Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
VMG Media trước nguy cơ mất thanh khoản
Khắc Lâm - 16/01/2022 13:08
 
Phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore vừa đưa ra trong vụ kiện với GPS/UCT khiến tương lai của CTCP Truyền thông VMG (VMG Media) sẽ gặp nhiều khó khăn cả về tài chính lẫn kinh doanh.
Tòa nhà văn phòng của Công ty VMG Media tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Nguy cơ lỗ lớn và mất thanh khoản

Ngày 30/12/2021, CTCP Truyền thông VMG (VMG Media, mã chứng khoán ABC) đã công bố Phán quyết số 110/2021 của Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore cho vụ tranh chấp số 186/2019 giữa Global Payment Server/UTC Investment (GPS/UTC) và VMG Media.

Theo nội dung phán quyết, VMG Media đã vi phạm một số bảo đảm theo hợp đồng, vi phạm một số cam kết đã thỏa thuận và vi phạm khi đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về hoạt động của Epay trong hợp đồng bán cổ phần của CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) cho GPS/UTC.

Cũng theo phán quyết này, VMG Media có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền tương đương 626 tỷ đồng tại thời điểm ngày 21/10/2021. Cùng với đó, VMG Media phải chịu mức lãi suất 5,33% cho khoản bồi thường kể từ ngày 21/10/2021 cho tới thời điểm thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường cho GPS/UTC.

GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC. Cả hai tổ chức này đều có trụ sở ở Hàn Quốc. GPS và UTC đã khởi kiện VMG Media liên quan tới thương vụ mua bán cổ phần tại EPay vào tháng 11/2016.

Cụ thể, tháng 11/2016, VMG Media đã đạt được thỏa thuận bán lại toàn bộ 62,25% cổ phần tại CTCP Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) cho Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc. Đến cuối tháng 5/2017, UTC đã hoàn tất mua lại cổ phần từ VMG và các cổ đông thiểu số để sở hữu 65% của VNPT Epay. Theo báo cáo tài chính được VMG Media công bố sau đó, Công ty đã thu về 519 tỷ đồng từ thương vụ này, qua đó ghi nhận khoản lãi từ thanh lý khoản đầu tư hơn 419,3 tỷ đồng vào doanh thu tài chính trong quý II/2017.

Thương vụ mua lại VNPT Epay của UTC Investment nằm trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam năm 2016-2017. Nhưng sau đó, các quỹ ngoại cho rằng, VMG Media đã phản ánh không trung thực và chính xác về tình hình tài chính của Epay, hoạt động của Epay bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật, do đó, đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua cổ phần của của doanh nghiệp.

Sau khi có quyết định của trung tâm trọng tài quốc tế, VMG Media sẽ còn phải tuân theo các bước công nhận/bác bỏ bản án tại Việt Nam. Trong giả định bản án được công nhận hoàn toàn, bức tranh tài chính của VMG Media sẽ đứng trước một số rủi ro lớn.

Thứ nhất, nguy cơ lỗ lớn do hạch toán khoản tiền bồi thường này. Thực tế rủi ro phát sinh các nghĩa vụ tài chính từ vụ tranh chấp với GPS/UTC đã được VMG Media dự kiến trước và có sự chuẩn bị. Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, VMG Media cũng đã trích lập dự phòng 209,56 tỷ đồng căn cứ vào kết quả tư vấn của một công ty luật.

Với số tiền bồi thường theo phán quyết chính thức lớn hơn nhiều so với giá trị dự phòng đã trích lập, VMG Media nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục ghi nhận khoản chi phí cho phần chênh lệch này, làm lợi nhuận giảm tương ứng.

Thứ hai, hiện hữu rủi ro mất thanh khoản khi tiến hành thanh toán theo phán quyết. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VMG Media đến cuối quý III/2021, số tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng các loại là 186 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn 129 tỷ đồng khoản tiền đầu tư trái phiếu. Tổng giá trị các khoản mục này mới tương ứng 50% nghĩa vụ tài chính công ty phải trả. Dù công ty còn 238 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và một số khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác, nhưng rõ ràng, với số tiền lớn so với quy mô tổng tài sản, nguồn vốn, việc chi trả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực tài chính của Công ty.

Để giải toán bài toán dòng tiền, VMG Media có thể tìm đến phương án phát hành tăng vốn. Tuy vậy, với việc đang thua lỗ lũy kế, việc chào bán cho cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng khó có thể thực hiện, trong khi việc chào bán riêng lẻ cũng khó do sẽ pha loãng sở hữu của cổ đông nhà nước là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông - cổ đông lớn nhất tại VMG Media hiện nay.

Bức tranh kinh doanh u ám

Đi vào hoạt động từ tháng 2/2006, VMG Media hiện là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nhệ số, như dịch vụ SMS cho doanh nghiệp, phân tích dữ liệu cho các nhà mạng... Trong đó, mảng SMS Branchname đóng góp khoảng 60% doanh thu và 35% lợi nhuận. Ngoài Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Công ty còn 2 cổ đông lớn là NTT Docomo Inc (24,5%) và Yellow Star Investment 6 Pte. Ltd (22%).

Sau thương vụ thoái vốn VNPT Epay năm 2017, mặc dù đem về nguồn tiền dồi dào, cấu trúc tài chính mạnh, nhưng những hoạt động của Công ty sau đó chưa có định hướng nào khả quan trong hoạt động kinh doanh, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính hầu như không đáng kể.

Với thực tế như ông Trần Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm vừa qua là “hầu hết các dịch vụ của VMG Media đều là dịch vụ già, đang ở cuối vòng đời, thị trường ngày càng bị thu hẹp, tỷ trọng lãi gộp các dịch vụ giảm dần theo thời gian, trong khi cấu trúc chi phí của Công ty đã ổn định, chi phí cố định cao, dẫn đến việc dễ bị tổn thương khi cạnh tranh về giá bán”, cộng thêm áp lực tài chính từ vụ kiện với GPS/UC mà Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore vừa ra phán quyết, tương lai của Công ty sẽ rất khó khăn cả về tài chính lẫn kinh doanh.

 

Theo báo cáo tài chính của VMG Media, tính đến ngày 30/9/2021, Công ty có tổng tài sản 831 tỷ đồng, trong đó, quy mô vốn chủ sở hữu là 373,4 tỷ đồng. Như vậy, số tiền bồi thường (chưa tính lãi) đã gấp 1,68 lần quy mô vốn chủ sở hữu và tương đương 75,3% tổng tài sản của Công ty đến cuối quý III/2021.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư