Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 08 tháng 10 năm 2024,
Vụ địa ốc Alibaba: Nhiều bị hại không muốn nhận lại tiền mà chỉ muốn nhận đất
Vũ Quyền - 13/12/2022 08:48
 
Nhiều nhà đầu tư là bị hại của Công ty địa ốc Alibaba bày tỏ nguyện vọng muốn nhận được đất đã mua, không muốn nhận lại tiền.

“Dù là đất nông nghiệp tôi cũng nhận” 

Trong phiên xét xử ngày hôm qua (12/12), Tòa án Nhân dân TP.HCM bắt đầu thẩm vấn bị hại trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện.

Mặc dù dự kiến hơn 1.000 người, nhưng số lương bị hại có mặt tại tòa khoảng hơn 300 người. Trong khi xét hỏi, nhiều bị hại đã xác nhận những thông tin và bảy tỏ nguyện vọng trước Hội đồng xét xử. Trong đó, nhiều nhà đàu tư muốn được nhận lại đất.

Là một trong những bị hại, trả lời hội đồng xét xử, bà Dương Thị Mỹ Quỳnh cho biết đã nộp hơn 285 triệu đồng để mua dự án Alibaba Phước Bình Central Park. Nguyện vọng của bà Quỳnh là nhận lại đất. Xác nhận lại ý kiến của mình với Hội đồng xét xử, bà Quỳnh khẳng định: “chỉ muốn nhận lại lô đất hồi mình đã mua… không muốn nhận lại tiền mà chỉ muốn nhận đất thôi”.

Bà Dương Thị Mỹ Quỳnh chỉ muốn nhận lại lô đất hồi mình đã mua
Bà Dương Thị Mỹ Quỳnh chỉ muốn nhận lại lô đất hồi mình đã mua.

Tương tự, ông Phan Thành Trí, (Đồng Nai) cho biết đã mua 3 dự án Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Thắng Hải Newtimes City, Alibaba Bàu Cạn Riverside của công ty địa ốc Alibaba và không muốn nhận tiền, chỉ muốn nhận lại đất đã đầu tư.

“Dù cho là đất nông nghiệp tôi cũng nhận”, ông Trí nói.

Ngoài ra, có bị hại chỉ mong muốn vừa nhận đất và nhận lại tiền vốn như bà Ninh Thị Bích Thu. Bà Thu có 10 lô với giá trị gần 4 tỷ đồng và hiện tại chỉ mong nhận lại 2 lô đất cùng với số tiền còn lại không cần lãi.

Ông Phan Đức Tuấn (Đắk Lắk) đầu tư 9 lô của 4 dự án với số tiền hơn 1 tỷ đồng, mong muốn đầu tiên là lấy đất, nếu không được thì lấy lại tiền kèm theo lợi nhuận ngân hàng. Giải thích về yêu cầu của bản thân, ông Tuấn nói: “vì giá trị đất dưới đó giờ tăng lên rất là nhiều”.

Có nhiều bị hại mong muốn nhận lại đất, hoặc số tiền đã nộp cho công ty Alibaba. Tuy nhiên, có một số bị hại cũng mong muốn được nhận số tiền lãi mà công ty Alibaba đã cam kết trong các hợp đồng trước đó. Ông Đinh Trí Thủy (quận Gò Vấp) mua 4 lô đất của Alibaba với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Khi được hỏi về nguyện vọng, ông Thủy nói: “ưu tiên lấy lại số đất, còn nếu không lấy số tiền vốn cộng với tiền lãi theo như hợp đồng”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (Đồng Nai) cũng mong muốn vừa nhận lại đất cùng với tiền vốn và tiền lãi. Bà Hạnh đã mua của công ty Alibaba 3 dự án: Alibaba Tóc Tiên Residence 2, Alibaba Long Phước 12 và Ali Venice City. Trong đó, nguyện vọng của bà là được giữ đất ở dự án Alibaba Long Phước 12 để có đất xây nhà ở. Đồng thời, đối với 2 miếng đất ở dự án Alibaba Tóc Tiên Residence 2 và dự án Ali Venice City từng mua với tổng giá hơn 443 triệu đồng, bà yêu cầu được nhận lại tiền “và số tiền đó được nhân lên 3 năm đầu tiên, được nhân lên 90%”, bà Hạnh nói.

Số tiền bị thực tế lệch hồ sơ 

Trong phiên xét hỏi, có nhiều trường hợp số tiền thực tế của các bị hại khi trả lời hội đồng xét xử lệch “cao hơn” so với số liệu đã cung cấp trước đó. Số tiền lệch từ vài chục triệu tới cả tỷ đồng.

Bị hại cung cấp giấy tờ làm thủ tục xét hỏi
Bị hại cung cấp giấy tờ làm thủ tục xét hỏi.

Bà Lê Thị Nguyệt (TP Thủ Đức) mua 17 lô đất, đã đóng tiền hết cho công ty với tổng số tiền là hơn 6,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hội đồng xét xử nhận thấy số tiền này cao hơn số 4,7 tỷ đồng đã được cung cấp trong hồ sơ trước đó. Bà Nguyệt giải thích: “ngoài số tiền, trước đó có 2 lô đất công chứng với giá 1,4 tỷ đồng chờ lấy sổ nên không có liệt kê vào”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh (TP Thủ Đức) đầu tư 5 dự án với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, hội đồng xét xử cho biết số tiền của bà Hạnh bị lệch 1 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Vân (Đồng Nai) khi trả lời hội đồng xét xử, xác nhận đã đóng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, mong muốn được nhận lại toàn bộ số vốn đã đầu tư vào Alibaba. Tuy nhiên, số liệu thống kê trước đó thì bà Vân chỉ có hơn 661 triệu đồng.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Sang (Quận 5) cho biết đầu tư nhiều dự án với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, thế nhưng số liệu của tòa án cũng chỉ có hơn 4,8 tỷ đồng.

Lý giải vấn đề này, nhiều bị hại giải thích do lúc làm việc với cơ quan điều tra chưa thống kê hết giấy tờ có liên quan. Sau đó phát hiện nên tự bổ sung, cộng vào dẫn tới số liệu hiện tại cao hơn trong hồ sơ trước đó.

Các trường hợp lệch số tiền, hội đồng xét xử yêu cầu các bị hại đem tài liệu chứng cứ kèm theo qua bàn thư ký để bổ sung, đối chiếu. “Tài liệu chứng cứ phải phù hợp pháp luật, nếu không phù hợp, hội đồng xét xử sẽ không chấp nhận”, Chủ tọa nhắc nhở.

Từ ngày 12 - 18/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái cùng 22 đồng phạm về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền” chuyển sang phần thẩm vấn các bị hại. Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi các bị hại của 58 dự án theo từng dự án và hỏi xong sẽ không quay lại hỏi.

Vụ địa ốc Alibaba: Nguyện Thái Luyện phủ nhận cáo trạng và kêu oan
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thái Luyện khẳng định những hành vi của mình là đúng quy định của pháp luật, không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư