Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Vướng quy định trong việc lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông vùng
Lê Quân - 04/04/2025 14:30
 
Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang nghiên cứu phương án thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu thì thấy còn quá nhiều vướng mắc.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 về việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhiều giải pháp mới được đề xuất, trong đó có việc thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ để thúc đẩy vùng phát triển.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đánh giá, việc thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ là hết sức cần thiết để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng. Việc có được một quỹ đầu tư hạ tầng chung cho toàn vùng với cơ chế mở sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và liên kết các địa phương, đặc biệt là đối với vấn đề hạ tầng, giao thông - yếu tố đang kìm hãm sự phát triển và khai thác tiềm năng của vùng Đông Nam Bộ.

Được biết, Quỹ Đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ dự kiến hình thành từ vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và các địa phương), nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn khác. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu, Sở Tài chính TP.HCM phát hiện còn nhiều vướng mắc trong việc thành lập quỹ.

Đầu tiên là cơ sở pháp lý. Hiện Nghị định số 147/2020/NĐ-CP, quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương, mà không quy định về quỹ cấp vùng. Đối chiếu với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 cũng không có khung khổ pháp lý cho loại hình quỹ đầu tư phát triển ở quy mô vùng.

Trong khi hệ thống ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 6, Luật Ngân sách nhà nước 2015 gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó, ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Điều này đồng nghĩa, hệ thống pháp lý Việt Nam hiện tại không ghi nhận chính quyền cấp vùng, không có ngân sách cấp vùng và không có cơ chế về vùng.

Trường hợp có một văn bản được cấp có thẩm quyền cho phép làm thí điểm thì vẫn còn hàng loạt vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của quỹ được quy định trong các luật và những văn bản liên quan. Hơn nữa, khi thành lập Quỹ Đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề về thẩm quyền, về quy trình đầu tư, về đất đai, về quản lý ngân sách, về đầu tư công…

Mặt khác, theo quy định tại khoản 11, Điều 8, Luật Ngân sách nhà nước 2015: “Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, do đó, việc thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vì mục tiêu phát triển vùng cần phải rà soát các quy định về quản lý ngân sách nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong toàn bộ hoạt động, dự án liên quan đến vùng.

Chưa kể, Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ và trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước.

Báo cáo số 463/BC-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn giám sát Quốc hội nêu rõ, cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng việc thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Việc thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tránh trường hợp thành lập quá nhiều quỹ.

Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM vào cuối tháng 2/2025, Sở Tài chính chỉ ra rằng, với tính chất của một quỹ đầu tư phát triển vùng, việc quan trọng hàng đầu là xác định thứ tự ưu tiên đầu tư đối với các dự án vùng để có chiến lược huy động và tài trợ vốn phù hợp. Tuy nhiên, khái niệm “dự án đầu tư vùng” chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Ngay cả khi dự án liên kết vùng được xác định là các dự án nằm trên phạm vi 2 tỉnh trở lên, hoặc nằm trong nội tỉnh nhưng có tác động đến các tỉnh khác thì việc xác định thứ tự ưu tiên cũng không đơn giản. Bởi vì, các địa phương trong vùng sẽ có các quan điểm khác nhau về lợi ích và mức độ ưu tiên của dự án, chưa kể đến những bất đồng về vị trí dự án. Ngoài ra, năng lực của các địa phương trong vùng không tương đồng, dẫn đến khó phối hợp trong việc thực hiện.

Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, những vướng mắc trên đòi hỏi vai trò của cơ chế điều phối vùng để sàng lọc và lựa chọn các dự án ưu tiên ở tầm nhìn chiến lược tổng thể, vượt khỏi tầm nhìn cục bộ của từng địa phương. Việc phân cấp mạnh cho các địa phương trong điều kiện hiện nay chưa phải là phương án tối ưu vì phân cấp chỉ chuyển giao quyền hạn, nhiệm vụ, nhưng vẫn chưa nhận diện rõ cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn một cách đồng bộ, tối ưu về lợi ích và đạt hiệu quả trên tổng thể.

Trên thực tế, ý tưởng về thành lập mô hình quỹ đầu tư phát triển vùng đã có từ nhiều năm nay, nhưng chỉ dừng ở ý tưởng, mà chưa xây dựng thành chính sách cụ thể.

Quảng Ninh gỡ khó về vật liệu san lấp cho các dự án hạ tầng giao thông
Tập trung các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh xác định đây là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư