Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vốn nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam qua M&A
Thùy Vinh - 21/09/2022 08:18
 
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán- sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) nhấn mạnh, nguồn vốn nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam thông qua M&A.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản)

Ông nhận định thế nào về xu hướng M&A trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2022 - 2023?

Lạm phát, lãi suất gia tăng, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và các vấn đề địa chính trị, đã đè nặng lên tâm lý M&A toàn cầu trong năm 2022. Trước những biến động đó, các nhà giao dịch thận trọng hơn và thị trường M&A bắt đầu dịu lại. Dữ liệu từ Ernst & Young Global cho thấy, giá trị thương vụ M&A toàn cầu giảm 27% trong nửa đầu năm 2022, các thương vụ ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở các nền kinh tế phát triển, vốn tư nhân có xu hướng là nhân tố chính thúc đẩy hoạt động M&A, vì các công ty tư nhân vẫn có lượng tiền mặt lớn cần được giải ngân.

Tại Việt Nam, giá trị các thương vụ M&A chưa đạt mức trước đại dịch Covid-19, nhưng thị trường về cơ bản đã phục hồi. Năm 2022 chứng kiến nhiều giao dịch hơn năm trước, gồm những giao dịch đã được công bố và cả những giao dịch chưa được tiết lộ. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi nền tảng cơ bản vững chắc của đất nước trong những năm qua, nhận thức rằng khủng hoảng Covid-19 đã ở phía sau và quyết tâm của doanh nghiệp muốn thực hiện các giao dịch ưu tiên chiến lược của họ, vượt qua những biến động vĩ mô. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đang tiến hành rất thận trọng, nghiêm túc.

Chúng tôi dự báo, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, khối lượng M&A sẽ tiếp tục tăng với tốc độ tương tự 8 tháng đầu năm nay. Khi đó, thị trường có thể đã hấp thụ hầu hết những thay đổi về lãi suất; lạm phát có thể đã được kiểm soát, củng cố lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ vẫn sôi động, vì chúng tôi tin rằng, các nhà đầu tư sẽ theo đuổi các giao dịch nhằm mục đích thâm nhập thị trường Việt Nam, hoặc củng cố và mở rộng sự hiện diện của họ hơn là săn lùng các tài sản được định giá thấp.

Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản, đang quan tâm đến lĩnh vực, ngành nghề nào tại thị trường Việt Nam?

Trong nhiều trường hợp, những ngành, lĩnh vực thu hút nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam cũng hấp dẫn đối với nhà đầu tư từ những nước khác, nên các nhà đầu tư Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh hơn trong nhiều ngành. Gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong thị trường M&A ngày nay. Khi nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số ngày càng tăng, chúng tôi dự báo, sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng khác.

Xét về số lượng giao dịch M&A từ Nhật Bản theo ngành trong 3 năm qua, dữ liệu của RECOF cho thấy, công nghệ thông tin dẫn đầu với 11/78 giao dịch. Một số giao dịch đáng chú ý gần đây trong lĩnh vực này là khoản đầu tư 200 triệu USD vào Momo do Ngân hàng Mizuho dẫn đầu; khoản đầu tư của Mynavi vào NAL Solutions, một liên doanh phát triển phần mềm, với mục đích giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư công nghệ thông tin ở Nhật Bản.

Thị trường tiêu dùng năng động của Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn nhà đầu tư, với kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục mở rộng nhờ tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng gia tăng. Trong nửa đầu năm 2022, các nhà bán lẻ hàng tiêu dùng Nhật Bản như AEON Group, Muji, Uniqlo... đã mở thêm nhiều cửa hàng trên khắp Việt Nam, với mô hình bán lẻ đa dạng. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ vẫn chưa thể hiện hết tiềm năng trong hoạt động M&A, một phần do các quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông có thể thông tin thêm về hoạt động M&A của các nhà đầu tư Nhật Bản tại thị trường Việt Nam từ đầu năm đến nay và xu hướng trong thời gian tới?

Trong hầu hết giao dịch M&A được công bố năm nay, giá trị giao dịch không được công khai, còn về số lượng giao dịch, có 13 thương vụ từ Nhật Bản vào Việt Nam được công bố và Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, chỉ sau Singapore (31 giao dịch) và Indonesia (14 giao dịch), theo dữ liệu của RECOF. Các nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, năng lượng… vẫn hoạt động tích cực. Giá trị của các khoản đầu tư M&A tại Việt Nam có thể tăng lên nếu một số giao dịch lớn xuất hiện trong những tháng cuối năm.

Nhìn lại 5 năm qua, về số lượng giao dịch M&A của nhà đầu tư Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ hai (4/5 năm), trong khi đó, giá trị giao dịch được cải thiện hàng năm, số lượng thương vụ quy mô lớn ngày càng tăng, đến năm 2021, Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Singapore. 

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong dài hạn, do Việt Nam có dân số lớn thứ 3 trong các nước Đông Nam Á, trong đó, khoảng 70% dân số ở độ tuổi lao động; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hằng năm cao nhất tại Đông Nam Á, ở mức 6% trong thập kỷ qua. Các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn rất rõ những điều này khi họ lập kế hoạch, chiến lược mở rộng ra quốc tế.

Nhận định của ông về làn sóng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo?

Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đầu tư trong tương lai gần, với các chính sách xúc tiến FDI và luật thuế thuận lợi cho doanh nghiệp FDI. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển để trở thành một trung tâm sản xuất chủ chốt ở châu Á. Trong năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều công ty công nghệ nước ngoài chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong đó có hãng sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch, với kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để phát triển nhà máy tại Bình Dương.

Apple cũng đang trong quá trình chuyển hoạt động sản xuất Apple Watch và MacBook sang Việt Nam như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Foxconn và Luxshare Precision Industry, hai nhà cung cấp của Apple, được cho là đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại miền Bắc. Các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc và các công ty công nghệ đa quốc gia khác cũng đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc và tìm cách thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nhà đầu tư Nhật Bản khởi động dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở Việt Nam
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng T&J do nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn đầu tư được kỳ vọng sẽ giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư