Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
VN-Index rung lắc mạnh hơn, nhiều cổ phiếu ngân hàng tích cực vượt vùng đỉnh
Hải Trần - 21/02/2024 19:29
 
Dù điểm số không có quá nhiều thay đổi so với phiên trước nhưng chỉ số VN-Index phiên nay ghi nhận rung lắc mạnh hơn, trong đó phân hóa mạnh ở nhóm vốn hóa lớn là nguyên nhân khiến chỉ số chậm lại.

Sau 7 phiên liên tiếp tăng điểm hướng đến vùng kháng cự đỉnh cũ tháng 08, 09/2023 quanh 1.235 điểm -1.255 điểm, VN-index bắt đầu chịu áp lực rung lắc mạnh khi đầu phiên điều chỉnh rung lắc về vùng giá quanh 1.220 điểm và phục hồi tích cực trở lại khi lực cầu vẫn xoay vòng tốt sang các mã ngân hàng.

Kết phiên VN-index giảm nhẹ 0,02 điểm về mức 1.230,04 điểm. HNX-index tăng 0,35 điểm (+0,15%) lên mức 233,84 điểm. Áp lực bán tăng mạnh hơn khiến cho độ rộng nghiêng về tiêu cực với 352 mã giảm giá (04 mã giảm sàn), 320 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 122 mã giữ giá tham chiếu.

Tuy nhiên, dù áp lực bán đã xuất hiện mạnh hơn trong phiên nay, nhưng lực cầu tham gia mua khi thị trường nhúng xuống cũng đã xuất hiện. Điều này cho thấy sự cân bằng giữa 2 bên mua bán trong phiên giao dịch hôm nay.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 23.969 tỷ đồng, tăng 4,9% so với phiên trước, trên mức trung bình. Thị trường phân hóa mạnh hơn khi dòng tiền vẫn đang luân chuyển giữa các mã/nhóm mã.

Phát biểu kết luận Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện nay nền kinh tế đang có xu hướng ổn định và có một số tín hiệu tích cực, bởi vậy, ít nhất trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay. Trong quý I/2024 sẽ công bố kéo dài Thông tư 02/20 23/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Nhấn mạnh quan điểm điều hành xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là duy trì chính sách tiền tệ ổn định nhưng không cố định mà điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh đã phân hóa tích cực trở lại với nhiều mã có diễn biến tăng giá tích cực vượt vùng đỉnh gần nhất, thanh khoản gia tăng mạnh, nổi bật như TPB (+4,00%), STB (+2,61%), VAB (+2,50%)... trong khi đa số vẫn tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức trung bình.

Sự trở lại dù phân hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giữ nhịp thị trường khi các cổ phiếu VIC (-2,58%), VHM (-2,49%)... chịu áp lực điều chỉnh sau những phiên tăng mạnh.

Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau phiên giao dịch khá tích cực trước đa số chịu áp lực điều chỉnh VND (-1,74%), MBS (-1,10%), SSI (-0,99%)... FTS (+1,17%), VIX (+0,27%), HCM (+0,19%)...

Các nhóm ngành ngành bất động sản, KCN với FIR (+5,42%), SJS (+4,06%), KDH (+3,47%), TIP (+6,93%), VGC (+6,62%), IDV (+3,19%), BCM (+3,13%) ngành hóa chất với CSV (+6,91%), DGC (+3,04%)...săm lốp với DRC (+4,27%)..., bán lẻ với FRT (+3,4%)..

Khối ngoại gia tăng giao dịch, bán ròng trên HOSE với giá trị 7 tỉ đồng chủ yếu là chứng chỉ quỹ ETF, mua ròng khá đột biến ở một số cổ phiếu ngân hàng như STB, TPB..., bán ròng khá mạnh trên HNX với giá trị 40,36 tỉ đồng.

Nhìn chung, dưới góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường vẫn được duy trì và việc chậm lại của thị trường là hợp lý sau đà tăng mạnh trong thời gian qua. Và diễn biến rung lắc thậm chí là điều chỉnh có thể vẫn còn khả năng tái diễn nhằm củng cố hỗ trợ ngắn hạn tại 1200 điểm. Mức độ rung lắc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào bên bán, còn đà tăng có được duy trì hay không sẽ trông đợi vào bên mua đỡ lực tới đâu. Điều quan trọng là thanh khoản vẫn trên mức 20.000 tỷ đồng là tích cực, cho thấy tâ lí không quá thận trọng cũng như áp lực xả mạnh chốt lời chưa xảy ra.

Bởi vậy, đối với các cổ phiếu đang có trong danh mục vẫn có thể duy trì khi xu hướng tăng ngắn hạn chưa bị vi phạm. Bên cạnh đó, việc kết hợp tái cấu trúc và chủ động chặn ngưỡng cắt lỗ đối với danh mục cũng là hành động nên được kết hợp để tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro cũng như tối ưu hiệu suất đầu tư ngắn hạn. Còn các vị thế mua mới chỉ nên canh mua trong các nhịp điều chỉnh thay vì Fomo mua đuổi trong những phiên tăng, đặc biệt chú ý tại nhóm thu hút được dòng tiền, duy trì xu thế tăng, tạo nền giá chặt chẽ và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư