Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vitas đề xuất giảm tiền thuê đất, giảm giá điện, phí dịch vụ cảng biển
Thế Hải - 20/08/2021 15:14
 
Vitas đề xuất giảm chi phí dịch vụ cảng biển, giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021, giảm tiền thuê đất 50% tại địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN
Cắt giảm chi phí cảng biển, giảm giá điện, dừng thu phí công đoàn...là những kiến nghị của Vitas nhằm hỗ trợ DN dệt may vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc “góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19”.

Theo công văn 147/2021/VITAS-CS, Vitas cho rằng, cần hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp. Các loại phí cần cắt giảm là giảm phí hạ tầng cảng biển, giảm giá điện, hạ tầng khu công nghiệp.

Vitas đề xuất, thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022; TP.HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022.  

"Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1/1/2017 đến nay với số tiền rất lớn, mà Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để “cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư”. Còn TP.HCM là trung tâm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Nam nhưng hầu hết đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do dịch bệnh bùng phát", ông Cẩm nêu.

Vitas cũng đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp dệt may cho đến hết năm 2021. Đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dừng thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022; miễn đóng đến 31/12/2021 cho các doanh nghiệp đóng tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Trong khi số tiền kết dư hiện tại của hai quỹ Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp đang còn quá lớn, theo công bố đến nay là 935.100 tỷ đồng, mà doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải dừng và giảm nộp 1 năm để “cứu” doanh nghiệp trong lúc này.

Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp, Vitas kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022.

"6 tháng đầu năm 2021, rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ 2020 trong khi các doanh nghiệp thực sự rất khó khăn", Vitas nêu.

Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp hôm 8/8, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành dệt may vào thế đặc biệt khó khăn. Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do phải ngừng sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, có doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh có 19 nhà máy đều phải tạm dừng sản xuất. 

Trong 7 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu hơn 22 tỷ USD, trong khi mục tiêu toàn ngành đề ra hồi đầu năm ở kịch bản cao là 39-39,5 tỷ USD cho cả năm nay. Ông Giang cho biết, nếu dịch vẫn chưa thể kiểm soát được, thì khả năng xuất khẩu toàn ngành trong năm 2021 chỉ có thể đạt 32,5 - 33 tỷ USD. 

Chính phủ sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
Bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả,… là những giải pháp sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư