Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nhà đầu tư Nhật Bản khởi động dự án nhà máy xử lý chất thải rắn ở Việt Nam
Nguyễn Thu - 20/12/2021 11:17
 
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng T&J do nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn đầu tư được kỳ vọng sẽ giảm lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Lễ khởi động Dự án đã được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Nhật Bản - Việt Nam lần thứ hai
Lễ khởi động Dự án đã được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Nhật Bản - Việt Nam lần thứ hai

Kỳ vọng dự án hình mẫu

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng T&J được Công ty TNHH Năng lượng Xanh T&J - liên doanh bởi Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (Việt Nam) và JFE Engineering Corporation (thành viên Tập đoàn JFE Holding - Nhật Bản) - phát triển tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dự án có công suất 500 tấn/ngày đêm, tổng diện tích 4,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 58 triệu USD, dự kiến hoàn thành, vận hành thử nghiệm và chính thức đi vào hoạt động năm 2023.

Nhà máy T&J sẽ áp dụng công nghệ Nhật Bản xử lý và tiêu hủy chất thải rắn lành mạnh với môi trường, góp phần tránh các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đất và nước ngầm. Hoạt động đốt chất thải tại Nhà máy dự kiến tạo ra 91.872 MWh năng lượng sạch mỗi năm. Lượng điện sản xuất ra sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo cơ chế mua điện với giá ưu đãi trong 20 năm.

Dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh

Nhà máy T&J là dự án trọng điểm trong lĩnh vực môi trường của Bắc Ninh, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến thế giới. Dự án hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh hiện nay nhằm xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh. Khi nhà máy đi vào hoạt động, sẽ giải quyết các vấn đề rác thải tồn đọng ra môi trường.

Trên thực tế, với khoảng 1,4 triệu dân và 16 khu công nghiệp, mỗi ngày, toàn tỉnh Bắc Ninh thải ra hơn 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 50% được xử lý chủ yếu bằng các lò đốt kém hiệu quả và không thu hồi năng lượng hoặc không kiểm soát phát thải chặt chẽ.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng Dự án cuối tuần qua, ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản chia sẻ rằng, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam - đối tác quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ngày càng phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.

Tại chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản đã khẳng định hợp tác công tư trong nhiều lĩnh vực. Kế hoạch hợp tác chung nhằm hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 đã được thống nhất và hai bên đã trao văn kiện thỏa thuận.

Đại sứ Yamada Takio cho rằng, Nhà máy T&J là dự án tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang ngày càng trở nên sâu sắc. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu để các địa phương khác có thể triển khai dự án đốt rác thu hồi năng lượng. Chính phủ Nhật Bản mong muốn được tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đối với các dự án về giảm nhẹ carbon, vận dụng cơ chế tín chỉ chung tại Việt Nam.

Dự án Nhà máy T&J được bắt đầu hình thành từ Tuần lễ Môi trường Nhật Bản - Việt Nam lần thứ nhất vào năm 2019. Lễ khởi động Dự án đã được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Nhật Bản - Việt Nam lần thứ hai và được sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Trước đó, tháng 11/2021, trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản, Dự án được đưa vào lễ ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa nhà đầu tư hai nước trong sự chứng kiến của Thủ tướng  Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo hai nước tại Tokyo (Nhật Bản).

“Đây là dự án sản sinh ra năng lượng có thể tái tạo, vận dụng cơ chế JCM hợp tác giữa hai quốc gia và tôi cho rằng, đây là dự án tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đang ngày càng trở nên sâu sắc”, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.

Đây là Dự án trọng điểm trong lĩnh vực môi trường của Bắc Ninh
Đây là dự án trọng điểm trong lĩnh vực môi trường của Bắc Ninh

Hướng tới giảm thải carbon

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp. Do không được xử lý hợp lý, nên rác thải được xem là một trong những nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 đặt mục tiêu nâng tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050.

Tại Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu 100% chất thải rắn đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, 50% chất thải rắn khu dân cư nông thôn và 50% chất thải rắn tại các làng nghề được thu gom để tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ, hoặc xử lý đảm bảo không ô nhiễm môi trường.

Theo ông Ooka Toshitaka, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản đã khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa để Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Hai bên đã đồng ý kế hoạch hợp tác chung hướng đến mục tiêu này và đối phó với biến đổi khí hậu. Nhật Bản sẽ hỗ trợ hợp tác từ khâu lập chiến lược, chính sách lâu dài đến khâu thực hiện các dự án trong khuôn khổ cơ chế tín chỉ chung giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Dự án Nhà máy T&J được xây dựng với mục đích thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại (gồm rác thải sinh hoạt, rác thải thông thường), sản xuất, truyền tải và phân phối điện. “Dự án được kỳ vọng sẽ giảm khoảng 600.000 tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 15 năm. Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển các doanh nghiệp ở nhiều nơi khác nhau của Việt Nam và đóng góp vào việc hiện thực hóa một xã hội không carbon”, ông Hajime Oshita, CEO JFE Engineering Corporation chia sẻ.

Dự án được hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Chương trình Tài trợ cho Mô hình Cơ chế tín dụng Chung (JCM) và cấp vốn từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) của Nhóm Ngân hàng thế giới và Tài chính Hỗn hợp Phần Lan - IFC cho Chương trình Khí hậu.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Coi chất thải như một nguồn tạo ra năng lượng sạch là giải pháp phù hợp để góp phần giải quyết vấn đề chất thải đang cấp bách của Việt Nam và hỗ trợ quốc gia chuyển đổi sang quỹ đạo tăng trưởng carbon thấp”.

Hơn nữa, việc IFC tài trợ cho một công ty xử lý rác thải tư nhân sẽ góp phần giảm gánh nặng cho Chính phủ, thúc đẩy sự đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng này của Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới về lĩnh vực xử lý môi trường, tái chế và tạo năng lượng từ chất thải, JFE Engineering Corporation có doanh thu hằng năm khoảng 35 tỷ USD. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt phát điện, tham gia tổng thầu EPC, quản lý vận hành các dự án lớn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Công ty đã liên doanh thành công ở nhiều nước như Italia, Đức, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Myanmar...

Xây dựng Việt Long tiên phong trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt
CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đã tìm ra công nghệ xử lý rác sinh hoạt một cách triệt để. Thành công này của doanh nghiệp đã góp phần quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư