Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á: Lộ diện những “mắt xích” mấu chốt
Ngô sơn - 10/01/2022 09:54
 
Ba “mắt xích” và cũng là “tử huyệt” của vụ việc nâng khống giá lên khoảng 45% của Công ty Việt Á đang hiện dần ra, liên quan đến Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.
Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bên trái màn hình) và đại diện Học viện Quân y tại họp báo  công bố kit test do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 3/2020 2: Kit test Covid-19 Công ty Việt Á
Tổng giám đốc Công ty Việt Á (bên trái màn hình) và đại diện Học viện Quân y tại họp báo công bố kit test do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 3/2020.

“Mắt xích” tại doanh nghiệp: Nâng khống giá tới… 45%

Liên quan đến diễn biến mới nhất liên quan vụ mua bán kit test Covid-19 tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho hay, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á khai, đã “bắt tay” với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%.

Ngoài việc xác định Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương có dấu hiệu về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, C03 cũng xác định, Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp, Phó giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến còn có hành vi đưa, nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, C03 còn xác định, một số lãnh đạo, cán bộ của CDC Nghệ An và CDC Bình Dương đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) trong vụ nâng giá kit test Covid-19.

Chỉ mới “sơ sơ” nêu trên, trong doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, số tiền Công ty Việt Á thu lợi về chỉ riêng từ những đơn hàng với các “đối tác bắt tay” là trên 500 tỷ đồng, số tiền mà Phan Quốc Việt “lại quả” cho các “đối tác” gần 800 tỷ đồng.

2: Kit test Covid-19 Công ty Việt Á
Kit test Covid-19 Công ty Việt Á.

“Mắt xích” ở Bộ Khoa học và Công nghệ: Quản lý, nghiên cứu, chuyển giao

Như chúng tôi đã thông tin, C03 vừa khởi tố 3 nhân vật nguyên và đương kim lãnh đạo cấp vụ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ gồm các ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế); Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) bởi dấu hiệu tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Quyết loại bỏ “biến thể Việt Á” trong tương lai

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan, tập trung lực lượng, khẩn trương tổ chức các hoạt động điều tra, xác minh, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự can thiệp trái pháp luật của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Hiện nay, Bộ Công an rất tích cực mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các yêu cầu của Ban Chỉ đạo đối với vụ án nhằm ngăn chặn và loại bỏ “biến thể Việt Á” trong tương lai.

C03 cho rằng, có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Vậy chứng lý nào trong dấu hiệu sai phạm trên?

Hồ sơ của phóng viên Báo Đầu tư thể hiện, tại báo cáo do Học viện Quân y ký ngày 29/10/2021 thông tin chi tiết về bộ kit test Covid-19 Công ty Việt Á, đã lộ ra sự thật sửng sốt: đây là sản phẩm của một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20.

Điểm lưu ý nhất, báo cáo thể hiện, tới tận tháng 12/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ nói trên, nhưng tới hạn thì nổ ra vụ án và không thấy việc tổ chức nghiệm thu.

Còn thông tin ngoài báo cáo, Học viện Quân y mới họp nghiệm thu đề tài ngày 25/12/2021, tức sau khi C03 đã khởi tố vụ án và bắt 7 người liên quan kit test Covid-19.

Hai dữ liệu trên chính là sự bất thường, bởi đề tài chưa hề được nghiệm thu của cấp thẩm quyền theo quy định, mới chỉ dừng ở báo cáo của chính nhóm nghiên cứu.

Thế nhưng, từ trước đó, Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ đã “quảng bá” rầm rộ kit test được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận, đạt chuẩn thế giới, cùng những lời “có cánh” như: Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép; một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng…; nhiều tổ chức quan tâm đến sản phẩm như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ CHAI...

Hơn nữa, ngày 4/3/2020, căn cứ ý kiến của Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn I cùng kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của bộ xét nghiệm LightPower tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (thuộc Bộ Y tế),  Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời trong thời gian 6 tháng và ngày 4/12/2020 lại cấp phép lưu hành 5 năm đối với kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Chưa dừng lại, tư liệu trên thể hiện, kit test Covid-19 Công ty Việt Á hình thành từ 100% ngân sách và thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ lên kế hoạch nghiệm thu vào tháng 12/2021, nhưng chưa thực hiện thì nổ ra vụ án.

Như vậy, quy trình bắt buộc về hồ sơ, thủ tục từ nghiệm thu cuối cùng, chuyển giao tới khâu phân chia lợi nhuận trước thời điểm cơ quan công an khởi tố vụ án (tháng 12/2021) vẫn chưa hoàn thiện, nhưng “người ta” đã cho Công ty Việt Á sử dụng tài sản nhà nước bán rầm rộ suốt hơn 17 tháng trời (từ khi được cấp phép tháng 4/2020), thu về gần 4.000 tỷ đồng.

Đây chính là “huyệt đạo” để làm rõ có hay không tiền tỷ chạy vào túi riêng của không chỉ Việt Á hoặc các lãnh đạo CDC hay bệnh viện.

“Mắt xích” ở Bộ y tế: Hiệp thương giá, cấp phép

Liên quan việc khởi tố bắt 2 lãnh đạo cấp vụ của Bộ Y tế, trong sai phạm mà C03 xác định, có 3 dấu hiệu đáng chú ý: dấu hiệu sai phạm trong cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, trong cấp phép đăng ký lưu hành chính thức và trong hiệp thương giá kit test Covid-19 Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.

Liên quan vụ nâng khống mua bán kit test Covid-19 Công ty Việt Á, tới thời điểm này, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “đưa hối lộ, nhận hối lộ”; “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.

Lưu ý rằng, việc “hiệp thương giá” không phải giữa Công ty Việt Á và các lãnh đạo CDC đã bị khởi tố, mà theo C03, là “tại Bộ Y tế”.

Khi xảy ra vụ án, ngày 21/12/2021, Bộ Y tế có thông báo, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá; Bộ có văn bản và các doanh nghiệp đã công khai giá và công khai kết quả trúng thầu trên trang web của Bộ để các địa phương nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu; các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Với nội dung trên, Bộ Y tế thể hiện, trách nhiệm trong nâng giá sẽ chỉ dừng ở Công ty Việt Á. Tuy nhiên, có hàng loạt tình tiết lại gặp nhau tới “ngẫu nhiên”: giá bán 470.000 đồng/bộ kit cho CDC Hải Dương được xác định là giá đã nâng khống; Phan Quốc Việt vừa khai nhận có bắt tay nâng giá tới 45%; nhiều lãnh đạo CDC mua Kit test Covid-19 của Công ty Việt Á đều nói “tham khảo giá Bộ Y tế”.

Ngoài ra, thời điểm đầu “ra mắt” sản phẩm, tại cuộc họp báo ngày 5/3/2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Công ty Việt Á công bố giá bộ kit từ 400.000-600.000 đồng/bộ. Tháng 7/2021, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế (vừa bị khởi tố bắt giam) đã ký công văn kèm danh sách chi tiết về các đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu test Covid-19, khả năng cung ứng và giá bán gửi các sở Y tế và các bệnh viện có kế hoạch mua sắm, đã “giới thiệu” kit test của Công ty Việt Á có giá 470.000 đồng/bộ.

Những tình tiết đó cho thấy, giá nâng khống lên 470.000 đồng/bộ kit đã có những “toan tính dọn đường” không chỉ ở thời điểm Công ty Việt Á ký kết với các CDC. Vậy nên, không bỗng nhiên cơ quan chức năng khởi tố không chỉ nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn, mà còn cả đương kim  Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - ông Nguyễn Nam Liên.

Chính phủ báo cáo Quốc hội các vấn đề liên quan vụ Việt Á
Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép, quản lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư