Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Vướng mắc 10 năm trong thanh toán khoản công nợ 225 tỷ đồng xây dựng cầu Hòa Trung
Anh Minh - 17/01/2025 07:25
 
Khoản công nợ trị giá 225 tỷ đồng mà chủ đầu tư chưa thể thanh toán cho các đơn vị thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung - Cà Mau đã kéo dài gần 10 năm.
Cầu Hòa Trung đã được đưa vào sử dụng 10 năm nay mà các đơn vị thi công vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán như cam kết.
Cầu Hòa Trung đã được đưa vào sử dụng 10 năm nay mà các đơn vị thi công vẫn chưa nhận được các khoản thanh toán như cam kết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 384/BKHĐT – PTHTĐT gửi Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình báo cáo về việc xử lý vướng mắc trong việc bố trí vốn thanh toán cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cầu Hòa Trung thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Cà Mau – Đầm Dơi thuộc thẩm quyền quản lý, vận hành và bố trí vốn của UBND tỉnh Cà Mau.

Do UBND tỉnh Cà Mau gặp khó khăn về thu xếp vốn nên thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung tại Quyết định số 1350/QĐ – BGTVT ngày 15/4/2015 mà không thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo Điều 26 Luật Đầu tư công 2014; chỉ định thầu là Liên danh Cienco1 – Cienco4 ứng vốn để tổ chức thi công.

Trong khi đó,  khoản 6 Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2014 quy định cấm việc yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

“Do vậy, mặc dù công trình đã hoàn thành vào tháng 2/2016 và đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để hoàn trả cho Dự án do phát sinh nợ dộng sau ngày 1/1/2015, trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc Bộ GTVT”, công văn số 384/BKHĐT – PTHTĐT nêu rõ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các năm từ 2016 đến 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng tại công văn số 9933/BKHĐT – KCHTĐT ngày 29/11/2016 trong đó kiến nghị: "giao Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện lại thủ tục đầu tư theo quy định”.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tại văn bản số 10941/VPCP-KTTH ngày 16/12/2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo nói trên, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho Dự án.

Trên cơ sở, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định nguồn vốn gửi Bộ GTVT, trong đó đã nêu rõ: "Đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội toàn diện về Dự án làm cơ sở pháp lý bố trí vốn”.

Như vậy, vướng mắc lớn nhất của Dự án là không có căn cứ pháp lý để trình cấp thẩm quyền bố trí vốn cho Dự án nên mặc dù trước đây đã có nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là đã nhiều lần yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét nhưng đến nay Bộ GTVT chưa báo cáo cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm tính pháp lý của Dự án.

Để đảm bảo hiệu quả công việc, nhanh chóng xử lý dứt điểm những tồn tại kéo dài, sớm bố trí vốn thanh toán cho nhà thầu để tránh khiếu kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT chủ động rà soát lại toàn bộ quá trình lập, chuẩn bị, phê duyệt và triển khai Dự án, báo cáo cấp thẩm quyền để cho ý kiến về những vấn đề còn chưa phù hợp với quy định pháp luật đầu tư công nêu trên, trách nhiệm của các bên liên quan.

“Sau khi Dự án có đủ cơ sở pháp lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cần bố trí thanh toán cho Dự án để báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định, tránh hợp thức hóa các sai phạm (nếu có)”, công văn số 384/BKHĐT – PTHTĐT nhấn mạnh.

Cần phải nói thêm rằng, vào giữa tháng 12/2024, trong công văn số 9248/VPCP-KTTH, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo rõ về quá trình triển khai dự án, các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình phê duyệt, triển khai thực hiện dự án; các vướng mắc trong việc bố trí vốn cho dự án; nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, thẩm quyền xử lý, đề xuất, kiến nghị cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/12/2024.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất; chuẩn bị toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Dự án và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan trong quá trình báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm nội dung này.

Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và cơ quan liên quan tổng hợp, rà soát, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/12/2024 trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Cần phải nói thêm rằng, đây đã là chỉ đạo đôn đốc thứ 3 của lãnh đạo Chính phủ kể từ tháng 6/2024 nhưng đến nay khoản công nợ cầu Hòa Trung vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Được biết, trong công văn số 13174/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT xác nhận tổng giá trị quyết toán Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung là 249,4 tỷ đồng, trong đó phần chi phí xây dựng là 225 tỷ đồng; phần kinh phí giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Cà Mau ứng trước là 7,4 tỷ đồng.

Bộ GTVT khẳng định việc sớm bố trí vốn thanh toán cho Dự án là rất cần thiết và việc cho phép sử dụng vốn đầu tư công để thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách Nhà nước phát sinh sau ngày 1/1/2015 thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Tại số 13174/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT đề nghị Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận bố trí vốn thanh toán cho Dự án; số vốn cần được bố trí là 249,39 tỷ đồng.

“Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với Quý Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình báo cáo cấp có thẩm quyền”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Ông Đinh Ngọc Đàn, Tổng giám đốc Cienco1, số tiền 225 tỷ đồng với Nhà nước có thể không phải là số tiền lớn, nhưng với đơn vị này là bằng 1/4 vốn điều lệ. Sự thiếu hụt dòng tiền từ các Dự án chưa được thanh toán, trong đó có Dự án cầu Hòa Trung đang khiến Tổng công ty rơi vào tình trạng đứt gãy dòng tiền, gia tăng nợ xấu, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn.

“Do thời gian xử lý đã kéo dài gần 10 năm khiến nhà thầu không thể kiên nhẫn thêm. Chúng tôi đang cân nhắc sớm đưa vụ việc ra tòa kinh tế hoặc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình”, lãnh đạo Cienco1 cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư