Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
VN-Index tăng tuần thứ 7 liên tiếp, ROS nhận án hủy niêm yết bắt buộc
Tùng Linh - 28/08/2022 06:35
 
Nhịp hồi phục của VN-Index đã kéo dài 7 tuần liên tiếp. Sàn chứng khoán sẽ giao dịch nốt nửa đầu tuần sau để khép lại tháng 8, trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9.
TH
Thông tin từ hội nghị Jackson Hole làm chao đảo chứng khoán Mỹ nhưng chưa kịp tác động đến chứng khoán Việt Nam do đã bước vào ngày nghỉ cuối tuần

VN-Index tăng tuần thứ 7 liên tiếp, chứng khoán Việt lọt top tăng mạnh nhất thế giới.

VN-Index tăng điểm mạnh tuần này và dễ dàng vượt qua mốc 1.280 điểm. Đây đã là tuần tăng thứ 7 liên tiếp của chỉ số sàn HoSE. Sắc xanh cũng lan tỏa ở HNX-Index và UPCoM-Index sau tuần quay đầu giảm liền trước. Khép lại tuần qua, VN Index tăng 13,39 điểm (+1,06%) và đạt mức 1.282,57. Trong khi đó HNX Index tăng nhẹ hơn với 0,2% và đạt mức 299,50 điểm; UPCoM-Index cũng nhích nhẹ 0,1% lên 92,88 điểm.

Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt đà đi lên của chỉ số, dẫn đầu là cổ phiếu của Vietcombank, Becamex (BCM), PV Gas (GAS) cùng nhiều đại diện nhóm ngân hàng, bất động sản hay bán lẻ.

Theo nhóm ngành, nhiều dòng cổ phiếu cũng ghi nhận tuần giao dịch nội bật trong tuần như dòng dầu khí, phân bón. Nhóm cổ phiếu này vừa tăng giá khá ấn tượng vừa hút dòng nhờ sự hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thế giới trong tuần. Giá dầu Brent cuối ngày 26/8 đóng cửa vượt mốc 100 USD/thùng, tăng hơn 4% trong tuần. Nguyên nhân bởi các nhà đầu tư cân nhắc về mức cung không chắc chắn so với nhu cầu năng lượng thấp hơn. Cùng đó, Grupa AzotyGrupa Azoty - công ty hoá chất lớn nhất Ba Lan đã dừng sản xuất một số loại phân bón chủ chốt do chi phí năng lượng đầu vào tăng vọt.

Với mức tăng hơn 1% của VN-Index, chứng khoán Việt Nam nằm trong top 15 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu tuần qua. Chứng khoán Mỹ thực tế giao dịch không quá tệ trước khi bước vào phiên giao dịch thứ Sáu cuối tuần. Bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong khuôn khổ hội nghị Jackson Hole cho biết lộ trình tăng lãi suất “không có lý do để dừng lại” là nguyên nhân chính kéo DowJones giảm 1.008 điểm, tương đương mức giảm 3,03%. Ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh cảnh báo lộ trình tăng lãi suất sắp tới có thể gây "tổn thương" nền kinh tế. Thông tin được công bố tối qua khi chứng khoán Việt Nam đã kết thúc thời gian giao dịch trong tuần.
 
Khối ngoại dứt chuỗi mua ròng, thanh khoản cải thiện

Thanh khoản chung của thị trường cũng được cải thiện hơn so với trung bình các tuần trước và luôn duy trì ở quanh mức 16.000 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 615,80 triệu đơn vị/phiên, giảm 2,90% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 15.129,80 tỷ/phiên, giảm 3,51% so với tuần trước. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên sàn HNX bình quân đạt 1.919,87 triệu đơn vị/phiên, tăng 18,66% so với tuần trước.

Theo đánh giá của VCBS, tâm lý của nhà đầu tư tuần qua nhìn chung đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua khối lượng giao dịch khớp lệnh trong phiên được cải thiện rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nhìn dài hơn, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tại thời điểm hiện tại, bộ phận phân tích công ty chứng khoán này cũng nhận định thị trường vẫn đang trong một nhịp hồi phục sau khi đã ghi nhận xu hướng lao dốc mạnh trong giai đoạn quý II.

Tuần qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 500 tỷ đồng trên ba sàn. Trong đó, riêng trên sàn HoSE, khối ngoại quay đầu bán ròng 435 tỷ đồng sau chuỗi 5 tuần mua ròng liên tiếp. Tuần qua, khối ngoại giải ngân nhiều nhất vào cổ phiếu Vinamilk (466 tỷ đồng). Trong khi đó, KBC đứng đầu danh sách bán ròng (146 tỷ đồng); cùng đó, SSI và DGC đều bị bán ròng trên 90 tỷ đồng.

Ô tô Giải phóng nhận án phạt 170 triệu đồng; ROS hủy niêm yết bắt buộc từ 5/9

 Theo quyết định của UBCKNN, CTCP Ô tô Giải Phóng (GGG) bị phạt 170 triệu đồng. Theo đó, công ty bị phạt tiền 100 triệu đồng vì không công bố thông tin, bao gồm thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông báo doanh nghiệp kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020, 2021; không công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2020; công bố không đúng thời hạn tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, 2021; BCTC tổng hợp kiểm toán năm 2019, 2020 và giải trình ý kiến của tổ chức kiểm toán, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2020, báo cáo thường niên 2019 và  công bố không đúng thời hạn trên trang của HNX đối với BCTC kiểm toán năm 2019.

Đồng thời, Ô tô Giải Phóng còn bị phạt 70 triệu đồng đối với hành vi công bố thông iyn không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Tại Báo cáo tình hình quản trị Công ty năm 2020 và 2021, công ty không ghi lại nội dung về giao dịch vay nợ giữa Công ty và người nội bộ. Trong khi đó, theo thuyết minh BCTC kiểm toán năm 2020, Ô tô Giải phóng có khoản vay từ bên liên quan là bà Nguyễn Thị Nga (người có liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty). Theo thuyết minh BCTC kiểm toán năm 2020, Công ty có khoản vay từ bên liên quan là ông Nguyễn Cương - Chủ tịch HĐQT.

Cũng liên quan đến vi phạm công bố thông tin, ngày 25/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ra thông báo huỷ niêm yết bắt buộc toàn bộ hơn 567 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) từ ngày 5/9.

Trước đó, HoSE đã gửi văn bản cảnh bảo về khả năng huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu ROS do chậm trễ công bố thông tin.
Dù đã nhận được giải trình về nghĩa vụ công bố thông tin, HoSE nhận thấy công ty có khả năng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, có thể tiếp tục vi phạm công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Cùng đó, công ty này vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Ngoài ra, công ty chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.

Trước khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu ROS cũng đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8. Dù sau khi hủy niêm yết, ROS sẽ được chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM. Việc cố phiểu được chuyển nhượng trở lại trên sàn phụ thuộc vào khả năng khắc phục của bản thân tổ chức phát hành.

FLC Faros sắp họp bất thường; Novaland tăng vốn lên tỷ USD; MWG sẽ bán cổ phần Bách Hóa Xanh
Đại lý xăng dầu xin nghỉ bán, Bộ Công thương họp khẩn; Hoàng Anh Gia Lai, HAGL Agrico và BIDV thỏa thuận 3 bên; Novaland sắp phát hành tăng vốn; Bamboo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư