Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
VNG chuyển từ lãi sang lỗ 193,6 tỷ đồng sau kiểm toán bán niên năm 2023
Duy Bắc - 25/10/2023 15:05
 
Khi bị hạn giao dịch do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, CTCP VNG (mã VNZ - UPCoM) mới công bố Báo cáo với lợi nhuận giảm 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán.

Sau nhiều thời gian trì hoãn nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023, cuối cùng Công ty VNG đã công bố Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 với nhiều điểm đáng lưu ý và biến động mạnh so với báo cáo tự lập.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã chuyển từ lãi 59,79 tỷ đồng, xuống lỗ 193,6 tỷ đồng, tức giảm tới 253,41 tỷ đồng sau kiểm toán.

VNG chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán bán niên năm 2023 (Nguồn: VNG)
VNG chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán bán niên năm 2023 (Nguồn: VNG)

Lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do lỗ công ty liên doanh, liên kết tăng lên 183,51 tỷ đồng, tức lỗ từ 49,61  tỷ đồng, lên lỗ 233,12 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 69,88 tỷ đồng, từ 681,78 tỷ đồng, lên 751,66 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lý giải việc chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán, Công ty VNG cho biết do ghi nhận thêm khoản chi phí liên quan đến các khoản dự phòng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty VNG ghi nhận doanh thu đạt 4.098,37 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 193,39 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,41 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 1.077,1 tỷ đồng).

Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023 thêm 193,6 tỷ đồng, mức lỗ này vẫn thấp hơn kế hoạch lỗ 378 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, với việc tiếp tục lỗ, tính tới 30/6/2023, Công ty VNG đã giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ 5.092,95 tỷ đồng, xuống 4.898,77 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Công ty VNG tăng 4,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 416,32 tỷ đồng, lên 9.316 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.558,5 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 2.271,85 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.274,7 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.050,8 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, về cơ cấu nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 168,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 749,5 tỷ đồng, lên 1.193,5  tỷ đồng và bằng 12,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 615,6 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 577,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngày 20/10/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã Quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 25/10/2023 do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin. Trong đó, cổ phiếu VNZ chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.

VNG muốn phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP với giá chỉ từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/cổ phiếu

Trước đó, Công ty VNG công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản và được thông qua. Trong đó, Công ty trình cổ đông kế hoạch phát hành 1.002.536 cổ phiếu ESOP cho thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc, và nhân sự chủ chốt của Công ty; thời gian dự kiến triển khai từ quý IV/2023 đến quý I/2024; và cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi phát hành.

Điểm đáng lưu ý, trong hơn 1 triệu cổ phiếu ESOP dự kiến phát hành, Công ty dự kiến phát hành 389.296 cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu; và phát hành 613.240 cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá thị trường ngày 24/10 là 802.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2027, Công ty VNG cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ đông 1.879.637 cổ phiếu ESOP cho thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm toán, Ban Giám đốc, người lao động chủ chốt của công ty, công ty con, công ty liên kết với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, năm 2024 và năm 2025 sẽ cùng phát hành 450.000 cổ phiếu ESOP; năm 2026 sẽ phát hành 440.000 cổ phiếu ESOP; và năm 2027 sẽ phát hành 539.637 cổ phiếu ESOP.

Tổng giám đốc Lê Hồng Minh vừa thoái ra gần 1 triệu cổ phiếu VNZ để thu về khoảng 1.116,6 tỷ đồng

Về biến động cổ đông, ngày 22/8, ông Lê Hồng Minh, Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc vừa bán ra 983.783 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 12,27%, xuống còn 8,85% vốn điều lệ.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 22/8 là 1.135.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh đã thu về số tiền lên tới 1.116,6 tỷ đồng khi thoái ra 983.783 cổ phiếu.

Ngược lại, cũng trong ngày 22/8, CTCP Công nghệ BIGV vừa mua vào 983.783 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 17,84%, lên 21,26% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, VNG tiền thân là Công ty VinaGame - được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Những cổ đông sáng lập ban đầu bao gồm ông Lê Hồng Minh là Founder & CEO của VNG; ông Vương Quang Khải là Co-founder.

Trước đó, VNG cũng liên tục biến động cổ đông lớn. Trong đó, VNG Limited bán ra 3.483.048 cổ phiếu VNZ để giảm sở hữu từ 61,12% về 49% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/8.

Ở chiều ngược lại, ngày 3/8, Công ty cổ phần Công nghệ BigV mua thêm 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 11,78%, lên 17,84% vốn điều lệ; và ngày 28/7, BigV đã mua 1.741.524 cổ phiếu VNZ để nâng sở hữu từ 5,72% lên 11,78% vốn điều lệ.

Như vậy, khối lượng mà Công ty cổ phần công nghệ BigV mua vào trong ngày 28/7 và ngày 3/8 bằng lượng cổ phiếu mà VNG Limited thực hiện bán ra trong ngày 2/8.

VNG muốn phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP với giá thấp hơn tối đa 99,2% thị trường
Tiếp sau động thái Tổng giám đốc Lê Hồng Minh thoái ra gần 1 triệu cổ phiếu, CTCP VNG (mã VNZ - UPCoM) muốn phát hành 1 triệu cổ phiếu ESOP từ quý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư