Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
VN-Index điều chỉnh; Khối ngoại chưa ngừng mua; Chưa đến 100.000 tài khoản mở mới tháng qua
Tùng Linh - 11/12/2022 18:26
 
Dưới áp lực chốt lời cùng sự thận trọng trước các thông tin vĩ mô từ Mỹ tuần tới, VN-Index chưa thể vượt được ngưỡng tâm lý 1.100 điểm và điều chỉnh tuần qua.

Điều chỉnh sau 3 tuần hồi phục, VN-Index chưa thể vượt ngưỡng tâm lý 1.100 điểm

Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường đã chững lại, kết tuần với mức giảm nhẹ ở sàn HoSE và UPCoM. VN-Index đã có thời điểm tiệm cận khá sát mốc 1.100 điểm, nhưng ngay sau đó rơi sâu gần 45 điểm trong phiên 6/12) khi áp lực chốt lời tăng lên ở ngưỡng tâm lý này. Sắc xanh trở lại trong hai phiên cuối đã giúp chỉ số sàn HoSE kết tuần ở mức 1.051,8 điểm (chỉ còn giảm 2,6% so với cuối tuần tuần trước. UPCOM-Index giảm nhẹ 0,8% về mức 71,6 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng nhẹ lên mức 217,0 điểm, tăng 0,5% sv cuối tuần trước.

Bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng sự điều chỉnh thời gian qua là cần thiết trong bối cảnh thận trọng chờ đợi những thông tin vĩ mô liên quan đến lạm phát của Mỹ cũng như hành động tiếp theo của Fed về chính sách tiền tệ tuần tới. Thị trường tuần qua được hỗ trợ bởi khá nhiều thông tin tích cực như các động thái nới lỏng biện pháp phòng chống dịch tại Trung Quốc như cho người dân với triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà; quyết định nới room tín dụng cho các NHTM và bơm tiền qua kênh thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Dù là thông tin khá tích cực với ngành ngân hàng, diễn biến dòng cổ phiếu này khá phân hoá. VCB – cổ phiếu đầu tàu giúp VN-Index có được tuần bứt phá tuần trước lại là “tội đồ” góp nhiều điểm giảm nhất. Vietcombank tiếp tục giữ ngôi đầu vốn hoá nhưng giá trị thị trường của nhà băng này đã xuống dưới mốc 400.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu VCB về ngang thời điểm nửa tháng trước. Ngoài VCB, top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index còn có VHM, NVL, BID và GAS.

Ở chiều ngược lại, hai đại diện nhóm nhà băng là STB và LPB lại nằm trong top 5 cổ phiếu góp nhiều điểm tăng nhất. Sau thương vụ ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life ngày 22/11, ngân hàng này tiếp tục có sự thay đổi quan trọng về nhân sự khi chiếc ghế Chủ tịch được giao cho ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) sau khi ông Huỳnh Ngọc Huy từ nhiệm từ ngày 9/12.

Cùng đó, cổ phiếu của hai hãng hàng không HVN và VJC đều tăng giá tích cực. Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng phục hồi khá tốt. Trong khi đó, khá nhiều nhóm ngành đều giảm trong tuần điều chỉnh vừa qua. Sắc đỏ áp đảo ở nhóm ngân hàng. Trừ vài điểm sáng như LPB, STB hay HDB, các cổ phiếu khác giảm khá mạnh như BID (-4,9%), MBB (-3,2%), TCB (-1,9%) và VPB (-2,3%). Ngành Bất động sản cũng có diễn biến tương tự khi NLG (+2,9%) và KDH (+3,3%) tăng điểm trong khi khá nhiều cổ phiếu lớn điều chỉnh như VHM (-5,4%), DXG (-1,7%) hay NVL giảm 30%, tiếp tục xác lập mức đáy mới trong lịch sử giao dịch; HPX giảm gần 23%.

Khối ngoại tiếp tục giải ngân trên 4.325 tỷ đồng

Thanh khoản trên sàn HoSE tuần qua giảm so với tuần giao dịch đột biến liền trước, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Khối lượng giao dịch bình quân trên sàn HoSE vẫn vượt trên tỷ đơn vị với giá trị giao dịch bình quân đạt 17.390,07 tỷ/phiên, giảm 5,19% so với tuần trước. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt 131,01 triệu đơn vị/phiên, tăng 9,86% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.876,74 tỷ đồng, tăng 28,00% so với tuần trước.

Khối ngoại giao dịch khá tích cực trên sàn và tiếp tục có thêm lượng tiền giải ngân mua cổ phiếu. Đây đã là tuần mua ròng thứ năm liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng trên ba sàn đạt 4.325 tỷ đồng. Khối ngoại đã mua được lượng lớn cổ phiếu SSI (21,9 triệu cổ phiếu), FUEVFVND (18,9 triệu chứng chỉ quỹ).

Số tài khoản chứng khoán mở mới giảm tháng thứ 6 liên tiếp

Số liệu tài khoản chứng khoán mở mới vừa được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam cập nhật trong tuần này. Theo đó, số tài khoản giao dịch chứng khoán tăng thêm so với tháng trước là 88.695 tài khoản, giảm 8% so với tháng 10, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp sụt giảm.

Dòng tiền của khối ngoại chảy mạnh vào thị trường gần một tháng trở lại đây. Tuy nhiên, xét về số lượng nhà đàu tư nước ngoài mở mới không ghi nhận sự đột biến. Đến ngày 30/11/2022, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt hơn 6,755 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 6,74 triệu tài khoản.

Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định sửa đổi liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản

Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Thủ tướng đánh giá tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". 

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Chứng khoán APG nhận án phạt gần tỷ đồng

Ngày 5/12/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán APG. Hàng loạt các vi phạm được nêu ra với tổng mức án gần 1 tỷ đồng.

Cụ thể, UBCKNN phạt tiền 60 triệu đồng do lập, xác nhận hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác. Theo đó, công ty đã lập, xác nhận Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác về giải pháp xác thực đặt lệnh sử dụng chứng thư số, chữ ký số và xác thực đặt lệnh trong giao dịch chứng khoán trực tuyến.

APG cũng thiếu hàng loạt tài liệu buộc phải báo cáo, dẫn đến mức phạt tiền 100 triệu đồng. Cùng đó, công ty bị phạt tiền 175 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch liên quan đến số liệu tỷ lệ an toàn tài chính. Theo đó, APG báo cáo không chính xác về tỷ lệ an toàn tài chính tại các thời điểm 31/01/2022, 28/02/2022, 31/3/2022, 30/4/2022, 31/5/2022 và 30/6/2022. UBCKNN buộc công ty báo cáo thông tin chính xác theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 34 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

UBCKNN phạt APG số tiền 175 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay. Cụ thể, trong thời kỳ kiểm tra, Công ty đã cho một số khách hàng vay tiền thông qua các Hợp đồng đặt mua cổ phiếu, Hợp đồng đặt mua trái phiếu.

Liên quan đến các đợt huy động vốn của APG, công ty này đã không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ. Cụ thể, các trái chủ mua trái phiếu APGH2124001 phát hành trong năm 2021 của Công ty là 29 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Công ty không lưu giữ tài liệu về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các cá nhân này. Mức phạt đối với hành vi trên là 125 triệu đồng.

Mức phạt nặng nhất lên tới 350 triệu đồng xuất phát từ hành vi sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cụ thể, ngày 13/01/2022, Công ty hoàn thành đợt chào bán 73.153.306 cổ phiếu ra công chúng, tăng vốn điều lệ từ 731.533.060.000 đồng lên 1.463.066.120.000 đồng; tuy nhiên, các khoản giải ngân số tiền thu được từ đợt chào bán của Công ty không đúng như mục đích nêu tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 01/2021/NQ-ĐHĐCĐBT-APG ngày 6/10/2021 và Nghị quyết Hội đồng quản trị số 25/2021/NQ/HĐQT-APG ngày 11/10/2021 về việc thông qua phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Với hành vi trên, UBCK buộc Chứng khoán APG thông qua Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Điểm b khoản 8 Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Tổng số tiền mà Chứng khoán APG bị xử phạt là 985 triệu đồng.

Khối ngoại tiếp tục chuỗi mua ròng, cổ phiếu chứng khoán bứt phá
Các chỉ số chứng khoán hồi phục mạnh trong phiên sáng nhưng quay đầu giằng co sau đó. VN-Index từng có thời điểm tăng lên 1.076 điểm nhưng đóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư