Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VN-Index giảm 22 điểm, khối ngoại bán ròng mạnh SSI
Tùng Linh - 23/05/2022 17:44
 
Top 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất trên sàn đều đóng cửa trong sắc đỏ. Áp lực bán dâng cao, đặc biệt ở nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.

Sắc đỏ thắng thế

Trái với xu hướng hồi phục tuần trước, ba chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt rơi trong phiên giao dịch đầu tuần. Kết phiên, VN-Index giảm 21,9 điểm (-1,77%) xuống 1.218,81 điểm. HNX-Index giảm 6,36 điểm (-2,07%) xuống 300,66 điểm. UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,51%) xuống 93,63 điểm.

Toàn sàn có 576 mã giảm, 23 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 223 mã tăng và 15 mã tăng kịch biên độ và 788 mã đứng giá tham chiếu. Số mã giảm nhiều gấp hơn 2 lần số mã tăng.

Chứng khoán Việt Nam rơi sâu phiên 23/5
Chứng khoán Việt Nam rơi sâu phiên 23/5

Cổ phiếu vốn hoá lớn thậm chí giảm sâu hơn. Không cổ phiếu nào trong nhóm 10 doanh nghiệp có quy mô vốn hoá lớn nhất trên sàn đóng cửa trong sắc xanh. Trên sàn HoSE, VN30-Index giảm tới 2,12%, trong khi hai chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ là VNMid-Index giảm 1,88% và VNSML-Index giảm 1,18%.

Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index là VPB, BID, BCM, MSN, CTG hay VCB. Cổ phiếu VPBank đóng cửa tại giá 29.300 đồng/cổ phiếu - mức gần thấp nhất trong phiên và góp 1,49 điểm giảm cho chỉ số chung. BVH, DCM, BHN, PGV, IDI nằm trong top đầu cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index. Tuy nhiên, các cổ phiếu tăng giá không giúp chỉ số chung cải thiện nhiều.

Tương tự, trên sàn HNX, các cổ phiếu nhóm tài chính, bất động sản dẫn dắt đà giảm của chỉ số. Riêng SHS giảm 7,47% đã góp gần 1,3 điểm giảm trong tổng mức giảm 6,36 điểm của chỉ số chung.

SHS cũng là cổ phiếu chứng khoán giảm sâu nhất. Dòng chứng khoán đã có một phiên giao dịch tiêu cực, sau tuần hồi phục liền trước. Sắc đỏ phủ gần như toàn bộ các cổ phiếu chứng khoán, riêng SSI và HCM đóng cửa “xanh lơ” do giảm kịch biên độ (gần 7%). Trong nhóm tài chính, cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá; riêng cổ phiếu bảo hiểm ngược dòng với sự vươn lên của BVH (+1,2%), MIG (+3,25%) hay BIC (+1,14%).

Khối ngoại bán ròng mạnh SSI

Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức khá thấp nhưng đã khá hơn trong phiên chiều, nhất là khi chỉ số xuống giao dịch ở mức thấp nhất phiên. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt trên 15.900 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giá trị giao dịch sàn HoSE đạt 13.333 tỷ đồng, tăng 7%.  

SSI là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với giá trị chuyển nhượng xấp xỉ 840 tỷ đồng. Cổ phiếu công ty chứng khoán này đã gảim liên tục trong phiên và đóng cửa giảm kịch biên độ. SSI cũng là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất.

Khối ngoại đã thu về tổng cộng 359 tỷ đồng từ phiên bán ròng hôm nay. Trong đó, gần một nửa là từ bán ròng cổ phiếu SSI (155 tỷ đồng). Một số cổ phiếu khác cũng bị bán ròng mạnh là VIC (80 tỷ đồng), VNM (50 tỷ đồng) hay HPG (48 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF dựa theo rổ chỉ số VNDiamond được mua vào nhiều nhất với giá trị giải ngân ròng gần 83 tỷ đồng. Cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng được khối ngoại mua 80 tỷ đồng. Đây đã là phiên thứ 6 liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài gom thêm cổ phiếu này. Giá cổ phiếu BSR cũng ngược dòng thị trường tăng 30% sau 6 phiên tăng liên tục từ ngày 13/5 tới nay. DPM và DCM cùng nằm trong tầm ngắm giải ngân của khối ngoại với giá trị mua ròng lần lượt là 51 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyện gì đã xảy ra với Chứng khoán Kenanga Việt Nam?
Chứng khoán Kenanga Việt Nam hiện không phải thành viên giao dịch tại cả hai sở giao dịch chứng khoán.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư