Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
VN-Index tăng gần 10 điểm nhờ cổ phiếu vốn hoá lớn, vượt 1.280 điểm
Thùy Trang - 09/10/2024 15:52
 
Dòng tiền tập trung vào các mã vốn hóa lớn như MWG, HPG, VPB, MSN giúp chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM tăng gần 10 điểm, qua đó nối dài mạch tăng phiên thứ hai và vượt mốc 1.280 điểm.

Trước khi bước vào phiên giao dịch hôm nay, một số chuyên gia cho rằng thị trường có xu hướng tiếp tục duy trì ở mức cân bằng trên vùng đệm và dần hình thành xu hướng tăng điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và chờ đợi các tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng.

Thực tế phiên giao dịch hôm nay phần nào đã chứng minh cho những dự báo này khi VN-Index mở cửa với diễn biến tương đối tích cực khi sắc xanh bao trùm thị trường. Sau giờ nghỉ trưa, nhà đầu tư bắt đầu giải ngân vào các mã vốn hoá lớn, nhờ đó chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM củng cố đà tăng. Chỉ số chốt phiên tại 1.281,85 điểm, tăng 9,87 điểm (tương đương 0,78%) so với tham chiếu.

Sàn chứng khoán TP.HCM có 255 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh, 114 mã dưới tham chiếu. Động lực tăng chính trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hoá lớn. Điều này thể hiện qua việc chỉ số đại diện cho rổ VN30 tăng gần 13 điểm so với tham chiếu. 10 mã đứng đầu danh sách những cổ phiếu tác động tích cực đến thị trường đều thuộc nhóm này.

Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.
Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.


Cụ thể, VHM trở thành động lực chính trong phiên hôm nay khi tăng 2,16% lên 42.500 đồng. Tiếp đến, HPG tăng 2,04% lên 27.500 đồng, ACB tăng 2,94% lên 26.250 đồng, BID tăng 1,12% lên 49.450 đồng, VIC tăng 1,71% lên 41.600 đồng, MSN tăng 2,39% lên 77.000 đồng. Những cổ phiếu vốn hoá lớn còn lại góp mặt trong danh sách trên là GVR, FPT, MBB và CTG.

Nhóm cảng biển cũng góp phần không nhỏ vào phiên tăng hôm nay. Cụ thể, HAH tăng 1,6% lên 42.100 đồng, DVP tăng 0,8% lên 75.700 đồng, GMD và PVT cùng tăng 0,3%, lần lượt lên 75.500 đồng và 29.300 đồng.

Nhóm phân bón ghi nhận giao dịch hứng khởi khi hầu hết đóng cửa trên tham chiếu. Trong đó, BFC tăng 2,1% lên 41.050 đồng, DCM tăng 1,9% lên 38.250 đồng, DPM tăng 1,4% lên 35.300 đồng và DGC tăng 1% lên 115.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, VCB vấp phải áp lực chốt lời mạnh khiến thị giá mất 0,55% xuống 91.000 đồng và lấy đi của VN-Index 0,67 điểm. HDB cũng là đại diện hiếm hoi của nhóm ngân hàng lội ngược dòng thị trường khi giảm 0,74% xuống 27.000 đồng. Cổ phiếu trụ nhóm thực phẩm là VNM cũng chịu áp lực xả hàng khiến thị giá mất 0,59% còn 67.800 đồng.

Thanh khoản thị trường hôm nay đạt 17.085 tỷ đồng, tăng 1.356 tỷ đồng so với phiên trước. Trái lại, khối lượng giao dịch lùi nhẹ 2 triệu đơn vị, đạt 677 triệu cổ phiếu. Rổ VN30 đóng góp khối lượng giao dịch hơn 328 triệu cổ phiếu và giá trị khớp lệnh đạt hơn 10.382 tỷ đồng. 

MWG dẫn đầu về giá trị sang tay với gần 1.339 tỷ đồng (tương ứng 20,8 triệu cổ phiếu). Những mã xếp sau lần lượt là HPG hơn 1.137 tỷ đồng (tương ứng 41,6 triệu cổ phiếu), VPB khoảng 1.000 tỷ đồng (tương ứng 49,6 triệu cổ phiếu) và MSN xấp xỉ 639 tỷ đồng (tương ứng 8,3 triệu cổ phiếu).

Khối ngoại tiếp tục kéo dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ tư liên tiếp. Nhóm này bán ra 70,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch gần 2.323 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân hơn 2.276 tỷ đồng để mua hơn 66,3 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt khoảng 46,8 tỷ đồng. 

Khối ngoại tập trung xả hàng VPB với giá trị ròng xấp xỉ 284 tỷ đồng, tiếp đến là MWG hơn 152 tỷ đồng, HDB 101 tỷ đồng và CTG 63,9 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền ngoại tập trung vào cổ phiếu HPG với giá trị ròng 237 tỷ đồng. TCB xếp tiếp theo khi hút ròng hơn 196 tỷ đồng, sau đó đến FPT hơn 72 tỷ đồng.

FTSE Russell: Cần duy trì tốc độ nếu muốn cán đích mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025
FTSE Russell ghi nhận sự ủng hộ liên tục của chính phủ Việt Nam đối với các thay đổi trên thị trường chứng khoán, đồng thời, nhấn mạnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư