Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vĩnh Phúc: Phát triển KTXH toàn diện trên 3 trụ cột, lấy con người làm trung tâm
Mai Phương - 01/07/2020 11:17
 
Bảo đảm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội dựa trên 3 trụ cột quan trọng là mục tiêu nhất quán trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững của tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ 2015-2020.
.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, đây cũng là quyết tâm của Đảng bộ cũng như các cấp chính quyền tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

.
Vĩnh Phúc thực hiện nhất quán 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm phát triển kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người và đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường.   .

Thưa Bí thư, trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công tác đổi mới lãnh đạo của Đảng bộ, góp phần tạo nên những chuyển biến mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020. Bà có thể chia sẻ một số điểm nhấn trong nhiệm kỳ để tạo nên những bước chuyển biến tích cực này? 

Mục tiêu của cả nhiệm kỳ được quán triệt từ các cấp lãnh đạo tới tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh là phát triển kinh tế, gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Để thực hiện được mục tiêu chính trị này, quan điểm của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội là thực hiện nhất quán 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm phát triển kinh tế, an sinh, phúc lợi xã hội, hướng tới mục tiêu trung tâm là con người và đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường.   

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mà trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, bao gồm các đổi mới về mặt nhận thức và đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết.

Trước hết, về mặt nhận thức, quán triệt sâu rộng tinh thần chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không “lấn sân” hay quyết đáp các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các tầng lớp trí thức công nông, đội ngũ doanh nhân cũng đã thay đổi đáng kể, họ ý thức hơn, trách nhiệm hơn, quyết tâm hơn và đặc biệt là có khát vọng hơn. 

Về đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong  các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo. 

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng hết sức chú trọng đổi mới trong cách thức lãnh đạo tổ chức thực hiện. Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành; chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. 

Với những nỗ lực quyết tâm đổi mới của Đảng bộ chính quyền địa phương, xin bà cho biết một số chuyển biến nổi bật trong các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhiệm kỳ này?

Với sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, trong đó hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội là điểm nhấn hết sức quan trọng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra đối với toàn bộ 23 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Thu ngân sách trên địa bàn đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 28,5 nghìn tỷ và là một trong những tỉnh đứng đầu miền Bắc về thu nội địa;

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao từ 30-54% tùy từng lĩnh vực, thay thế dần mức độ phụ thuộc vào các ngành công nghiệp lớn như ô tô, xe máy, vốn là thế mạnh của tỉnh trong những năm trước. Thu hút đầu tư tăng mạnh, tính đến nay, tỉnh đã triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn là SUMITOMO (250 ha), Bá Thiện 2 (247ha), KCN Đồng Sóc (75 ha) và thu hút được các nhà đầu tư rất lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan như BH flex, Inter flex, Compal, Fuchuan. Cho chủ trương 4 KCN lớn nữa như : Nam Bình xuyên, Thái hòa Liễn sơn, Lập thạch 1, 2, KCN Sông lô… Đồng thời triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn gồm Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cụm công nghiệp, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với thành phố Vĩnh Yên. 

Bên cạnh đó tỉnh cũng đảm bảo thực hiện công tác An sinh xã hội với việc xây dựng 2 bệnh viện với quy mô lớn, hiện đại của tỉnh, 5 bệnh viện tuyến huyện và thành phố và 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn, xây dựng hơn 1.000 phòng học Mầm non, hoàn thiện và nâng cấp hàng trăm trường Tiểu học, Trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn, hóa, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hiệu lực bộ máy cũng đạt được những kết quả quan trọng với việc hoàn thành sắp xếp giảm bớt 91 đơn vị sự nghiệp trên toàn tỉnh. 

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu phát triển KTHX trong nhiệm kỳ, song Tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhận thức rõ hình hình KTXH trong nước và ngoài nước còn có nhiều biến động khó lường có thể tác động tới thực hiện mục tiêu phát triển của địa phương.

Trong khi đó, thời gian còn lại của nhiệm kỳ đang dần rút ngắn và tính bằng ngày. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền Vĩnh Phúc xác định không được chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được, cần nỗ lực hơn nữa tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa tỉnh vượt qua sự trì trệ, phát triển nhanh, bền vững. Điều này đòi hỏi toàn bộ các cấp các ngành Vĩnh Phúc phải tiếp tục đổi mới thật sự tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thay đổi căn bản hệ tư tưởng cũ trì trệ, lạc hậu, đổi mới cách nghĩ cách làm để tạo động lực mới cho sự phát triển bứt phá của tỉnh. 

Là một trong những địa phương chịu nhiều tác động từ diễn biến phức tạp của dịch Covid tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay, Vĩnh Phúc đã có những giải pháp gì để kịp thời kiểm soát dịch cũng như duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, thưa Bí thư? 

Thực tế, Vĩnh Phúc được Trung ương và người dân cả nước đánh giá rất cao về công tác chống dịch Covid-19. Tỉnh cũng được ghi nhận là đã sớm chủ động đề ra các giải pháp phát triển kinh tế đặc thù trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đặc biệt là có các cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người dân ổn định cuộc sống. Dù vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ kép là chống dịch song hành với phát triển kinh tế xã hội cho thấy kết quả thu được còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải kịp thời có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả.

Xét về mức độ ảnh hưởng, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, khiến nhiều chỉ tiêu không đạt hoặc có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra, tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế địa phương. Trong đó một số nội dung quan trọng như thu – chi ngân sách, thu hút đầu tư, đầu tư công… bộc lộ nhiều vấn đề nan giải, cần khẩn trương có hướng giải quyết.

Đây cũng là những vấn đề cấp thiết được tỉnh đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy KTXH năm 2020 diễn ra mới đây. Tại Hội nghị, Đảng bộ và các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã thống nhất mục tiêu nhất quán và kiên định của địa phương là tiếp tục duy trì, đảm bảo thực hiện tốt việc phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch Covid-19; đảm bảo công tác an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục duy trì sức căng chống dịch Covid; không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thờ ơ, thỏa mãn hay chùng xuống, đứng ngoài hay lợi dụng việc chống dịch để thực hiện các  mưu cầu lợi ích cá nhân. Đặc biệt, tỉnh sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng phát triển.

Theo tinh thần định hướng quan điểm chỉ đạo này, tỉnh sẽ tập trung cao độ để nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thẩm định dự án ở các sở; kiên quyết cho thu hồi các dự án chậm triển khai; kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án; xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn.

Đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu cụm công nghiệp, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển kinh tế xã hội; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn, bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về thuế.

Công tác cán bộ cũng đặc biệt được chú trọng. Bên cạnh việc thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra-kiểm tra công vụ; đẩy mạnh kiểm soát trách nhiệm thực thi; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, thờ ơ, vô cảm với công việc. Sẵn sàng điều chuyển những vị trí không đảm đương được công việc được giao.

Đầu tư 250 tỷ đồng mở rộng, chỉnh trang tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc
Sau khi hoàn thành việc mở rộng, chỉnh trang, tuyến đường trục Bắc – Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 - TP Vĩnh Yên đến nút giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư