Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 24 tháng 02 năm 2025,
VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, hơn 21.000 tỷ đồng đổ vào thị trường
Tùng Linh - 24/02/2025 17:02
 
Thanh khoản sôi động với giá trị giao dịch đạt mức cao nhất trong khoảng 5 tháng trở lại đây. Dù sắc xanh chưa thật sự áp đảo, sự vươn lên của nhiều trụ cột, nhất là Hoà Phát, đã giúp VN-Index bứt phá vượt mốc 1.300 điểm.

Lần thứ ba kể từ tháng 5/2022, VN-Index giữ được mức giá đóng cửa trên mốc 1.300 điểm, sau lần gần nhất vào tháng 6/2024 và xa hơn vào tháng 6/2022. Cú bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý phiên hôm nay diễn ra sau tuần tăng điểm (+1,62%) và cải thiện mạnh về thanh khoản (+22,8%). Thị trường chứng khoán giao dịch khá giằng co trong phần lớn thời gian nhưng bứt lên ở nửa cuối phiên chiều và đóng cửa ở mức cao nhất.

Trong phiên sáng, lực mua - bán ngang ngửa, VN-Index liên tục rung lắc quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng ngày 24/2. Dù có những thời điểm tăng điểm tích cực, vượt 1.300 điểm, áp lực bán gia tăng khi chỉ số tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng đã khiến đà tăng bị thu hẹp. 

 Sang đến phiên chiều, trong bối cảnh VN-Index thử thách thất bại mốc 1.300 điểm, điều này đã khiến áp lực bán gia tăng và đẩy nhiều cổ phiếu lùi xuống dưới mốc tham chiếu. VN-Index vì vậy cũng đảo chiều giảm điểm trở lại. Tuy nhiên, sự phân hóa diễn ra khá mạnh và thị trường vẫn còn lực đỡ tốt đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác, chính điều này giúp đà giảm của VN-Index không quá mạnh. Diễn biến bất ngờ xảy ra sau 14h, lực cầu dâng cao và tập trung mạnh vào một số cổ phiếu trụ cột cũng như các dòng có yếu tố dẫn dắt như chứng khoán, thép, ngân hàng… 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,81 điểm (0,6%) lên 1.304,56 điểm. HNX-Index tăng 0,92 điểm (0,39%) lên 239,49 điểm. UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,21 điểm.

Cổ phiếu Hoà Phát trở thành tâm điểm của phiên ngày 24/2.

Sắc xanh không thật sự áp đảo trên sàn khi có 379 mã tăng, nhưng cũng có 373 mã giảm và 802 mã đứng giá/không giao dịch. Toàn thị trường ghi nhận 40 mã tăng trần nhưng cũng có 15 mã giảm sàn.

Cổ phiếu của Hoà Phát là điểm sáng của thị trường ngay từ đầu phiên. Cuối tuần trước, vào ngày 21/2/2025, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 460 ⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc). Theo đó, mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%. Quyết định sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành. 

Cổ phiếu HPG đã chạm mức giá trần 28.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực bán ngay lập tức dâng cao khiến cổ phiếu này chỉ chạm mức giá trần trong thời gian rất ngắn sau phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa (ATO). Dù vậy, lực cầu đối với HPG vẫn rất tốt nên cổ phiếu này đóng cửa vẫn tăng 4,73% lên 27.700 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ngành thép khác như TVN, TLH, NKG, HSG… cũng đồng loạt tăng giá ở phiên hôm nay.

Nhóm vốn hóa lớn giao dịch tích cực và điều này tạo động lực lớn giúp VN-Index vượt 1.300 điểm. VNM bất ngờ tăng gần 4% lên 63.800 đồng/cổ phiếu. HPG và VNM là 2 cổ phiếu có đóng góp lớn nhất trong việc giúp VN-Index đi lên. Hai cổ phiếu này đóng góp lần lượt 1,91 điểm và 1,2 điểm cho chỉ số. Bên cạnh đó, các mã như VCB, CTG, HDB, BID… cũng tăng giá tốt.

Về các nhóm ngành, dòng chứng khoán ghi nhận một phiên giao dịch bùng nổ. Trong bối cảnh thị trường chững lại trong phiên, nhóm cổ phiếu này lại đồng loạt tăng giá và giúp dòng tiền lan tỏa hơn. BSI được kéo lên mức giá trần, FTS tăng đến 6,6%, VDS tăng 3,5%, SSI tăng 2%, HCM tăng 2,34%.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu gồm FPT và FRT lại gây áp lực lớn lên thị trường chung. Trong đó, FPT giảm 1,06% và lấy đi 0,53 điểm của VN-Index. FRT giảm mạnh 2,8% và lấy đi 0,17 điểm. Một số cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index hôm nay gồm HVN, VTP, BCM,… Áp lực bán mạnh cũng xuất hiện ở nhóm cổ phiếu khoáng sản sau vài phiên phục hồi  lại ghi nhận áp lực bán tháo. Cổ phiếu KSV, MGC, MTA… đều bị kéo xuống mức giá sàn. MSR cũng giảm gần 14%.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 892 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch là 21.100 tỷ đồng, tăng 32% so với phiên trước, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.550 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.113 tỷ đồng và 832 tỷ đồng. HPG đứng đầu về giao dịch toàn thị trường với giá trị 2.068 tỷ đồng. FPT đứng sau với giá trị 1.052 tỷ đồng. 

Trong lần chinh phục mốc 1.300 điểm này, nỗ lực tăng điểm của VN-Index từ giữa tháng 1/2025 đến nay không có sự đồng hành của dòng tiền ngoại. Số lượng phiên mua ròng của khối ngoại trong hơn một tháng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại phiên hôm nay, bất chấp thị trường bùng nổ với dòng tiền giao dịch tăng đột biến, giá trị ở hai chiều mua và bán không tăng quá mạnh. giá trị mua bán của khối ngoại chỉ tương tự các phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 282 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã FPT với 250 tỷ đồng. HPG và FRT bị bán ròng lần lượt 152 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất với 193 tỷ đồng. MWG và SHB được mua ròng 130 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.

Kỳ vọng dòng tiền từ “tinh gọn bộ máy” nhập cuộc các kênh đầu tư
Covid-19 mang đến dòng tiền F0 mạnh mẽ đẩy thanh khoản thị trường tăng vọt lên 15.000-20.000 tỷ đồng mỗi phiên, thì nay, nhà đầu tư cũng mong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư