Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
VNPT rầm rộ “tiến quân” ra thị trường châu Á
Hữu Tuấn - 28/09/2016 20:45
 
Sau các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm viễn thông đến từ Lào, Myanmar, VNPT đang tìm kiếm cơ hội “tiến quân” sang các thị trường như Iran, Ấn Độ, Malaysia…

Tìm đường xuất ngoại các sản phẩm công nghiệp

Cuối tuần qua, tại Tehran (Iran), VNPT đã có mặt trong Triển lãm Quốc tế về Viễn thông và Công nghệ thông tin lần thứ 17 (Iran Telecom Innovations 2016). Tại triển lãm này, VNPT trưng bày và giới thiệu về các sản phẩm công nghiệp do VNPT – Technology và các đơn vị thành viên của VNPT sản xuất và cung ứng như: điện thoại Lotus vivas, modem wifi, modem ADSL, cáp quang…

Bên cạnh đó, VNPT cũng đã giới thiệu với khách tham quan những sản phẩm - dịch vụ thế mạnh hiện có như nhóm giải pháp về IPTV, IoT Platform, Wifi total Solution, Multi Screen Platform, CDN, các sản phẩm về vệ tinh, cáp quang biển… Gian hàng của VNPT nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác và khách hàng tại triển lãm ngay trong ngày đầu khai mạc. Đặc biệt là các giải pháp về IoT Platform, IPTV Flatform… thu hút được nhiều sự quan tâm của quan khách.

Ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho đối tác, khách hàng tại triển lãm.
Ông Ngô Hùng Tín, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cho đối tác, khách hàng tại triển lãm.

Giống như các cuộc xúc tiến thương mại khác, việc tham gia Iran Telecom Innovations 2016 là một trong số nhiều phương thức để VNPT mở cánh cửa vào các thị trường tiềm năng, tạo tiền đề cho sự đầu tư và tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác tại  thị trường Iran. Cùng lúc với sự kiện này, các kênh bán hàng, xúc tiến thương mại của VNPT cũng đang hoạt động hết công suất tìm kiếm đơn hàng và Malaysia, Ấn Độ là những nước mà VNPT đang nhắm tới.

Trước đó, VNPT đã nhận được đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn thiết bị, sản phẩm công nghệ thông tin – viễn thông sang Lào và Myanmar.

Chiến lược dài hơi cho sản xuất công nghiệp

Việc VNPT xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ CNTT - viễn thông là kết quả của một chiến lược được đề ra từ trước. Trong đó, sản xuất công nghiệp là một trong 4 trụ cột của VNPT “hậu tái cấu trúc”.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, công nghệ công nghiệp là “trụ cột thứ tư” của VNPT. Trong bối cảnh mà vấn đề an toàn an ninh mạng ngày càng cấp thiết, các thiết bị đầu cuối không đảm bảo an toàn, tin cậy, nên VNPT chuyển hướng phát triển công nghệ công nghiệp. Hiện nay, đối với thiết bị đầu cuối cho băng rộng, VNPT sản xuất 100%, trong khi trước đây phải nhập khẩu.

“Sản xuất công nghiệp sẽ được VNPT đầu tư mạnh trong thời gian tới, trở thành mũi nhọn cạnh tranh mới của VNPT với các doanh nghiệp khác trong tương lai. Mục tiêu đầu tư của VNPT trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường nước ngoài", ông Long noi.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên của VNPT cũng khẳng định, khối công nghiệp của VNPT có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển, vì không phải tập đoàn viễn thông nào cũng làm công nghiệp, nhưng VNPT làm với lợi thế hạ tầng sẵn có và làm chủ được công nghệ. Chỉ khi mình hoàn toàn chủ động và làm chủ công nghệ mới có thể đưa các ứng dụng, dịch vụ của mình trên các thiết bị đầu cuối một cách linh hoạt.

Từ năm 2013 đến nay, VNPT đã âm thầm chuẩn bị cho mảng sản xuất công nghiệp và VNPT Technology là đơn vị được chọn đầu tư trọng điểm để trở thành nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hệ thống và giải pháp CNTT - VT tại thị trường trong nước cũng như hướng tới sẽ tiến ra thị trường quốc tế. Xuất khẩu các thiết bị viễn thông là hướng đi nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn VNPT giai đoạn sau tái cơ cấu từ nay đến năm 2020.

Hiện nay, VNPT Technology có gần 600 kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ CNTT làm việc trong các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D Center), chiếm 60% trong tổng số gần 1.000 nhân lực của Công ty. VNPT Technology hiện đã làm chủ hoàn toàn sản phẩm từ khâu thiết kế, kiểu dáng bo mạch và phần mềm nhúng, điều khiển. Sản phẩm của VNPT Technology tập trung vào hai mảng chính, đó là giải pháp công nghệ và thiết bị điện tử viễn thông. Mảng giải pháp công nghệ gồm: WiFi 3G Offload, giải pháp smart talk, giải pháp truyền hình Internet… và tới đây là giải pháp mới ảo hóa chức năng mạng trên nền Cloud, những công nghệ liên quan đến nền tảng IoT để đón đầu nhu cầu chuyển dịch sắp tới của nền công nghệ thế giới.

Để chuẩn bị mở rộng sản xuất, cho ra đời thêm nhiều sản phẩm công nghệ, dịch vụ viễn thông mới, VNPT Technology hiện đang tuyển thêm hơn 500 kỹ sư R&D phục vụ cho nghiên cứu sản xuất công nghệ. Bên cạnh đó, VNPT Technology đã đưa vào hoạt động 1 dây chuyền (giai đoạn I) và sắp tới sẽ đưa tiếp 2 dây chuyền nữa vào hoạt động. Đây đều là các dây chuyền đa năng, có thể sản xuất cùng một lúc nhiều loại sản phẩm. Công suất giai đoạn I của nhà máy đặt tại Hòa Lạc gấp 3 lần nhà máy của VNPT Technology đặt ở Hoàng Quốc Việt. Công suất của VNPT Technology hiện đạt  khoảng 1 triệu sản phẩm/tháng, nhưng thị trường Việt Nam hiện chỉ tiêu thụ tối đa 200.000 - 300.000 sản phẩm/tháng, tức chỉ khoảng 30% năng lực sản xuất của nhà máy.

Việc mở rộng nhà máy, tuyển dụng nhân sự, đầu tư bài bản cho R&D cho thấy, VNPT đang mở rộng thị trường ra nước ngoài bằng con đường xuất khẩu theo cách riêng của mình. Những tín hiệu vui từ các thị trường châu Á, có lẽ, sẽ bắt đầu cho một trang mới của VNPT thời “hậu tái cấu trúc”.

Startup đừng chọn đường "đương đầu" với VNPT, FPT, Viettel
Theo Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa, khi khởi nghiệp cần phải biết tìm ra cho mình cơ hội lớn từ thị trường ngách,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư