Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
VN30-Index rung lắc trước ngày đáo hạn phái sinh, cổ phiếu ngành đường dậy sóng
Thanh Thủy - 16/06/2021 17:40
 
Sắc đỏ phủ rộng trên ba sàn khi hàng loạt ông lớn giảm sâu. Cổ phiếu ngành đường giao dịch tích cực sau quyết định của Bộ Công thương áp thuế với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan.

Sắc đỏ chiếm ưu thế, VN30-Index tiếp tục giảm sâu

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên giao dịch ngày 16/06
Sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên giao dịch ngày 16/06


Lực cầu bắt đáy đã tăng mạnh khi VN-Index rơi xuống sát mốc 1.350 điểm giữa phiên sáng. Nhưng dù hồi phục, chỉ số sàn HoSE vẫn giao dịch trong sắc đỏ ở phần lớn thời gian và đóng cửa tại mốc 1.356,52 điểm, giảm 10,84 điểm (-0,79%). VN30-Index còn giảm sâu hơn (-1,44%) xuống 1.465,58 điểm. Khoảng cách giữa hai chỉ số nhờ vậy tiếp tục được thu hẹp.

Trong phiên hôm qua, VN-Index tăng hơn 5,6 điểm nhưng rổ chỉ số VN30 lại giao dịch khá tiêu cực với chỉ số đóng cửa trong sắc đỏ. Các hợp đồng tương lai cũng đều giảm theo chỉ số cơ sở. VN30-Index giảm liên tục hai phiên ngay trước ngày đáo hạn phái sinh. Hợp đồng VN30F2106 (hợp đồng đáo hạn vào tháng 6/2021 của chỉ số VN30) sẽ có phiên giao dịch cuối cùng vào ngày 17/06.

Phân tích của SSI Research trước đó cho thấy các nhà giao dịch tổ chức đang nắm giữ vị thế Long cơ sở (tham gia thị trường tương lai ở tư cách bên mua) với quy mô gần 1.000 tỷ đồng trước đáo hạn. Nhóm này thường có 2 lựa chọn khi kỳ đáo hạn đến, hoặc đóng vị thế, hoặc chuyển sang hợp đồng mới (hợp đồng tháng 7). Quá khứ thường ghi nhận những biến động mạnh của chỉ số VN30 cũng như VN Index trong tuần đáo hạn, chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI cũng nhận định các nhịp rung lắc, hiệu chỉnh có thể xuất hiện do ảnh hưởng của kỳ đáo hạn hợp đồng tương lai.

Sắc đỏ không chỉ phủ rộng trên sàn HoSE, HNX-Index đóng cửa mức thấp nhất trong phiên với mức giảm 1,46%.  Chỉ số sàn UPCoM trong khi đó chỉ giảm nhẹ 0,06%. Trừ sàn UPCoM ghi nhận lượng mã chứng khoán tăng/giảm giá ngang ngửa, số mã giảm giá trên hai sàn niêm yết đều cao áp đảo.

Thanh khoản trên ba sàn đạt hơn 30.290 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. Một phần cũng bởi không còn ghi nhận giao dịch thỏa thuận đột biến liên quan đến cổ phiếu IDC. Ngoài ra, sàn HoSE đã xuất hiện trở lại tình trạng nghẽn khi lệnh đặt từ nhiều công ty chứng khoán khó vào được thị trường từ tư sau 14h20. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn này cả phiên hôm nay đạt 22.167 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng trên cả ba sàn, thu về tổng cộng gần 11 tỷ đồng. KDC tiếp tục bị bán ròng mạnh phiên thứ hai liên tiếp. Toàn sàn có 4 cổ phiếu bị bán ròng trên 50 tỷ đồng gồm MBB (172 tỷ đồng), KDC (150 tỷ đồng), SSI (115 tỷ đồng), HPG (98 tỷ đồng). Trừ KDC đóng cửa bằng giá phiên trước, MBB, SSI và HPG đều giảm.

Cổ phiếu tài chính tiếp tục điều chỉnh, điểm sáng cổ phiếu đường

Hai cổ phiếu VIC và VHM đã hỗ trợ VN-Index tăng điểm trong phiên hôm qua nhưng lại là yếu tố dẫn dắt  đà giảm của chỉ số hôm nay. Top 5 cổ phiếu kéo VN-Index giảm còn có cổ phiếu của Hòa Phát, VietinBank và Techcombank.

Ở chiều ngược lại, sự hồi phục của nhóm cổ phiếu dầu khí nhờ xu hướng tăng của giá dầu lại trở thành các yếu tố “đỡ” chỉ số. Đứng đầu trong top cổ phiếu kéo chỉ số tăng trên sàn HoSE và UPCoM lần lượt là GAS (+ 3,6%) và BSR (+3,4%). Tuy nhiên, đà giảm vẫn thắng thế.

Phần lớn các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng đều tiếp tục điều chỉnh. VPB hồi phục nhẹ 0,45% sau cú rơi sâu hôm qua. Hai ông lớn nhà băng gồm Vietcombank và BIDV cũng nằm trong số ít cổ phiếu ngân hàng tăng giá với mức tăng lần lượt là 1,17% và 0,89%. Còn lại các cổ phiếu nhà băng khác đều giảm giá. Nhóm chứng khoán cũng giao dịch khá tiêu cực. Giá cổ phiếu của SSI – công ty chứng khoán có quy  mô vốn điều lệ lớn nhất hiện tại giảm tới 5%. Nhiều cổ phiếu khác cũng giảm trên 3% như VND, VCI, SHS, MBS,...

Cổ phiếu ngành đường giao dịch tích cực trong hôm nay. Một số cổ phiếu tăng kịch biên độ như Mía đường Kon Tum - KTS (+9,9%), Mía đường Lam Sơn - LSS (+6,7%). Đường Quảng Ngãi và Mía đường Sơn La đều tăng trên 6%. Cổ phiếu của TTC Sugar (SBT) tăng 2,9%.

Bộ Công thương đã có quyết định chính thức về việc áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan với mức 47,64%, áp dụng trong 5 năm.

Theo Quyết định 1578/QĐ-BCT, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ áp dụng chính thức đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, phân loại theo mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.91.00, 1701.99.90, 1701.99.90 và 1702.90.91.

Trước đó, kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định rằng có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra và ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại đáng kể và có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Tiền vẫn đổ vào ngân hàng, xuất hiện nỗi lo bong bóng chứng khoán
Bất chấp dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, huy động vốn của các ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn tăng mạnh. Đáng chú ý, đã bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư