dành những ưu đãi tốt nhất cho nhà đầu tư khi đến thực hiện dự án tại địa phương, tỉnh đã nghiên cứu vận dụng để xây dựng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng trong khuôn khổ cho phép ở tất cả các ngành kinh tế, như chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề tại khu vực nông thôn…

Trong đó, thể hiện rõ nhất chính là sự mạnh dạn đổi mới cải cách thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý…

Chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư của địa phương luôn được cập nhật chính sách ưu đãi mới từ Chính phủ, nghiên cứu sửa đổi chính sách ưu đãi theo hướng ngày càng thuận lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể, ngày 19/8/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định 07/2013/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư (thay thế Quyết định 05/2008/QĐ-UBND ngày 31/1/2008). Theo đó, có những chính sách ưu đãi tốt hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nước.

Trích quyết định 07/2013/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Long về chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư

1. Hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư:

Hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước:

+ Hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/dự án chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư (khi dự án hoàn thành khối lượng xây dựng đạt 50% trở lên), nếu đầu tư vào ngành nghề thuộc danh mục lĩnh vực hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư.

+ Hỗ trợ tối đa 250 triệu đồng/dự án khi triển khai thực hiện các

dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao (không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị công nghệ).

Hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài:

Tối đa 500 triệu đồng/dự án chi phí lập các hồ sơ, thủ tục cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chi phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng và lập dự án đầu tư và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (khi dự án hoàn thành khối lượng xây dựng đạt 50% trở lên), nếu đầu tư vào ngành nghề thuộc danh mục lĩnh vực hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư.

2. Hỗ trợ công tác thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng:

Nhà đầu tư sẽ được UBND cấp có thẩm quyền hỗ trợ trong việc xác định và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, tái định cư theo chính sách chung. Nhà đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí

bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Riêng kinh phí tổ chức thực hiện công tác

đền bù do ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho nhà đầu tư.

3. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông đối với các dự án đầu tư ở bên ngoài các khu công nghệ cao, khu, cụm công nghiệp.

4. Hỗ trợ xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở bên ngoài đối với các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đến hàng rào các khu công nghệ cao, KCN và cụm công nghiệp.

5. Hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

Hỗ trợ 10% chi phí giải phóng mặt bằng hoặc chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghệ cao, KCN và hỗ trợ 20% chi phí giải phóng mặt bằng, hoặc chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật đối với cụm công nghiệp, nhưng tối đa không được vượt quá 50% mức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật theo từng thời điểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư