Thứ Hai, Ngày 21 tháng 04 năm 2025,
Vụ sữa giả vào bệnh viện: Chấn chỉnh tình trạng kê đơn sữa, thực phẩm chức năng tại cơ sở y tế
D.Ngân - 21/04/2025 14:17
 
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở y tế rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng... để kịp thời chấn chỉnh.

Văn bản của Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh,  thời gian gần đây, công tác quản lý khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông có phản ánh tình trạng nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn người bệnh, người nhà sử dụng sữa do doanh nghiệp nằm trong đường dây sữa giả. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phát hiện việc sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn.

Sữa giả lọt vào bệnh viện là mối lo cho bệnh nhân.

Để bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ nghiêm các quy định, bảo đảm quyền lợi, sự an toàn của người bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện các quy định về kê đơn, chỉ định, sử dụng thuốc.

Theo đó, các đơn vị rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc và các thuốc được sử dụng trong cơ sở y tế với các thuốc giả đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện. Đồng thời, có biện pháp xử lý theo quy định nếu phát hiện vi phạm. Cơ sở y tế rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng... để kịp thời chấn chỉnh.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nếu phát hiện các hành vi sau: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc đối với các thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược.

Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi. Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức - Lợi dụng việc kê đơn thuốc để trục lợi.

Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận.

Đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng..., các đơn vị cần kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện.

Các cơ sở phải rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế. “Kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh”, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu.

Khi phát hiện sai phạm, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các cơ sở xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm.

Về phía cơ sở y tế, liên quan đến vụ việc hơn 600 sản phẩm sữa giả bị phát hiện trong đường dây tội phạm vừa bị triệt phá, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 có thông báo thu hồi sữa giả, hoàn tiền cho bệnh nhân;

Bệnh viện Bạch Mai đã khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và nhà thuốc bệnh viện. Kết quả bước đầu cho thấy chưa phát hiện bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến đường dây giả mạo này. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Bệnh viện vẫn đang tiếp tục kiểm tra chéo, đồng thời rà soát lại việc có hay không bác sỹ, dược sỹ từng tham gia quảng cáo, tiếp tay cho các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc sữa không rõ nguồn gốc.

Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ 3 năm nay, Bệnh viện đã dừng hoàn toàn việc bán thực phẩm chức năng trong nhà thuốc, đồng thời nghiêm cấm bác sỹ tư vấn, kê đơn hay giới thiệu thực phẩm chức năng cho bệnh nhân, kể cả dưới hình thức giới thiệu bên ngoài.

“Chúng tôi coi dinh dưỡng là một phần trong điều trị, và đang kiểm soát lâm sàng theo hướng cá thể hóa. Mỗi bệnh nhân được xây dựng thực đơn riêng theo thể trạng, kiểm soát chặt chẽ từng bữa ăn, từng gram đường, đạm, mỡ. Đó là cách Bạch Mai kiểm soát đầu vào thay vì chỉ đối phó với nguy cơ từ bên ngoài”, ông Cơ nói.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng có văn bản khẳng định việc bác sỹ, dược sỹ và nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế chấn chỉnh và xử lý nghiêm.

Công văn của Bộ Y tế viện dẫn khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.”

Điều này đồng nghĩa với việc mọi hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng có sự xuất hiện, xác nhận, hay “bảo chứng” bởi đội ngũ nhân viên y tế đều bị nghiêm cấm.

Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm tổn hại đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của ngành y, đồng thời tạo ra những hiểu lầm tai hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương về sức khỏe.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 về việc tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo y dược, hội, hiệp hội ngành nghề thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm cả người đã nghỉ hưu, về quy định nghiêm cấm trên.

Đồng thời, các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra nội bộ, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời gửi báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư