Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Vốn tín dụng chính sách luôn là điểm tựa vững chắc
Nhuệ Mẫn - 09/07/2023 13:56
 
Tại thôn Co Hương (xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), hiện có 54/70 hộ vay theo chương trình hộ nghèo và bà con rất mong muốn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn).

Bốn chị em là cán bộ ngân hàng và nhà báo chủ động ngồi dồn vào hàng thứ 2 của xe 7 chỗ nhằm “lèn chặt”, tránh lắc lư, chống xay xe…, nhưng khi xuống xe vẫn không tránh khỏi “ngất ngây” sau gần 3 tiếng trên chặng đường gần 30 km quanh co, đèo dốc, lởm chởm đất đá để đến với xã Hữu Kiên, địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn…

Đón đoàn công tác, ông Ma Văn Xuân, Phó chủ tịch xã Hữu Kiên cho biết, ngày trước, vào được xã để triển khai công tác mất ít nhất 3 ngày, mà phải đông người mới dám đi. Giờ chỉ mất có 3 tiếng xe ô tô đã phần nào giúp người dân nơi đây mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế, nhằm thay đổi cuộc sống vốn rất khó khăn. “Địa hình nơi đây mang đến thế mạnh cho người dân trồng rừng và chăn nuôi, nhưng vướng mắc lớn nhất khi bắt đầu triển khai là nguồn vốn từ đâu”, ông Xuân nói.

Nhớ lại ngày mới về làm dâu nơi đây, chị Phùng Thị Mỹ, dân tộc Nùng, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên bùi ngùi: “Chồng tôi là con nuôi, nhưng cũng được bố mẹ cắt cho mảnh đất. Gia đình chồng cũng không dư dả, nên hai vợ chồng đến với nhau là tay trắng trong căn nhà cũ, rách nát. Ngày sinh con đầu lòng, mẹ đẻ đến thăm con, thăm cháu ngoại, nhìn lên mái nhà ban ngày nắng xiên đến đầu giường, đêm hôm nào khô ráo thì nằm đếm sao, còn mưa thì cả nhà ướt sũng, mẹ khóc thương con, thương cháu khiến hai vợ chồng quyết tâm phải thoát nghèo”.

Ông Ma Văn Vệ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Co Hương, xã Hữu Kiên chia sẻ, với sự hỗ trợ của các đoàn thể, chị Phùng Thị Mỹ và chồng là Hoàng Văn Hà đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình vay vốn sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, gia đình chị được vay khoản đầu tiên là 50 triệu đồng để nuôi ngựa, sau đó nuôi trâu, nuôi bò kết hợp với trồng và kinh doanh các loại nông sản như gừng, nho rừng, sim rừng…

“Gia đình chị Mỹ và anh Hà là điển hình ‘thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn’ khi không quản ngại khó khăn, vất vả, chăm chỉ làm ăn, dần dần dành dụm được tiền để sửa sang nhà cửa. Thậm chí, năm 2019, chỉ có 100 triệu đồng, họ đã vay tiếp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua xe tải nhỏ trị giá 350 triệu đồng làm phương tiện vận chuyển hàng hóa”, ông Vệ nói.

Chúng tôi tiếp tục vắt vẻo trên con đường đất lầy lội, dốc gần như dựng đứng để đến ngôi nhà khang trang, hiện đại không kém dưới xuôi vừa xây xong, toạ lạc cheo leo trên đỉnh một ngọn đồi của gia đình chị Ma Thị Hiếm. Chị cho biết, trước đây, đời sống gia đình chị khó khăn lắm, cả nhà chen chúc trong ngôi nhà cũ bé xíu, nằm cheo leo trên đồi lộng gió. Nhưng nhờ được vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã có vốn để trồng trọt và chăn nuôi.

“Nhà có hơn 20 ha trồng cây bạch đàn sắp cho thu hoạch, chăn nuôi thêm trâu, bò và 11 con ngựa… Tôi còn được vay 20 triệu đồng từ chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội để cải thiện điều kiện sống của gia đình và nuôi 2 con lớn học đại học và con út đang học cấp 3”, chị Hiếm nói.

Hiện dư nợ của Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Co Hương là 3,9 tỷ đồng; có 54/70 hộ vay theo chương trình hộ nghèo và bà con rất mong muốn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông tin này của Vệ đã được ông Trần Ngọc Cường, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xã Hữu Kiên xác nhận.

“Trên địa bàn xã đang thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng cho 70 hộ dân, với tổng số tiền hơn 32,5 tỷ đồng, cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... Các hộ gia đình được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình và đặc biệt không có nợ xấu, nợ quá hạn, nợ khoanh”, ông Cường cho biết thêm.

Từ 2 thế mạnh trồng rừng và chăn nuôi, một số hộ gia đình đã làm đơn xin thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2022 từ 47,7% xuống còn 34,5%. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo cán bộ công chức và các tổ chức chính trị xã hội, các tổ vay vốn tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân vay các nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo”, Phó chủ tịch xã Hữu Kiên kỳ vọng.

Không để ai bị bỏ lại phía sau với tín dụng chính sách tại Nam Đàn
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Sĩ Hải chia sẻ, nhìn lại hơn 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư