Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
VN-Index chùn chân trước ngưỡng 1.050, khối ngoại kiên định mua ròng
Thanh Thủy - 10/01/2023 17:20
 
VCB tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tuy vậy, khác với phiên hôm qua, chỉ số chung không thể giữ được sắc xanh, có thời điểm rơi xuống dưới mốc 1.050 điểm trong phiên.

Cả ba chỉ số chứng khoán tiếp tục ghi nhận sự rung lắc và rơi sâu ở cuối phiên sáng. VN-Index đã có thời điểm giao dịch trên 1.045 điểm nhưng đã nhanh chóng bật lên từ mức này. VN-Index kết thúc phiên giao dịch ngày 10/1 chỉ giảm 0,08%, xuống 1.053 điểm. Tương tự, sau khi giảm cuối phiên sáng, HNX-Index bật lên tăng 0,46% và đóng cửa ở mức 210,63 điểm. Riêng chỉ số sàn UPCoM giao dịch giằng co sau khi giảm ở phiên sáng, đóng cửa ở mức 72,45 điểm, giảm 0,38% so với hôm qua.

Tâm lý thận trọng, giằng co vẫn được ghi nhận xuyên suốt phiên giao dịch. Thanh khoản có cải thiện hơn phiên liền trước với giá trị giao dịch trên ba sàn xấp xỉ 11.000 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch riêng trên sàn HoSE đạt trên 9.710 tỷ đồng, tăng 14% so với hôm qua. Cổ phiếu Hòa Phát hút mạnh dòng tiền trong phiên hôm nay với giá trị giao dịch đạt 530 tỷ đồng. Đồng thời, HPG tăng hơn 1% trong phiên. Khối ngoại là bên mua đóng góp tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị khớp lệnh của HPG. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 105 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng giải ngân mạnh vào một loạt chứng chỉ quỹ, gồm FUEVFVND (hơn 56 tỷ đồng), E1VFVN30 (39 tỷ đồng) và FUESSVFL (38 tỷ đồng). Khối ngoại cũng gom thêm khá nhiều cổ phiếu VNM, PVD, STB…

Ờ chiều ngược lại, nhóm nhà đầu tư này bắt đầu chốt lời VCB khi cổ phiếu của anh cả ngành ngân hàng liên tục tăng thời gian gần đây và giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 2/2022.

VCB tăng 0,46% hôm nay và tăng mạnh phiên hôm qua sau thông tin kết quả kinh doanh năm 2022. Tăng trưởng tín dụng của Vietcombank lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng) với mức tăng 19% so với năm 2021. Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022, các chỉ số sinh lời đểu duy trì ở mức cao (Chỉ số ROAA và ROAE lần lượt 1,84% và 24,25%).

VCB cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng chậm lại khiến “trụ cột” này không “gánh” được chỉ số chung. Top 5 cổ phiếu kéo VN-Index đi lùi là CTG, SAB, VHM, VIC, MSN. Cổ phiếu Vingroup đã giảm ba phiên liên tiếp và đang khá sát vùng đáy 5 năm (quanh 50.000 đồng).

Sau phiên giao dịch, Vietcombank tiếp tục củng cố “ngôi vương” vốn hóa, trong khi nới xa thêm khoảng cách với Vinhome khi cổ phiếu VHM quay đầu giảm 0,9%. Cùng đó, thay thế cho Vingroup, BIDV vừa vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng vốn hóa.

Dù VN-Index và UPCoM-Index đóng cửa trong sắc đỏ, só lượng mã tăng giá lại lớn hơn khá nhiều. Toàn sàn có 353 mã tăng, 46 mã tăng trần. Trong khi, chỉ có 278 mã giảm và 23 mã giảm sàn.

Việt Nam đang là điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc
Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư