Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
VN-Index lọt top 3 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất tuần, dòng tiền khối ngoại trở lại
Thanh Thủy - 01/08/2021 08:10
 
VN-Index nằm trong top ba các chỉ số chứng khoán tăng điểm tốt nhất tuần qua. Trong khi nhiều thị trường chứng khoán châu Á như Hồng Kông, Thượng Hải hay Phillipines đã có một tuần giao dịch tiêu cực.

Bật tăng mạnh mẽ, VN-Index chinh phục ngưỡng 1.300 điểm

Sắc xanh bao phủ trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong cả tuần qua. VN-Index và UPCoM-Index đóng cửa tăng điểm 5/5 phiên, riêng sàn HNX giảm nhẹ trong phiên đầu tuần.

Diễn biến hồi phục trên được xem là khá bất ngờ bởi mới tuần liền trước, các chỉ số đều giao dịch giằng co và có những phiên điều chỉnh rất mạnh. VN-Index đã tăng tổng cộng 41,22 điểm, tương đương mức tăng 3,25%, nhờ đó vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh và đóng cửa ở mức 1.310,05 điểm. HNX-Index tăng tới 4,33% và tiến sát mốc 315 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 3,03%.

Không chỉ vậy, đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam - chỉ số sàn HoSE còn đứng trong top ba các chỉ số chứng khoán tăng điểm tốt nhất tuần qua. Trong khi đó, nhiều thị trường chứng khoán châu Á như Hồng Kông, Thượng Hải hay Phillipines đã có một tuần giao dịch tiêu cực và nằm trong top giảm điểm mạnh nhất.

.
Các thị trường chứn g khoán tăng/giảm mạnh nhất tuần qua - Nguồn: StockQ

Các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng, đóng góp đáng kể trong tuần hồi phục này. Cổ phiếu MSN của Masan tăng 12,6%, xác lập đỉnh giá mới ở mức 134.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là đầu tàu kéo tăng trưởng chỉ số. Hai trong ba cổ phiếu chuẩn bị gia nhập rổ VN-30 là GVR và ACB cũng tăng lần lượt tới 8,7% và 9,5% trong tuần giao dịch cuối của kỳ đảo danh mục. Ngoài ACB, nhóm ngân hàng có góp tới 4 gương mặt khác trong top 10 tác động tích cực lên chỉ số gồm VPB, TCB, MBB và VCB. Tương tự, SHB và NVB cũng là đầu đầu kéo HNX-Index bật tăng mạnh tuần qua.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM dù đã giao dịch tích cực ở tuần điều chỉnh của thị trường nhưng lại nhanh chóng đánh mất “hào quang” khi sắc xanh phủ rộng trên thị trường. Giá cổ phiếu ông lớn ngành sữa đã giảm 1,7% và là cổ phiếu “ghìm” chân thị trường nhiều nhất.

Thị trường hồi phục mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang diễn biến xấu khi số ca nhiễm mới vẫn có ngày trên 8.000 ca. Nhưng bên cạnh đó, một thông tin tích cực cho cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán là Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là kết quả sau các nỗ lực đàm phán, mà gần nhất là Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khối ngoại mua ròng hơn 723 tỷ đồng

Dù tăng rất tích cực về điểm số, thanh khoản của thị trường mới chỉ cải thiện mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Trung bình tuần qua, giá trị giao dịch trên HoSE đạt 17.157 tỷ đồng, giảm 6,82% so với tuần trước. Riêng phiên 28/7, giá trị khớp lệnh ở sàn này đã tụt còn 13.064 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Đánh giá về hiện tượng “tụt sâu” của thanh khoản khi so sánh với giao dịch sôi động trong nửa đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Rồng Việt, cho rằng đây là điều hợp lý khi các nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài quan sát bởi tình hình dịch bệnh phức tạp hiện tại và tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực trong quý III. “Nếu nhìn tiêu cực, bên mua không dám mua, nhưng nhìn ở góc độ tích cực cho thấy, bên bán cũng không muốn bán, mà chờ vào sự ổn định của nền kinh tế", bà Lam cũng nêu.

Điểm tích cực là VN-Index đã bật tăng mạnh khi rơi xuống ngưỡng 1.250 điểm cuối tuần trước. Theo bộ phận phân tích của VCBS, điều này cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy. Cùng đó, lực cầu hấp thụ cổ phiếu lại tăng mạnh ngay cả khi VN-Index trở lại chinh phục mốc 1.300 điểm. Thanh khoản đã đồng loạt tăng ở cả ba sàn, giúp chứng khoán Việt Nam lại có thêm một phiên giao dịch trên 1 tỷ USD – điều khá hiếm trong cả tháng 7 vừa qua.

Cùng đó, khối ngoại còn mua ròng trở lại hơn 723 tỷ đồng trong tuần cuối tháng 7. Có tới 10 cổ phiếu được giải ngân ròng trên 50 tỷ đồng tuần qua. Trong đó, cổ phiếu AGG của Bất động sản An Gia bất ngờ được mua tới  377 tỷ đồng, chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận trong phiên 27/7.  Một cổ phiếu khác cũng bất ngờ được mua ròng khối lượng lớn VEA của VEAM với giá trị mua hơn 62 tỷ đồng. Cùng đó, nhiều cổ phiếu của các ông lớn ngành tài chính, bất động sản cũng được các nhà đầu tư nước ngoài tập trung giải ngân như Novaland, MSB, SSI, VietinBank, Sacombank, Vinhomes…

Thông tin tích cực từ việc Mỹ không ban hành biện pháp hạn chế thương mại nào với hàng hóa Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những lo ngại của khối ngoại và kéo dòng vốn này trở lại với chứng khoán Việt Nam.

Thanh khoản trên sàn chứng khoán tụt sâu, có đáng lo?
Tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực ở quý III khi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng bởi dịch khiến nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư