Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 06 tháng 02 năm 2025,
VN-Index tiếp tục giữ sắc xanh, cổ phiếu Techcombank tăng tới 2%
Tùng Linh - 06/02/2025 16:25
 
Sự phân hóa diễn ra mạnh hơn ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Trong đó, dòng ngân hầng trở thành trụ đỡ chính. Techcombank là điểm sáng trong phiên với vốn hoá thị trường tăng tới hơn 3.500 tỷ đồng.

Cổ phiếu Techcombank
Cổ phiếu Techcombank tăng giá mạnh trong phiên 6/2

Đà tăng của chứng khoán Việt Nam tiếp tục được nối dài. VN-Index kết phiên trước ở mức 1.269,61 điểm, tương ứng tăng 0,39% dù khối lượng giao dịch giảm 9% và ở mức trung bình. Bước sang phiên giao dịch ngày 6/2, đà tăng của các chỉ số tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, thị trường chung dần ghi nhận sự phân hóa giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Dù có những thời điểm chỉ số bật tăng nhờ dòng tiền sôi động, nhưng áp lực bán gia tăng khi tiệm cận vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái đã kìm hãm đà đi lên. Số lượng cổ phiếu giảm giá có xu hướng áp đảo dần theo thời gian và đưa VN-Index về gần mốc tham chiếu vào cuối phiên sáng. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đặt biệt là ngân hàng đóng vai trò giữ nhịp giúp VN-Index duy trì sắc xanh, dù không có sự bứt phá mạnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục ghi nhận sự phân hóa rõ nét, với một số mã thu hút dòng tiền mạnh và tăng giá tốt, nhưng phần lớn chịu áp lực điều chỉnh.

Giao dịch trong phiên chiều diễn ra giằng co mạnh hơn và có thời điểm VN-Index bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực đỡ ở phiên hôm nay vẫn là khá tốt và điều này giúp chỉ số nhanh chóng bật tăng trở lại. Dù lực đỡ tốt nhưng dòng tiền vẫn còn tương đối dè dặt và điều này chỉ giúp VN-Index biến động hẹp ở trên mốc tham chiếu. Dòng tiền không đủ để giúp giữ nhịp nhóm cổ phiếu thị trường, thay vào đó tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu có thanh khoản thấp. 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,87 điểm (0,15%) lên 1.271,48 điểm. HNX-Index tăng 1,15 điểm (0,5%) lên 229,13 điểm. UPCoM-Index tăng 0,84 điểm (0,88%) lên 96,74 điểm.

Toàn thị trường phiên hôm nay có 404 mã tăng trong khi có 297 mã giảm và 851 mã đứng giá (không giao dịch). Thị trường vẫn ghi nhận đến 51 mã tăng trần trong khi chỉ có 4 mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có đóng góp lớn nhất trong việc giữ được sắc xanh ở phiên hôm nay dù sự hưng phấn không duy trì được tốt như ở đầu phiên. TCB tăng mạnh 2% lên 25.200 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh đột biến hơn 37 triệu đơn vị. TCB là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 0,84 điểm. LPB cũng tăng mạnh 1,67% và đóng góp 0,43 điểm. Các cổ phiếu ngân hàng khác như VCB, BID, HDB, CTG… cũng giữ được sắc xanh khá tốt.

Caption ảnh


Chiều ngược lại, sự phân hóa ở nhóm vốn hóa lớn là mạnh, trong đó, các cổ phiếu như BCM, VNM, VRE, SAB… đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên VN-Index. Trong đó, VNM giảm 1,3% và lấy đi của VN-Index 0,4 điểm. FRT tiếp tục giảm mạnh 5% xuống 188.000 đồng/cổ phiếu và đứng thứ 2 về mức tác động tiêu cực với VN-Index khi lấy đi 0,32 điểm.

Nhóm cổ phiếu bất động sản sau phiên bứt phá hôm qua thì đã có sự rung lắc trở lại, trong đó, CEO giảm 2,2%, DXG giảm 1,6%, NLG giảm 1,3%, NHA giảm hơn 1%...

Dòng tiền trên thị trường có xu hướng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ với thanh khoản thấp. Tại nhóm cảng biển – vận tải biển, TCL được kéo lên mức giá trần, bên cạnh đó, SGP tăng đến hơn 6%, CLL tăng 4,8%, PHP tăng 4,8%...Trong khi những mã có yếu tố thị trường cao (thanh khoản tốt) như HAH hay VSC đều chìm trong sắc đỏ nhưng mức giảm không quá mạnh.

Khối ngoại tiếp tục nối dài chuỗi bán ròng


Thanh khoản trên thị trường không có nhiều biến động so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch ở sàn HoSE đạt 12.922 tỷ đồng, giảm 3% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 978 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 730 tỷ đồng và 722 tỷ đồng.

TCB đứng đầu về giao dịch toàn thị trường với giá trị 950 tỷ đồng. FPT và HPG đứng sau với giá trị lần lượt 501 tỷ đồng và 363 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng với giá trị 350 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM với 74 tỷ đồng. FRT và MWG bị bán ròng lần lượt 60 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã CTG với 62 tỷ đồng. PC1 cũng được mua ròng 46 tỷ đồng.

Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 27,5 nghìn tỷ, tăng 20,3% so với cùng kỳ
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với kết quả khả quan, nhiều chỉ số dẫn đầu hệ thống,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư