Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
"Vua tôm" Minh Phú tìm lại phong độ
Kỳ Thành - 25/09/2017 10:10
 
Từ năm 2016 đến nay, thị trường chứng khoán diễn ra sôi động. Đứng ngoài thị trường suốt thời gian đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang lên kế hoạch để lên sàn UPCoM.
.
Sau 2 năm rời sàn, tình hình kinh doanh của Minh Phú không đạt được như mong đợi

Cuộc rời sàn đầy tiếc nuối

Mới đây, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ chốt danh sách cổ đông và ngừng nhận hồ sơ chuyển quyền sở hữu chứng khoán mã MPC để nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Thông tin trên đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi sau hơn 2 năm rưỡi vắng bóng, doanh nghiệp được xem là “Vua tôm” sắp trở lại thị trường chứng khoán.

Trở lại thời điểm năm 2014 - 2015, việc Minh Phú quyết định hủy niêm yết tự nguyện tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối, nhưng cũng tạo sóng cho cổ phiếu này. Trả lời phỏng vấn Bloomberg lúc đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết, Công ty dự định tăng vốn thêm 20% và tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần, nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở cho kế hoạch này, bởi giới hạn room ngoại ở mức 49%.

Minh Phú đã chào mua cổ phiếu do cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ từ mức giá dưới 40.000 đồng/cổ phần và sau nhiều lần phải “nới trần”, mức giá chào đã tăng lên mức 100.000 đồng/cổ phần. Với vị thế “Vua tôm” có doanh thu lên tới hơn 15.000 tỷ đồng (năm 2014) cùng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao, một nhóm cổ đông sở hữu hơn 14 triệu cổ phần MPC đã gửi thư tới HĐQT Minh Phú để cam kết nắm giữ cổ phần.

Tại phiên giao dịch cuối cùng ngày 31/3/2015, Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết, rời sàn HOSE với mức giá đóng cửa 122.000 đồng/cổ phần.

Quay lại thị trường, Minh Phú có gì trong tay?

Tưởng như kế hoạch mà lãnh đạo Minh Phú đưa ra cho Công ty đã chắc như nắm trong lòng bàn tay, nhưng sau 2 năm rời sàn, tình hình kinh doanh của Minh Phú không đạt được như mong đợi.

Năm 2015, doanh thu của Minh Phú đạt 12.472 tỷ đồng, chỉ bằng 82% so với doanh thu năm trước đó và Công ty còn phải chịu “cú sốc” khi lỗ hợp nhất 6,9 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt kỷ lục 921 tỷ đồng. Năm 2016, tình hình kinh doanh của Minh Phú được cải thiện khi doanh thu đạt 12.064 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 81,89 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 86% và 18% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, trong năm nay, Minh Phú dường như đang lên kế hoạch lấy lại phong độ khi đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất là 15.781 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 841 tỷ đồng, tăng 10 lần so với thực hiện năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2017 (đã soát xét) của Minh Phú cho biết, doanh thu 6 tháng của Công ty đạt 6.382 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 158,57 tỷ đồng. Theo các báo cáo tài chính của Minh Phú giai đoạn 2013 - 2014, doanh thu và lợi nhuận các quý trong năm khá đồng đều và ít có sự tăng trưởng đột biến vào nửa cuối năm. Trong khi đó, mức doanh thu và lợi nhuận mà Công ty đạt được trong 6 tháng đầu năm còn cách đích cả năm khá xa.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng năm 2017 của Minh Phú đó là vốn cổ phần của Công ty vẫn là 700 tỷ đồng, tức là chưa hề có biến động so với thời điểm cổ phiếu MPC rời sàn.

Theo báo cáo thường niên các năm 2015 và 2016, cơ cấu cổ đông của Minh Phú không có quá nhiều thay đổi. Các cổ đông lớn trong và ngoài nước đều vẫn giữ nguyên số tỷ lệ sở hữu, Công ty cũng không đề cập thêm việc tìm kiếm đối tác chiến lược.

Trong khi vốn chủ sở hữu của MPC tại thời điểm 30/6/2017 không có biến động nhiều so với thời điểm cuối năm 2016, nhưng cơ cấu vốn vay có sự thay đổi lớn. Tại thời điểm 30/6, tổng nợ phải trả của Minh Phú là 5.918 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn, đạt 3.815 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn. Khoản vay ngắn hạn của Minh Phú là 3.335 tỷ đồng, tăng 1.513 tỷ đồng so với cuối năm 2016, trong khi khoản trái phiếu (thuộc nợ dài hạn) giảm từ 3.476 tỷ đồng (cuối năm 2016) xuống còn 2.039 tỷ đồng (thời điểm 30/6/2017).

Có thể thấy, sau 2 năm rời sàn với một kế hoạch tham vọng, Minh Phú dường như chưa thực hiện được những kế hoạch mà mình ấp ủ, mà hiện mới chỉ tìm lại phong độ của thời kỳ trước. Với những khó khăn của ngành thủy sản thời gian qua gây tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của Minh Phú, việc rời sàn của cổ phiếu MPC cũng có thể coi là một bước đi “tránh bão”. Tuy nhiên, trở lại với thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Minh Phú sẽ phải tốn không ít công sức để lấy lại vị thế cổ phiếu top đầu ngành thủy sản.

"Vua tôm" Minh Phú thua lỗ và nỗi lo của ngành thủy sản
Kết quả kinh doanh kém, thậm chí là thua lỗ đã được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đề cập đến từ cuối quý I...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư